Doanh nghiệp quay cuồng tìm nguồn nguyên liệu
(HQ Online) – Trước những khó khăn về nguồn nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện đầu vào cho sản xuất do tác động của dịch COVID-19 gây ra, nhiều DN đã cố gắng tìm nguồn hàng mới. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa thể giải quyết một sớm một chiều.
Các DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời để vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa
Nguồn cung ở vào “vùng dịch”
Những ngày gần đây, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia có số lượng người nhiễm COVID-19 cao thứ hai thế giới. Đây tiếp tục là một thông tin làm “đau đầu” các DN sản xuất. Bởi rất có thể khi Hàn Quốc bùng dịch, các hoạt động giao thương, đi lại cũng sẽ bị hạn chế như với Trung Quốc, trong khi đây cũng là một trong những quốc gia quan trọng cung cấp nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện cho các ngành sản xuất như: Dệt may, điện tử… Thậm chí, trước đó, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, nhiều DN đã cho biết phải chuyển phương án sang nhập khẩu từ Hàn Quốc, chấp nhận chi phí cao hơn khoảng 15%. Với tình hình hiện nay, các DN thật sự đang “ngồi trên đống lửa” và tiếp tục tìm kiếm thị trường cung cấp nguồn hàng mới.
Thức tế là nhiều DN đã chuyển hướng tìm nguồn cung ở những thị trường khác ngoài Trung Quốc như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… nhưng khó khăn về giá cũng khiến các DN phải tính toán, bởi giá nguyên liệu đầu vào cao sẽ kéo theo giá sản phẩm tăng, gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, trong động thái mới đây, các DN thuộc Chi hội DN Khu công nghệ cao TPHCM (Chi hội SBA) đã có văn bản kiến nghị về việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các DN thuộc Chi hội này cho rằng, việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, việc đáp ứng đơn hàng đã lên kế hoạch cho quý I/2020 sẽ bị đình trệ và một số lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và tháng 3/2020.
Chia sẻ về khó khăn, một DN sản xuất linh phụ kiện điện tử cho biết, DN chưa có phương án thay thế nguồn hàng nhập khẩu, bởi đây là linh kiện sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, công nghệ cao, phải sản xuất theo đơn đặt hàng nên cần có thời gian chuẩn bị khuôn mẫu trước. Vì thế, DN chỉ đủ “cầm cự” sản xuất đến hết quý I, nếu việc cung cấp nguyên phụ liệu không trở lại bình thường thì rất có thể DN phải tạm dừng sản xuất. Với tình hình này, các DN không chỉ lo ngại thiệt hại về kinh tế khi định trệ sản xuất mà còn ảnh hưởng đến uy tín khi không thể đáp ứng yêu cầu sản phẩm từ khách hàng, đối tác.
Cùng với các DN sản xuất, không ít DN chế biến – xuất khẩu thủy sản cũng đang lo ngại với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Tiêu biểu là DN xuất khẩu cá ngừ, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc đang là nước có đội tàu đánh bắt cá ngừ lớn nhất thế giới, là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho Việt Nam, chiếm 7% tổng nhập khẩu cá ngừ năm 2019. Mặc dù cuối năm 2019 giá cá ngừ nguyên liệu ở mức thấp nên DN đã chủ động nhập dự trữ cá ngừ nguyên liệu, nhưng với tình hình như hiện nay, về lâu dài các DN sản xuất và chế biến cá ngừ có thể sẽ bị thiếu nguyên liệu.
Chuyển hướng tàu biển nhưng vẫn vướng hàng không
Theo Hiệp hội DN TPHCM, hầu hết DN ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu tùy theo tính chất ngành hàng, tình hình nguyên liệu, lao động, đầu ra sản phẩm… Tuy nhiên, về nguồn nguyên liệu, các DN sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nhập từ Trung Quốc (dệt, may, da giày, cao su, nhựa…) vẫn cố gắng duy trì sản xuất nếu vận chuyển nguyên liệu bằng đường biển. Nhưng theo Hiệp hội này, điều các DN lo lắng lại là vấn đề các chứng từ gốc phải chuyển phát nhanh qua dịch vụ quốc tế (đi máy bay), nhưng các chuyến bay hiện đã bị hạn chế nên DN rất khó khăn để nhận chứng từ. Trong khi nếu không có chứng từ gốc thì các hãng tàu không nhận lệnh lấy hàng hoặc không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu…
Có thể thấy, các DN đang đối mặt với rất nhiều khó khăn vì tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, không vì thế mà các DN mất đi sự “lạc quan” cần thiết để ứng phó. Các DN cho rằng, DN sẽ chủ động đàm phán lại giá trị, đơn giá hàng hóa xuất khẩu với những đối tác đã ký trước đó, thậm chí, các DN cho biết chấp nhận mất một phần lợi nhuận nhưng vẫn sẽ sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo uy tín với khác hàng cũng như đảm bảo đời sống cho công nhân viên. Trong khi đó, để giúp sức DN, nhiều tổ chức, hiệp hội ngành nghề đã và đang tổng hợp ý kiến của DN để đưa ra những giải pháp hợp lý, cùng chung tay giúp đỡ, kết nối thành chuỗi cung ứng nội địa giúp các DN có đầu vào – đầu ra hợp lý.
Cùng với đó, các DN mong muốn các cơ quan chức năng có những giải pháp có thể tạm thời nhưng phải kịp thời để sản xuất của DN không bị gián đoạn, trong đó phải chú trọng đến việc kích thích thị trường, tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường và kết nối giao thương…; đảm bảo việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất giữa Việt Nam và Trung Quốc được tiếp diễn bình thường. Không những thế, các DN còn mong muốn được áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền cho thuê đất… để có thêm kinh phí trang trải trong giai đoạn đầy khó khăn này.
Hương Dịu ( Theo nguồn báo Hải Quan 10:14 | 25/02/2020)
Link:https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-quay-cuong-tim-nguon-nguyen-lieu-120849.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com