Điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông và xăng dầu

(HQ Online)- Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, khung thuế suất đối với túi ni lông và xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng so với hiện hành.

Tuy túi ni lông hiện nay đã phải chịu thuế BVMT tuy nhiên cần phải được đưa vào Luật để triển khai đồng bộ. Ảnh: internet.
Chiếm 4,1% tổng thuTheo Bộ Tài chính đánh giá, việc thu thuế BVMT 5 năm qua đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.

Thống kê trong giai đoạn 2012-2016, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Tổng số thu thuế BVMT năm 2012 là 11.160 tỷ đồng, năm 2013 là 11.512  tỷ đồng, năm 2014 là 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là 27.020 tỷ đồng, năm 2016 ước khoảng 42.393 tỷ đồng. Khoản thuế này chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% – 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 0,3% – 0,9% trên GDP hàng năm.

Thuế BVMT là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế BVMT đưa chi phí “gây ô nhiễm môi trường” (các yếu tố ngoại ứng) vào giá bán của hàng hóa nên thu thuế BVMT làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.

Bộ Tài chính cho rằng, việc thu thuế BVMT góp phần khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường; hạn chế việc sản xuất, sử dụng hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường (như sử dụng xăng, dầu, than đá thải ra khí các-bon, lưu huỳnh; sử dụng dung dịch HCFC gây hiệu ứng nhà kính, suy giảm tầng ôzôn, biến đổi khí hậu), qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững gắn với BVMT.

Đưa thuế “túi ni lông” vào Luật

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, Luật thuế BVMT cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, như về đối tượng chịu thuế, thời điểm tính thuế, khung thuế BVMT… để phù hợp hơn, cũng như khắc phục một số vướng mắc, tồn tại.

Cơ quan soạn thảo dự tính đưa túi ni lông thuộc đối tượng chịu thuế. Luật thuế BVMT hiện hành chỉ quy định túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì chung chung nên trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc liên quan đến việc nhận diện hình dạng túi thuộc đối tượng chịu thuế. Để giải quyết vấn đề này, tại Nghị định số 69/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định về túi ni lông thuộc diện chịu thuế, song, để nâng cao tính pháp lý đối với quy định này thì cần đưa quy định này vào Luật thuế BVMT.

Ngoài ra, Luật thuế BVMT hiện hành quy định chỉ thu thuế đối với xăng gốc hóa thạch, không thu thuế đối với ethanol (E100). Đối với xăng sinh học (E5, E10 – chứa 5%, 10% ethanol tương ứng) thì chỉ tính thu thuế BVMT đối với số lượng xăng gốc hóa thạch. Như vậy, chính sách thuế BVMT hiện hành đã thể hiện định hướng khuyến khích sử dụng xăng sinh học.

Trong khi đó, mức thuế tuyệt đối thuế BVMT là mức thuế được quy định bằng số tiền tính trên một đơn vị hàng hóa chịu thuế. Do đó, để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng xăng sinh học theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì cần bổ sung xăng sinh học vào đối tượng chịu thuế BVMT và nghiên cứu, đề xuất mức thuế ưu đãi phù hợp, nhằm tạo chênh lệch hơn nữa giữa giá xăng khoáng và xăng sinh học.

Về Biểu khung thuế BVMT, theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh là cơ sở đề điều chỉnh mức thuế cụ thể, qua đó sẽ góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế tối thiểu đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng; mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế cụ thể đang áp dụng. Có nghĩa, khung mức thuế là 40.000- 80.000 đồng/kg. Mức hiện nay đang áp dụng là 30.000 – 50.000 đồng/kg.

Mức thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ điều chỉnh theo hướng mức thuế tối thiểu bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng. Mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành. Như vậy, khung thuế đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol ở mức 3.000-8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000-6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500-4.000 đồng/lít; xăng E5, E10 2.700 – 7.200 đồng/lít và 2.500-6.800 đồng/lít… Riêng dầu hỏa giữ như khung thuế hiện hành, vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, Luật Thuế BVMT quy định biểu khung mức thuế đối với xăng từ 1.000 đồng đến 4.000 đồng/lít, mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít. Khung thuế với nhiên liệu bay từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/lít, mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít.

Dự án Luật dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6-2017, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 8-2017, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2017.

Hồng Vân

 

1408 views