Để vải tươi chiếm lĩnh thị trường Mỹ, Úc phải mất ít nhất từ 5-8 năm

AsemconnectVietnam – Mỹ và Úc là hai thị trường khó tính trong quy trình làm thủ tục nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản. Chính vì vậy, để đưa một mặt hàng mới như quả vải chiếm lĩnh hai thị trường này sẽ phải mất ít nhất từ 5-8 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Điều này được thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại buổi Họp báo cáo Thường kỳ tháng 5 của Bộ Công thương khi bàn về câu chuyện thị trường cho trái vải năm 2015 và kỳ vọng tại thị trường Mỹ, Úc.

Theo ước tính của Bộ Công thương, năm 2015, sản lượng quả vải đạt khoảng trên 200.000 tấn. Cho đến thời điểm này, dự tính về thị trường tiêu thụ vải vẫn sẽ chủ yếu là nội địa và xuất Trung Quốc.

Cũng theo dự báo từ Bộ này, tiêu thụ nội địa và xuất sang Trung Quốc năm nay không có thay đổi so với năm trước, tỷ lệ 40% tiêu thụ tại thị trường nội địa. Còn lại xuất sang thị trường Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 6, Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, tỉnh Bắc Giang tổ chức các Hội nghị kết nối quả vải vào phía Nam (thị trường tiêu thụ lớn quả vải). Đồng thời, Bộ và các doanh nghiệp sẽ sử dụng các kênh tiêu thụ tiếp xúc với vùng vải ở Bắc Giang để đẩy nhanh tiêu thụ cho mùa vải 2015, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, ế ẩm như các năm trước.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, ngày 30/5 vừa qua, lô vải tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất đi Mỹ sau một thời gian khá dài đàm phán để được thị trường này cấp “quota”. Ngày 1/6 tiếp tục có thêm một tấn vải được xuất sang thị trường này. Dự kiến, ngày 10/6, sẽ xuất khẩu tiếp khoảng 1 tấn vải tươi đầu tiên sang Australia. Năm 2015 sẽ có khoảng vài trăm tấn vải thí điểm được xuất sang thị trường Mỹ và Úc. Với những bước đi thận trọng và chắc chắn thì dự kiến trong năm nay, lượng vải xuất khẩu sang Mỹ, Úc sẽ không lớn và chưa tạo ra đột biến.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, dù đã được Mỹ, Úc “mở cửa” song đây là hai thị trường rất chặt chẽ và khó tính trong việc kiểm định chất lượng hàng hóa. Chính vì vậy, xuất khẩu sang Mỹ, Úc không thể kỳ vọng giải quyết thị trường cho quả vải trong 1 – 2 năm tới.

Với những quy chuẩn ngặt nghèo, sự chặt chẽ và khó tính trong quy trình làm thủ tục nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản thì để đưa một mặt hàng mới như quả vải vào chiếm lĩnh thị trường Úc, Mỹ sẽ phải mất từ 5-8 năm, thậm chí lâu hơn.

Nhập khẩu hoa quả theo đường chính ngạch vào Mỹ, Úc phải qua các khâu kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, quy trình xuất xứ, đóng gói rất nghiêm ngặt… Trên thực tế, từ việc có được sự chấp thuận đến việc đưa thành công hàng hóa vào thị trường Mỹ, Úc không phải đơn giản, đòi hỏi nỗ lực lớn trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh, đảm bảo chất lượng… Do đó, chúng ta cần hoàn thiện hơn về chất lượng, mẫu mã và thương hiệu. Và đây là một lộ trình dài hơi đòi hỏi chúng ta phải có những bước đi thận trọng.

Hiện Bộ Công thương đang tính toán xây dựng các phương án để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu vào sâu thị trường này. Đồng thời, qua kinh nghiệm vào Mỹ, Úc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tính đường đi cho quả vải cũng như hàng nông sản Việt Nam vào các thị trường khác.

thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng, sự ổn định số lượng, chất lượng cũng như các quy cách đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về hóa chất, thuốc bảo quản…, sẽ đưa quả vải Việt Nam không chỉ xâm nhập được vào thị trường Mỹ, Úc mà sẽ tiến đến cả thị trường EU, Nhật Bản….

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

1956 views