Đài Loan đầu tư cho các trường đào tạo tài năng ngành chip

(KTSG Online) – Đài Loan đang gấp rút thành lập các trường chuyên ngành chip với các khóa học mở quanh năm để đào tạo thế hệ kỹ sư bán dẫn tiếp theo đồng thời củng cố sự thống trị của Đài Loan trong lĩnh vực quan trọng này.

TSMC (Đài Loan), hãng sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, sẽ đầu tư đến 44 tỉ đô la và tuyển dụng hơn 8.000 nhân sự trong năm nay. Ảnh: Reuters

Mở hàng loạt trường chip dạy quanh năm

Với sự ủng hộ của người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn, kế hoạch mở các trường dạy chuyên sâu về lĩnh vực chip được triển khai vào năm ngoái khi các hãng chip lớn trên toàn cầu đầu tư hàng chục tỉ đô la cho việc mở rộng công suất để phát triển những “bộ não” vận hành mọi thứ từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu.

Riêng TSMC (Đài Loan), hãng sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, sẽ đầu tư đến 44 tỉ đô la Mỹ và tuyển dụng hơn 8.000 nhân sự trong năm nay.

Jack Sun, người đã nghỉ hưu với tư cách là giám đốc công nghệ của TSMC vào năm 2018 và trở thành hiệu trưởng của một trong những trường đào tạo sau đại học về lĩnh vực bán dẫn mới thành lập năm ngoái, nói với Reuters rằng các hãng chip của Đài Loan cần nhiều tài năng hơn nữa để cạnh tranh trên trường toàn cầu.

“Thực sự, tôi đang cống hiến những năm tháng tuyệt vời của tôi cho sự nghiệp phát triển tài năng ngành chip”, Sun nói và cho biết thêm Burn Lin, đồng nghiệp cũ của ông ở TSMC cũng đang là hiệu trường của một trường đào tạo nhân lực chip khác.

Jack Sun và Burn Lin, những lãnh đạo cấp cao của ngành chip chuyển hướng sang hoạt động giáo dục, là hiện thân cho chiến lược củng cố mối quan hệ giữa ngành công nghiệp chip và các học viện để duy trì vị thế của Đài Loan như một nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

“Chúng ta đang chạy đua với thời gian để ươm trồng tài năng ngành chip”, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nói tại lễ khánh thành Trường Nghiên cứu bán dẫn thuộc Đại học Thanh Hoa ở TP. Tân Trúc hồi tháng 12 năm ngoái.

Chính quyền Đài Loan đã hợp tác với các hãng chip hàng đầu để cung cấp ngân sách hoạt động cho các trường này. Bốn trường đào tạo nhân lực ngành chip đầu tiên đã được thành lập tại các đại học hàng đầu ở Đài Loan vào năm ngoái. Mỗi trường có chỉ tiêu đào tạo 100 sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ ngành chip mỗi năm. Cơ quan giáo dục Đài Loan cho biết thêm một trường chuyên ngành chip nữa đã được phê duyệt.

“Tôi đặc biệt yêu cầu các trường này mở cửa quanh năm, không nghỉ đông và nghỉ hè, để chúng ta có thể nhanh chóng đào tạo các tài năng”, bà Thái Anh Văn nói trong buổi lễ ra mắt một ngôi trường chuyên ngành chip khác.

Vấn đề thiếu hụt nhân tài là mối quan tâm hàng đầu đối với chính quyền Đài Loan, vốn coi ngành công nghiệp chip bán dẫn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh.

Nhu cầu nhân sự ngành chip tăng mạnh

Terry Tsao, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Semi Taiwan, cho biết ngay cả trước tình trạng khan hiếm chip toàn cầu xảy ra, các hãng chip đã lo ngại cơn bùng nổ ngành công nghiệp chip có thể bị kìm hãm vì thiếu hụt nhân tài.

Hồi tháng 9-2019, Tsao và khoảng 20 lãnh đạo khác trong ngành chip Đài Loan và nước ngoài đã gặp bà Thái Anh Văn và thúc giục chính quyền giải quyết vấn đề.

Giờ đây, khi các nước cam kết phân bổ ngân sách hàng chục tỉ đô la để thúc đẩy phát triển của ngành chip và các hãng chip đang chạy đua xây dựng các nhà máy mới, nhu cầu về kỹ sư thiết kế, sản xuất và thử nghiệm chip ngày càng tăng mạnh.

