Đánh thuế thép, Mỹ chơi cứng với cả thế giới

TTO – Những phản ứng đã đến tức thời sau tuyên bố của Tổng thống Trump về việc sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tuần tới. Các đồng minh thân cận của Mỹ đều nhảy dựng.

 

Đánh thuế thép, Mỹ chơi cứng với cả thế giới - Ảnh 1.

Nấu thép ở xưởng tại TP Hợp Phì, tỉnh An Huy (Trung Quốc) – Ảnh: REUTERS

Thương trường là chiến trường. Động chạm đến lợi ích thì không ai có thể bỏ qua. Ngay trong ngày hôm nay (2-3), Liên minh châu Âu (EU) đã có những phản ứng mạnh mẽ.

Đồng minh cũng chẳng đồng lòng

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải có phản ứng “kiên quyết” trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.

Ông Gabriel cho rằng bước đi của Washington là “hoàn toàn không thể chấp nhận”, đe dọa đến hàng ngàn việc làm tại châu Âu. Ông khẳng định các nhà sản xuất của Đức và EU cạnh tranh công bằng và không bán phá giá, đồng thời kêu gọi Tổng thống Trump cân nhắc lại quyết định trên. Ông cũng cho rằng Mỹ và EU “nên làm mọi thứ có thể để tranh xảy ra cuộc chiến thương mại quốc tế”.

Ông Jean-Claude Juncker – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cũng nhanh chóng đáp lời khi khẳng định “chúng tôi rất lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. Thay vì đem đến một giải pháp, quyết định này chỉ càng làm mọi chuyện thêm trầm trọng. Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi ngành công nghiệp của chúng tôi bị ảnh hưởng vì các quyết định bất công”.

EU sẽ tiến hành các tham vấn nhanh nhất có thể về việc giải quyết các bất đồng với Mỹ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”

Bà Cecilia Malmström – Cao ủy châu Âu về Thương mại

Đánh thuế thép, Mỹ chơi cứng với cả thế giới - Ảnh 3.

Thép đúc tại nhà máy Salzgitter AG ở TP Salzgitter (Đức) ngày 1-3 – Ảnh: REUTERS

Ngày 1-3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tuần tới. Việc áp mức thuế nhập khẩu mới đối với 2 mặt hàng kim loại này – 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm – được cho là một bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump.

Ông chủ Nhà Trắng đã cam kết sẽ xây dựng lại ngành sản xuất thép và nhôm ở Mỹ mà ông cho là phải chịu sự đối xử “đáng xấu hổ” từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ.

Cùng ngày 2-3, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ “kiềm chế sử dụng các công cụ bảo hộ thương mại” sau khi Tổng thống Trump công bố các kế hoạch áp thuế mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa cảnh báo nếu tất cả các quốc gia đều theo đuổi chính sách này giống Mỹ, điều này sẽ dẫn đến tác động nghiêm trọng đối với trật tự thương mại quốc tế.

Bà Hoa nhắc lại lập trường của Bộ Thương mại Trung Quốc đối với thuế đánh vào thép và nhôm, cho rằng việc Mỹ triển khai hơn 100 biện pháp chống lại việc nhập khẩu hàng hóa đồng nghĩa với “sự bảo hộ quá mức cho các mặt hàng nội địa”.

Cũng theo người đại diện của Bắc Kinh, trong chuyến thăm Mỹ đang diễn ra, ông Lưu Hạc (Liu He) – cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc, đã có các cuộc trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer về việc xây dựng những điều kiện cần thiết cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Các đồng minh thân cận của Mỹ như Canada và Úc cũng đã lên tiếng phản ứng giận dữ sau quyết định của Tổng thống Trump.

Canada – quốc gia cung cấp thép và nhôm hàng đầu cho Mỹ – tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đối phó, trong khi Mexico, Trung Quốc và Brazil cũng cho biết đang cân nhắc các biện pháp trả đũa.

Giới phân tích nhận định việc áp đặt thuế quan sẽ không bảo vệ được việc làm của Mỹ mà chỉ làm tăng giá hàng hóa và đối tượng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng.

Đánh thuế thép, Mỹ chơi cứng với cả thế giới - Ảnh 5.

Trưng bày các ống sắt thép tại khu Mullae-dong ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) – Ảnh: REUTERS

Mỹ dùng lý do “an ninh quốc gia bị đe dọa”

Cách đây 2 tuần, Bộ Thương mại Mỹ đã hối thúc Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế cao hoặc hạn ngạch đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, với lý do các sản phẩm nhập khẩu này “đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”.

Theo báo cáo được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trình lên Tổng thống Trump ngày 16-2, Mỹ cần áp mức thuế đối với tất cả sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, cao hơn mức thuế áp vào các mặt hàng nhập khẩu từ những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cụ thể.

Bộ trưởng Ross cũng đề xuất 3 lựa chọn, trong đó phương án một là áp mức thuế 24% đối với tất cả sản phẩm thép và 7,7% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ.

Phương án tiếp theo là áp mức thuế 53% đối với thép nhập khẩu từ 12 nước gồm Brazil, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Costa Rica, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam, và mức thuế 23,6% đối với các đơn hàng nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nga, Venezuela và Việt Nam, đồng thời áp đặt hạn ngạch hạn chế với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có xuất khẩu thép và nhôm đến Mỹ hồi năm ngoái.

Phương án cuối cùng là áp hạn ngạch đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ khắp mọi nơi vào Mỹ theo tỉ lệ dựa trên mức nhập khẩu năm ngoái. Theo Bộ trưởng Ross, trong mỗi trường hợp, các sản phẩm nhập khẩu kể trên đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ cũng như gây tổn hại cho các nhà sản xuất Mỹ.

Những biện pháp mà Bộ Thương mại đề xuất đồng nghĩa Mỹ sẽ tăng lượng sản xuất nhôm, thép lên tới 80%. Hiện công suất sản xuất thép và nhôm của Mỹ lần lượt đạt 73% và 48%.

Theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962, Tổng thống Mỹ có quyền hạn chế các sản phẩm nhập khẩu và áp thuế không giới hạn nếu cuộc điều tra của Bộ Thương mại nhận thấy các mặt hàng này đe dọa an ninh quốc gia.

Giới phân tích nhận định việc sử dụng vấn đề an ninh quốc gia để áp đặt các loại thuế đối với các sản phẩm nhôm, thép có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ, làm suy yếu hệ thống thương mại thế giới dựa trên các luật lệ quốc tế, cũng như gây tổn hại đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

TƯỜNG NGUYỄN  ( Nguồn Báo Tuổi Trẻ )
847 views