Giá xuất khẩu nhiều nông sản “tỷ đô” lao dốc

(HQ Online) – Từ đầu năm đến nay, trong khi lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản vẫn đều đặn tăng thì giá xuất khẩu lại theo chiều giảm sâu, thậm chí có mặt hàng giảm tới hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

gia xuat khau nhieu nong san ty do am am lao doc

Hồ tiêu là mặt hàng sụt giảm giá xuất khẩu mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm nay. Ảnh: Internet

Gạo, tiêu, điều, cà phê đều giảm giá

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính có giá trị xuất khẩu ước đạt 10,84 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm này có 5 sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê đạt 1,8 tỷ USD, cao su đạt 1,1 tỷ USD, gạo đạt 1,73 tỷ USD, hạt điều đạt gần 1,8 tỷ USD, rau quả đạt 2,3 tỷ USD. Dù vậy, hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu đình đám lại đang rơi vào tình trạng lượng tăng nhưng giá giảm mạnh.

Cụ thể, với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 4,01 triệu tấn, thu về 1,73 tỷ USD, tăng 2,1% về lượng nhưng giảm tới 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 431 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Với mặt hàng hồ tiêu mức độ giảm giá còn khốc liệt hơn. Khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 201 nghìn tấn, tương đương 514 triệu USD, tăng 32,5% về lượng nhưng lại giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2.557 USD/tấn, giảm tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Tương tự gạo, hồ tiêu, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều ước đạt 235 nghìn tấn, thu về 1,8 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 7.612 USD/tấn, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2018…

Với mặt hàng cà phê, nửa đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cũng chỉ đạt 1.706 USD/tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Thúc chế biến sâu, xây dựng thương hiệu

Nhìn nhận về câu chuyện khó khăn trong xuất khẩu nông sản thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích: Nguyên nhân thứ nhất là bởi, tăng trưởng của bức tranh kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, ảnh hưởng đến cầu của các loại nông sản. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tạo ra những biến động ở 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, thời gian qua, vì mở rộng diện tích, nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt đang tăng mạnh về sản lượng, trong khi đó chất lượng chưa được cải thiện. Xuất khẩu sang các thị trường ngày càng khó cạnh tranh, dẫn đến giá xuất khẩu luôn luôn thấp.

Hàng nông sản hiện nay vẫn chủ yếu là hàng xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế đơn giản. Công nghệ chế biến sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, sản phẩm chế biến rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu không có thương hiệu, khó cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ nhất ở các ngành hàng như cà phê, hồ tiêu.

Từ góc độ ngành hàng, ông Nguyễn Nam Hải-Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam bày tỏ quan điểm: Hiện nay, hồ tiêu chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ tiêu trắng, tiêu nghiền quá thấp so với nguyên liệu xuất thô. Còn nhiều thứ để chế biến từ hồ tiêu mà Việt Nam chưa đẩy mạnh được, ví dụ như trong sinh học, y tế, chế biến thực phẩm chức năng hoặc những sản phẩm có liên quan đến nguyên liệu là hồ tiêu…

Theo ông Hải, để gia tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững, thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu phải hướng tới tạo ra sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, giúp giá tiêu cao hơn. Đây cũng là hướng đi khả quan cho nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Còn theo ông Trần Mạnh Báo- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình (Thai Binh Seed): Về dài dâu, muốn đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nông sản Việt trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng hiện nay, cần thay đổi công nghệ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, cần chú trọng liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, bên cạnh “liên kết 4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp-PV) mà Chính phủ thường nhắc tới, từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính phủ cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh…

Thanh Nguyễn (Theo nguồn báo Hải Quan 09:56 | 06/08/2019)

Contact: Công Ty TNHH MTV Thương Mại và Giao Nhận Phạm Lê.
Kim Phạm- Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

380 views