Cơ quan Hải quan có thể truy thu thuế trong thời hạn 10 năm

(HQ Online)- Trước kiến nghị của nhiều DN trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về việc cơ quan Hải quan nên kiểm tra sau thông quan cho DN theo từng năm để tạo điều kiện cho DN hạch toán tài chính, theo Tổng cục Hải quan, quy định kiểm tra sau thông quan trong thời hạn 5 năm là phù hợp với quốc tế và cơ quan Hải quan vẫn xem xét, xử lý việc truy thu thuế trong thời hạn 10 năm nếu phát hiện hành vi vi phạm của DN.

Công tác phúc tập hồ sơ tại cơ quan Hải quan. Ảnh: Tư liệu

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, nhiều DN trên địa bàn phản ánh, với quy định hiện nay, nếu cơ quan Hải quan để đến 5 năm mới thực hiện kiểm tra sau thông quan và truy thu thuế (nếu có) thì thực sự gây khó khăn và thiệt hại về uy tín cho DN, cho lãnh đạo người nước ngoài của DN. Các DN lý giải, vì kết thúc năm tài chính các DN đã hạch toán lời, lỗ và báo cáo về công ty mẹ ở nước ngoài nên không có khoản chi nào để nộp khoản truy thu sau nhiều năm. Do đó, các DN kiến nghị cơ quan Hải quan nên tạo điều kiện để kiểm tra sau thông quan cho DN theo từng năm.

Giải quyết kiến nghị này của DN, theo Tổng cục Hải quan, thời hạn kiểm tra trong 5 năm được quy định tại Luật Hải quan. Luật Quản lý thuế quy định nếu gian lận thuế, trốn thuế trong 10 năm vẫn truy thu số tiền thuế trốn, tiền thuế thiếu.

Đồng thời, quy định thời hạn 5 năm về cơ bản phù hợp với quốc tế, cơ quan Hải quan tập trung kiểm tra hồ sơ hải quan trong thời hạn này. Việc quy định thời hạn kiểm tra trong vòng 5 năm xuất phát từ đặc diểm, tình hình gian lận, trốn thuế, sai sót về thuế còn diễn ra phổ biến, phức tạp ở Việt Nam. Mặt khác, cần nhận thức rằng nếu cơ quan Hải quan phát hiện, chứng minh hành vi vi phạm nghiêm trọng số tiền thuế thất thoát lớn, thời gian vi phạm kéo dài, thì cơ quan Hải quan vẫn xem xét, xử lý việc truy thu thuế trong thời hạn 10 năm.

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, cơ quan Hải quan chưa thể kiểm tra theo từng năm như kiến nghị của DN vì số lượng các cuộc kiểm tra sẽ tăng, điều này liên quan đến bố trí nguồn nhân lực, gây ra lãng phí. Bên cạnh đó, kiểm tra theo từng năm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của DN. Việc kiểm tra chỉ áp dụng trong các trường hợp khi có dấu hiệu vi phạm, khi DN có độ rủi ro cao hoặc khi cần thiết để đánh giá sự tuân thủ pháp luật của DN. Mục đích kiểm tra sau thông quan phải mang lại hiệu quả trong đó tạo điều kiện cho DN ngày càng tuân thủ tốt pháp luật.

Đồng thời, pháp luật hải quan quy định những nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể đối với DN để DN không mắc sai sót, vi phạm (do lỗi vô ý, cố ý) . Nếu DN chấp hành tốt pháp luật sẽ không bị xử lý và tránh được những thiệt hại (nếu có). Vì vậy, những khó khăn mà DN nêu sẽ phụ thuộc chính vào việc tuân thủ pháp luật của DN.

Đảo Lê

 

1842 views