Dự thảo Thông tư số 39/2015/TT-BTC: cần rõ ràng, đơn giản tạo thông thoáng cho doanh nghiệp

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nếu theo đúng kế hoạch thì sẽ được ban hành trong tháng 6 này. Trong những lần lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ phía các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng, cơ quan soạn thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý .

Dự thảo Thông tư số 39/2015/TT-BTC: cần rõ ràng, đơn giản tạo thông thoáng cho doanh nghiệp

Việc xác định trị giá hàng hóa XNK là vấn đề hết sức phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh hàng hóa ngày càng đa dạng về chủng loại, nhà sản xuất, thương mại số lượng cũng tăng lên nhiều. Vì vậy, cơ sở để cả cơ quan Hải quan và DN lấy làm căn cứ để xác định trị giá hải quan là rất quan trọng.

Thứ nhất, về căn cứ xác định trị giá hải quan.

Dự thảo cũng chưa có cách định lượng thế nào là căn cứ cơ sở, nếu cơ sở không chắc chắn thì vừa gây khó khăn cho DN vừa gây khó xử lý cho cơ quan Hải quan. Nhiều ý kiến cho rằng cần có thước đo trung gian để 2 bên cùng biết thế nào là hợp lý.

Vấn đề cơ sở dữ liệu giá của cơ quan Hải quan không được cập nhật thường xuyên… Hiện cơ quan Hải quan chỉ dựa vào cơ sở dữ liệu giá của Hải quan, tuy nhiên cơ sở này thế nào thì DN không biết, giá trong cơ sở này cao hay thấp DN cũng ko biết. Vì vậy, dự thảo cần có hướng để minh bạch về cơ sở dữ liệu giá và DN có thể tiếp cận được. Cần có sự đánh giá lại với những tiêu chí đánh giá của cơ quan Hải quan.

Thứ hai, nội dung tham vấn 1 lần áp dụng nhiều lần vẫn chưa có sự chuyển biến lớn. Ngành Hải quan cần áp dụng quy định tham vấn giá 1 lần áp dụng cho nhiều lần để tạo thuận lợi hơn cho DN.

Thứ ba, phương pháp trị giá giao dịch khi chứng minh mối quan hệ đặc biệt có hay không ảnh hưởng đến giá cả mua bán trong giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu, một số ý kiến cho rằng, việc chứng minh mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến giá khai báo đối với DN là rất khó, bởi nhiều khi DN độc quyền, không có giá và DN NK tương tự để so sánh. Vì vậy, quy định tại dự thảo thông tư cần có quy định bao quát hơn. Bởi theo quy định quốc tế, việc có tồn tại hay không tồn tại mối quan hệ đặc biệt chưa chắc đã ảnh hưởng đến trị giá giao dịch và không nên là điều kiện để cơ quan Hải quan bác bỏ trị giá giao dịch.

Thứ tư, cùng 1 loại hàng hóa có rất nhiều dòng hàng khác nhau, nếu lấy 1 giá áp dụng chung cho các mặt hàng thì không hợp lý.

Thứ năm, để tra cứu việc phân loại DN, ban soạn thảo cần có sự đánh giá phân loại DN và cần thống nhất với Cục Quản lý rủi ro để đưa ra một quy định thống nhất cho hải quan địa phương thực hiện.

Thứ sáu, với hàng đã qua sử dụng theo phương pháp hướng dẫn tại dự thảo vẫn còn chung chung. Đối với hàng hóa đưa ra sửa chữa ở nước ngoài: hàng đưa ra và đưa vào kho ngoại quan cần bổ sung thêm quy định xuất vào khu phi thuế quan để sửa chữa.

Thứ bảy, quy định xác định trị giá hải quan với phần mềm NK, thủ tục khai báo phần mềm, trường hợp phần mềm NK nhập trước hoặc sau máy móc hoặc phương tiện trung gian, trường hợp này khai thế nào? Tính thuế ra sao?

Đặc biệt mới đây, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam- VCCI đã gửi đến Ban soạn thảo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 39 văn bản kiến nghị cụ thể.

