Đại gia Thái rộng đường thâu tóm Nhựa Bình Minh

Công ty thành viên của Tập đoàn SCG Thái Lan dự kiến sẽ nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên 50% sau khi SCIC thoái vốn.

Ngay sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố lộ trình bán và giá khởi điểm của đợt chào bán vốn tại Công ty Nhựa Bình Minh (mã CK: BMP), cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp này đã phát tín hiệu về khả năng thâu tóm.

Chiều ngày 2/3, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết đã nhận được đơn đăng ký chào mua công khai của nhà đầu tư The NawaPlastic Industries – một công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đối với đợt chào bán công khai cổ phần của Công ty Nhựa Bình Minh (mã CK: BMP).

Theo văn bản này, NawaPlastic sẽ đăng ký mua toàn bộ 29,5% vốn của Nhựa Bình Minh. Dự kiến, công ty thành viên của tập đoàn SCG sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại một trong những công ty đứng đầu về nhựa công nghiệp lên gần 50% vốn và trở thành cổ đông lớn nhất. Nếu đạt được tỷ lệ này, khả năng SCG thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tập đoàn SCG của Thái Lan đang đứng trước cơ hội thâu tóm một trong những doanh nghiệp ống nhựa xây dựng hàng đầu Việt Nam.

Tập đoàn SCG của Thái Lan đang đứng trước cơ hội thâu tóm một trong những doanh nghiệp ống nhựa xây dựng hàng đầu Việt Nam.

“Chúng tôi nhắc lại rằng, cổ đông chiến lược NawaPlastic Industries hiện nắm 20,4% cổ phần tại BMP, là người mua tiềm năng nhất trong đợt bán cổ phần sắp tới”, báo cáo của Công ty chứng khoán HSC mới đây nhận định. “Dự báo công ty này cũng có thể hướng đến nắm cổ phần kiểm soát bằng cách tăng tỷ lệ sở hữu thông qua mua vào thị trường hay qua một số thương vụ thỏa thuận có sắp xếp trước”.

Năm 2012, Nawaplastic đã bỏ ra khoảng 352 tỷ đồng để mua hơn 7 triệu cổ phiếu Nhựa Bình Minh, tương ứng tỷ lệ 20,4%. Sau nhiều lần chia thưởng bằng cổ phiếu, công ty này hiện đã nâng sở hữu lên 16,7 triệu cổ phiếu BMP, với tỷ lệ vẫn giữ nguyên ở con số 20,4%.

Trước thời điểm SCIC công bố thoái vốn tại Nhựa Bình Minh, NawaPlatic cũng tiến hành thoái vốn tại Nhựa Tiền Phong – một doanh nghiệp mà công ty sở hữu cổ phần cùng thời điểm với Nhựa Bình Minh.

“Có hai cái tên được xem xét là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Khả năng sáp nhập vẫn luôn được cân nhắc. Tuy nhiên với việc đã thoái vốn tại Nhựa Tiền Phong trong năm ngoái, có vẻ như Tập đoàn này hiện chỉ đang xem xét sở hữu Nhựa Bình Minh”, báo cáo HSC viết.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán, Siam Cement Group (SCG) – tập đoàn từ Thái Lan và là công ty mẹ của NawaPlastic, đã thể hiện rõ tham vọng trong việc xây dựng một chuỗi giá trị tổng hợp trong ngành nhựa của Việt Nam. Hiện tại, tập đoàn này sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và trong thời gian qua SCG cũng bày tỏ mong muốn mua lại một doanh nghiệp sản xuất nhựa có sở hữu hệ thống phân phối tốt tại Việt Nam.

Nhựa Bình Minh hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu tại Việt Nam. Công ty sở hữu 4 nhà máy nhựa với tổng công suất là 140.000 tấn, cùng hệ thống phân phối và là thương hiệu phổ biến với mức độ nhận diện cao. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây trong điều kiện cạnh tranh gay gắt từ những doanh nghiệp mới, Nhựa Bình Minh đã dần đánh mất thị phần, với kết quả kinh doanh thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn trước.

Năm 2017, Nhựa Bình Minh đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 471 tỷ, giảm 25% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng quyết định giá bán kém đi khiến công ty không thể chuyển tác động tăng giá đầu vào sang cho khách hàng.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty giảm xuống còn 24% trong năm 2017 từ mức 32% trong năm 2016 khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 923 tỷ đồng (giảm 13%). Theo HSC, trong năm 2017, giá nguyên liệu đầu vào của Nhựa Bình Minh tăng hơn 8% trong khi giá bán bình quân gần như không thay đổi là tác nhân chính của điều này.

Sự xuất hiện của những tên tuổi mới, như sản phẩm ống nhựa của Hoa Sen khiến mức độ cạnh tranh của thị trường ống nhựa xây dựng trở nên gay gắt.

Trong nhiều năm liên tục, Nhựa Bình Minh duy trì chính sách chiết khấu nền cho đại lý chỉ ở mức 11%, trong khi những đối thủ như Nhựa Tiền Phong và doanh nghiệp mới tham gia phân khúc ống nhựa xây dựng PVC là Hoa Sen áp dụng chính sách cao hơn 2-3 lần.

Đến quý II/2017 trước áp lực về thị phần và yêu cầu đẩy nhanh tốc độ bán hàng, Bình Minh mới tăng mức chiết khấu thêm 4% lên 15%. Dù vậy, ngay sau quyết định này các đối thủ cũng tăng mức chiết khấu thêm 5% để duy trì sức ảnh hưởng như trước.

Trước triển vọng kinh doanh còn nhiều điều phải quan tâm, câu chuyện M&A hiện đang trở thành động lực chính cho giá cổ phiếu BMP trên thị trường chứng khoán. Cũng như nhiều trường hợp gần đây, sự xuất hiện của người Thái khiến nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự trở lại của “ông vua” ống nhựa thị trường phía Nam.

“Giá cổ phiếu đã phản ánh gần hết giá trị ở mức hiện tại. Tuy nhiên, động lực tăng giá cổ phiếu còn lại là câu chuyện M&A trong bối cảnh SCIC đang tìm người mua để bán cổ phần. Và Nawa Plastic nhiều khả năng đang chờ đợi điều này”, báo cáo HSC viết.

Minh Sơn  (Nguồn Báo Vnexpress.net)

1221 views