Gia tăng tình trạng gian lận C/O

(TBKTSG Online) – Hiện tượng gian lận C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa – Certificate of origin), làm C/O giả thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề chống gian lận xuất xứ hàng hóa ở nước ta.


Nhiều doanh nghiệp gia công, chế biến những mặt hàng đơn giản không đủ điều kiện cấp C/O nhưng họ vẫn xin cấp C/O Việt Nam nhằm hợp thức hóa hồ sơ. Ảnh minh họa Văn Nam.

Tại cuộc họp về xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra ngày 7-8, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho biết, 3 tháng vừa qua Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, liên tục gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận C/O, làm C/O giả. Qua kiểm tra cho thấy, vụ việc được phát hiện do cơ quan hải quan nước nhập khẩu báo lại, có 3 trường hợp doanh nghiệp làm giả liên 1 của C/O (có 3 liên), thực hiện qua một công ty dịch vụ chuyên làm C/O.

Cũng theo ông Linh, khi điều này được đưa ra thì nhận được lời lý giải từ doanh nghiệp là do “cần gấp C/O, nếu không cấp kịp phía đối tác sẽ huỷ đơn hàng”.

Ngoài ra còn có tình trạng doanh nghiệp gia công, chế biến những mặt hàng đơn giản không đủ điều kiện cấp C/O nhưng họ vẫn xin cấp C/O Việt Nam nhằm hợp thức hóa hồ sơ.

“Hệ luỵ là sẽ chuyển hàng không đủ tiêu chuẩn sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Do đó, cần phải quyết liệt, cụ thể, kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc cấp C/O”, ông Linh nói.

Báo cáo về việc hậu kiểm khi thực hiện cấp C/O, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa (pin mặt trời, lốp ô tô, hạt dẻ cười, tôm, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men, xe đạp điện,…).

Cục cũng chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Tập huấn, hướng dẫn về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp, khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.

Cũng tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc cần phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trong hoạt động cấp C/O nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa. Theo ông cần thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện cấp và quản lý cấp C/O ưu đãi.

Theo ông: “Áp lực chống gian lận xuất xứ đang rất lớn bởi chỉ cần liên quan một vụ việc, Việt Nam sẽ trở thành chủ thể trong các xung đột thương mại. Không riêng gì Bộ Công Thương mà lực lượng Hải quan, Công an đều đã nêu nguy cơ, hệ luỵ về gian lận xuất xứ”.
Theo chinhphu.vn (Theo nguồn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn , T.H Thứ năm, 8/8/2019, 14:41 )
Contact : Công Ty TNHH MTV Thương Mại và Giao Nhận Phạm Lê.
Kim Phạm – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

340 views