Doanh nghiệp chủ động nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu cuối năm

(HQ Online) – Sau khi chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đang rất nỗ lực, tìm mọi cách để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới.

Doanh nghiệp chủ động nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu cuối năm
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Sài Gòn Food.

DN phát triển sản phẩm mới
Năm 2020 diễn biến thị trường với nhiều tác động bất lợi, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng tình hình bão lũ gây thiệt hại nặng ở các tỉnh miền Trung sẽ ảnh hưởng lớn đến sức mua cuối năm. Dự báo thị trường Tết năm nay sẽ ít sôi động hơn những năm trước. Do đó, để kích thích tiêu dùng, DN phải chuẩn bị nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất từ sớm để chủ động kìm giữ giá, đẩy sản phẩm lên kênh mua sắm online và chi nhiều hơn cho hoạt động khuyến mãi giảm giá.

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các DN như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ để đón đầu những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghệ cũng như các hiệp định thương mại đem lại.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa tết sắp tới, Công ty CP Sài Gòn Food chuẩn bị hàng hóa với sản lượng tăng từ 35 – 40% so với các tháng bình thường. Trong đó, tập trung cho những mặt hàng truyền thống và là nét văn hóa của Sài Gòn Food như: Lẩu tết, Hải sản, hộp quà Bánh chưng… Ngoài ra, để đón đầu cho nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm, Sài Gòn Food cũng đưa ra thị trường thêm các sản phẩm mới như: Bữa ăn tươi Sài Gòn Food, Cháo tươi bổ dưỡng vị mới, Nước dùng cô đặc với 2 vị mới, trọng lượng tăng kết hợp cùng công thức cải tiến.

Cuối năm là tháng cao điểm tiêu dùng thịt lợn nên Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) chuẩn bị nguồn cung thịt lợn bình ổn dồi dào để phục vụ người tiêu dùng. Trong tháng cận Tết Tân Sửu 2021, theo kế hoạch đơn vị sẽ cung ứng ra thị trường gấp đôi số lượng lợn/ngày so với ngày thường là 650-700 con lợn/ngày. Ngoài việc chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp Tết, DN cũng chú trọng tới việc phát triển sản phẩm mới để tạo sự chú ý của khách hàng. Đại diện một DN sản xuất thủy hải sản tại TPHCM, cho hay trong nhiều tháng nay, DN phải liên tục cử nhân viên ra tận các cảng cá ở miền Trung, miền Bắc để gom hàng, thậm chí một số nguyên liệu cá trước đây chỉ mua trong nước thì nay cũng phải nhập khẩu do một số nhà phân phối có kế hoạch tăng đặt hàng cho tháng Tết và gia công thêm sản phẩm hàng nhãn riêng. Bên cạnh đó, Công ty cũng chủ động nghiên cứu và đưa một số sản phẩm mới ra thị trường nội địa.

Theo ghi nhận, hiện Công ty CP Vinamit, ngoài việc tích cực phát triển các cộng tác viên bán hàng online cũng đang chuẩn bị cho sự ra mắt một số sản phẩm nước uống dinh dưỡng từ rau củ, trái cây. Đây là dòng sản phẩm mới 100%, khách hàng chỉ việc mở nắp ra là uống chứ không cần pha chế, phối trộn một số loại với nhau như cà phê, nước mía và nước rau củ, trái cây sấy khô trước đây.

Tăng tốc xuất khẩu

Song song với sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường nội địa, các DN đang nỗ lực, tìm mọi cách để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Từ giữa tháng 9, tín hiệu vui lan tỏa khắp khi gần như tất cả các DN trong ngành dệt may, da giày, gốm sứ bắt đầu nhận những đơn hàng mới từ đối tác châu Âu, Mỹ, Nhật… Theo chia sẻ của nhiều DN, tình hình đơn hàng đã phục hồi khoảng 60 – 70%. Ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương không giấu niềm vui khi chia sẻ: Tình hình cuối năm ngành gốm sứ rất khả quan, đơn hàng rất nhiều. Các DN đều tổ chức sản xuất, tăng ca nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, song song với bán hàng online, một số DN sản xuất cố gắng chuyển đổi cơ cấu mặt hàng. Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, bao gồm cả chuỗi cung nhập khẩu những mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này tại thị trường nội địa. Để phục hồi sản xuất, DN chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm theo nhu cầu của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước. Đơn cử, nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây là dòng sản phẩm chiến lược có thể khai thác trong thời gian tới.

Đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm, tình hình sáng sủa hơn rất nhiều sau dịch bệnh. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vinamit, cho biết, các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của Vinamit vẫn đều đặn theo kế hoạch từ 6 tháng trước. Từ tháng 6 đến nay, Vinamit đã xuất khẩu một số lô hàng trái cây organic gồm bưởi, mít… sang châu Âu theo đường hàng không. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Vinamit sẽ đưa ra những sản phẩm mới, tập trung phát triển thêm thị trường châu Âu, cũng như mở rộng vùng trồng nguyên liệu theo hướng Organic, bảo đảm xuất khẩu nông sản Việt bền vững.

Thu Dịu   (Theo nguồn báo hải quan 08:14 | 24/11/2020)
Link:  https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-chu-dong-nguyen-lieu-san-xuat-xuat-khau-cuoi-nam-137459-137459.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

351 views