Trong quí 4-2021, trung bình có gần 34.000 việc làm trong ngành chip mỗi tháng cần tuyển dụng ở 104 Job Bank, một nền tảng tuyển dụng việc làm phổ biến của Đài Loan. Con số này cao hơn khoảng 50% so với một năm trước đó.

Dù nhu cầu về nhân sự tăng vọt nhưng Đài Loan, một trong nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới,  đào tạo ít kỹ sư ngành chip hơn trong thập niên qua. Thậm chí, số nghiên cứu sinh đang đăng ký theo học các chương trình tiến sĩ trong ngành chip cũng ít hơn. Đây là lực lượng nhân tài rất cần để phát triển các công nghệ chip đột phá.

Để cạnh tranh thu hút đội ngũ nhân tài với số lượng hạn chế, các hãng chip Đài Loan đã chào mời mức lương cao hơn, thời gian nghỉ phép dài hơn khi lên chức cha mẹ (nghỉ thai sản), các chương trình học bổng để săn lùng các kỹ sư chip từ các công ty khác và tuyển dụng tài năng mới từ các trường đại học.

Hãng thiết kế chip MediaTek của Đài Loan cho rằng sự cạnh tranh từ nước ngoài cũng như việc không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của ngành chip địa phương sẽ tác động đến việc phát triển tài năng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) chip ở Đài Loan trong dài hạn. Năm nay, MediaTek lên kế hoạch tuyển dụng hơn 2.000 nhân sự làm việc ở bộ phận R&D đồng thời tăng gấp đôi lượng thực tập sinh trong mùa hè này.

Các hãng chip Đài Loan cũng đang săn lùng tài năng ở nước ngoài. Hãng chip United Microelectronics dự định tuyển dụng hơn 1.500 nhân sự mới tại Đài Loan trong năm nay. Hãng cho biết đang mở rộng các kênh tuyển dụng ở nước ngoài.

Thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức kinh viện và thực tế

Tháng 5 năm ngoái, Đài Loan đã thông qua một quy định nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đại học và doanh nghiệp hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng, mở đường cho việc thành lập các trường đạo tào sau đại học về ngành chip.

Các quy tắc nới lỏng hơn cho phép các trường này huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp chip và tăng lương cho giảng viên. Ngoài tài trợ, các doanh nghiệp chip sẽ giúp thiết kế chương trình giảng dạy, cử lãnh đạo đến nói chuyện và cung cấp các chuyên gia chip để giảng dạy các khóa học đồng thời tư vấn cho các dự án nghiên cứu.

“Khi công nghệ chip phát triển nhanh chóng, có một khoảng cách giữa những gì bạn học và những gì bạn cần sử dụng tại các công ty. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp chip để giúp hẹp khoảng cách này”, Su Yan-kuin, hiệu trưởng trường chip tại Đại học Thành Công ở TP. Đài Nam, nói.

Lin Chun-yu, một nghiên cứu sinh tiến sĩ, 24 tuổi, ở trường của Su Yan-kuin, sẽ nhận được 40.000 Đài tệ (1.400 đô la Mỹ) mỗi tháng, một khoản lương mà các nghiên cứu sinh khác ở Đài Loan thường không được hưởng.

“Việc hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp chip giờ đây rất có ích cho hoạt động nghiên cứu của tôi và việc làm của tôi sau này”, Lin Chun-yu nói.

Có một số lo ngại cho rằng việc ưu tiên rõ rệt cho ngành chip sẽ gây tổn thất cho các ngành công nghiệp khác. Nhưng các chuyên gia ngành chip cho rằng tổn thất đó là cần thiết.

“Điều này sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong hệ sinh thái công nghiệp. Nhưng hiện nay, không có lựa chọn nào khác. Ngành công nghiệp chip là huyết mạch của nền kinh tế Đài Loan, nên trước tiên bạn phải duy trì nó. Nếu bạn không dựa vào nó, làm sao bạn có thể giúp nền kinh tế Đài Loan tiến triển?” Khánh Lan Theo Reuters

Source: https://thesaigontimes.vn/dai-loan-dau-tu-cho-cac-truong-dao-tao-tai-nang-nganh-chip

Please con tact with us:

M’me: Kim Pham- 0917474043      Email: kim.pham@phamle.com.vn

Mr: Minh Thiện- 0947441707         Email: int.ops@phamle.com.vn

255 views