Theo đó,  VCCI kiến nghị đơn giản hoá xác định trị giá hải quan cho hàng hoá không chịu thuế.

Nhiều loại hàng hoá hiện có thuế suất xuất khẩu, nhập khẩu 0%, hoặc được miễn thuế nên việc xác định trị giá hải quan chỉ còn ý nghĩa thống kê chứ không liên quan đến nghĩa vụ ngân sách. Do đó, có thể đơn giản hoá điều kiện và thủ tục xác định trị giá hải quan đối với những hàng hoá này để giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, các quy định pháp luật vẫn chưa thể hiện sự phân biệt này dù các cơ quan hải quan cũng ít khi kiểm tra, xác định lại trị giá hải quan trong các trường hợp như vậy. Tuy nhiên, do không có quy định rõ ràng nên một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá không chịu thuế nhưng vẫn phải làm đầy đủ các biện pháp xác định, điều chỉnh trị giá hải quan vì lo ngại bị phạt khi thực hiện không đầy đủ.

VCCI đề nghị cụ thể:  DN được áp dụng phương pháp trị giá giao dịch mà không cần đáp ứng đủ cả 4 điều kiện tại Điều 6.3, bao gồm người mua không bị hạn chế quyền định đoạt hoặc sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu; giá cả hoặc việc bán hàng không phụ thuộc vào những điều kiện hay các khoản thanh toán mà vì chúng không xác định được trị giá của hàng hóa cần xác định trị giá hải quan; sau khi bán lại, chuyển nhượng hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu người mua không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt hàng hóa nhập khẩu mang lại; người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch.

VCCI cũng đề xuất, đối với hàng xuất khẩu, chỉ cần khai báo giá trị giao dịch thực tế mà không cần điều chỉnh đúng về giá trị cửa khẩu xuất.

Cho doanh nghiệp tự kê khai phần giá trị phần mềm đi kèm hàng hoá.

Về việc xác định trị giá hải quan đối với phần mềm đi kèm hàng hoá, VCCI cho rằng, hiện việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá có phần mềm đi kèm đang gặp nhiều bất cập. Có trường hợp phần giá trị của phần mềm được cộng luôn vào giá trị vật lý của hàng hoá và trở thành trị giá hải quan của hàng hoá đó, có trường hợp phần giá trị phần mềm lại không được ghi nhận trong giá trị hải quan. Việc xác định chính xác phần giá trị phần mềm nào thuộc về hàng hoá, và phần giá trị dịch vụ nào không thuộc về hàng hoá hiện nay rất khó khăn do không có quy định rõ ràng.

Đối với phần mềm, trong bản thuyết minh của dự thảo, cơ quan soạn thảo cho rằng có trường hợp doanh nghiệp có “phần mềm không cùng chuyến với máy móc thiết bị, từ đó có khoảng hở dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để chuyển giá vào phần mềm nhập khẩu riêng nhằm giảm trị giá của máy móc thiết bị, giảm số tiền thuế phải nộp”.

Nhận định này chưa toàn diện, vì trong trường hợp đó, chi phí mà doanh nghiệp trong nước trả cho việc nhập khẩu phần mềm sẽ được coi là doanh thu của nhà thầu nước ngoài và doanh nghiệp trong nước sẽ phải kê khai và nộp thuế nhà thầu cho khoản này. Nói cách khác, thay vì phải nộp thuế nhập khẩu doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế nhà thầu cho phần giá trị của phần mềm. Vấn đề chuyển giá chỉ đặt ra khi có sự chênh lệch thuế suất giữa thuế nhập khẩu đối với máy móc và thuế nhà thầu đối với phần mềm.

Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án cho phép doanh nghiệp tự kê khai phần giá trị phần mềm và chịu nghĩa vụ thuế tương ứng, nếu doanh nghiệp kê khai vào trị giá hải quan thì phải nộp thuế nhập khẩu, nếu kê khai vào chi phí dịch vụ qua biên giới thì phải nộp thuế nhà thầu.
Nam Phương  (Theo nguồn Doanh nhân Sài Gòn online Thứ hai, 24/6/2019)

339 views