Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về chống gian lận xuất xứ

(HQ Online) – Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là vấn đề không chỉ ở nước ta mà tại nhiều nước trên thế giới, đây là cuộc chiến diễn ra trong nhiều năm qua. Chia sẻ về vấn đề này ông Guy Jennes, Trưởng Ban hải quan và gian lận thương mại- Cơ quan chống gian lận châu Âu (OLAF) cho biết, những lô hàng chuyển tải bất hợp pháp gây tổn hại về tài chính cũng như kinh tế đối với liên minh châu Âu (EU).

chuyen gia quoc te chia se kinh nghiem ve chong gian lan xuat xu
Công chức Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long kiểm tra hàng hóa XNK. ẢNh: N.Linh

Tại một hội thảo mới đây, ông Guy Jennes đã có những chia sẻ về quá trình cơ quan này điều tra các vụ việc chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa. Ông Guy Jennes cho biết, OLAF thực hiện việc điều tra khi biện pháp về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đã được áp dụng và có dấu hiệu lẩn tránh. Quá trình điều tra chủ yếu dựa vào lực lượng cán bộ của các quốc gia thành viên, điều này được dựa trên khuôn khổ hiệp định đã được ký kết cánh đây 30-40 năm cho phép cơ chế trao đổi trực tiếp thông qua hệ thống bảo mật.

Theo ông Guy Jennes, khi tiến hành điều tra bước đầu tiên bao giờ cũng là thu thập thông tin, thông tin này có thể từ nguồn nặc danh, từ số liệu thống kê thương mại, hay từ khiếu nại của chính DN NK, DN sản xuất nội địa của Liên minh châu Âu.

“Nếu họ thấy có vấn đề gian lận hoặc lẩn tránh sẽ gửi khiếu nại lên chúng tôi. Ngoài ra, còn có nguồn thông tin từ các cơ quan Hải quan quốc gia thành viên vì họ là người thực hiện kiểm tra, lấy mẫu hàng hóa, những dữ liệu được gửi cho chúng tôi thực hiện phân tích hoặc sử dụng kỹ thuật khai thác dữ liệu thống kê. Nếu thấy cần có biện pháp hành động tiếp theo chúng tôi sẽ phối hợp với quốc gia thành viên để có thể mở cuộc điều tra. Cuộc điều tra được tiến hành bởi OLAF về cơ bản chỉ tập trung vào vấn đề xuất xứ”-ông Guy Jennes nói.

Gian lận xuất xứ chiếm 10% số lượng vụ việc nhưng tác động của nó đến tài chính khoảng 30%, đại diện Cơ quan chống gian lận châu Âu (OLAF) nhấn mạnh và cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện một số cuộc điều tra nhất định, trên cơ sở đó là yêu cầu Tổng Vụ thương mại đưa ra những biện pháp nhằm thực thi tốt hơn các biện pháp phòng vệ thương mại đã có. Ví dụ đối với xe tay nâng, DN nhập về nhưng thông qua việc lắp đặt thêm một số thiết bị mang tính thô sơ để chuyển sang phân nhóm khác nhằm lẩn tránh thuế.

Nêu lại việc EU mất rất nhiều thời gian điều tra, xác định pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã gian lận xuất xứ, ông Guy Jennes cho biết: Cuối năm 2013, EU đưa ra kết luận cuối cùng và áp thuế chống bán phá giá và chống trợ giá rất cao đối với mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời NK từ Trung Quốc. Lượng hàng NK tăng vọt từ giữa năm 2013.

“Chính vì vậy, chúng tôi muốn có biện pháp chủ động. Trong vụ này, chúng tôi mất vài tuần để phân tích và phát hiện có hành vi chuyển tải. Năm 2014 bắt đầu có những lô hàng pin năng lượng mặt trời NK vào Liên minh châu Âu từ Nhật. Khi kê khai người kê khai hải quan nộp một số chứng từ, ban đầu chúng tôi không chú ý đến chứng từ đó lắm, nhưng khi phân tích kỹ, chúng tôi nhận thấy chứng từ đó cho thấy hàng hóa đã được chuyển tải sang Nhật. Cùng với đó, chúng tôi kiểm tra số hiệu container, kết hợp với việc điều tra và sự hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản. Kết quả là lô hàng chỉ được đóng vào container và chuyển qua Nhật Bản, sau đó được nhập vào EU”-ông Guy Jennes cho hay.

Ông Guy Jennes đánh giá, những kẻ đứng sau việc chuyển tải này rất ma mãnh. Họ chuyển hàng từ Trung Quốc, sang Nhật bản, rồi sang EU, trải qua rất nhiêu lãnh thổ, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Không chỉ đi qua Nhật Bản để vào EU mà nhiều DN đã khiếu nại rằng có nhiều lô hàng tiếp theo được XK từ Trung Quốc sang các các quốc gia, vùng lãnh thổ bị lợi dụng để chuyển tải như Malaysia, Đài Loan, Ấn Độ và sau này là Việt Nam để sau đó sang EU. Những lô hàng chuyển tải bất hợp pháp gây tổn hại về tài chính cũng như kinh tế đối với liên minh châu Âu.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ông Guy Jennes khẳng định khi phát hiện gian lận, chuyển tải bất hợp pháp, OLAF sẽ đưa ra các khuyến nghị về tài chính để thu hồi thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc các loại thuế ưu đãi khác để các quốc gia thành viên quyết định có thực hiện truy thu hay không. Nếu phát hiện giả mạo OLAF có thể khuyến nghị về pháp lý để khởi tố theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc đưa ra các khuyến nghị mang tính hành chính.

Bên cạnh đó, OLAF cũng có thể công khai những thông báo, cảnh báo cho DN. Ví dụ, đối với một sản phẩm cụ thể, DN có thể NK vào một thị trường nhưng phải ý thức được rằng nếu có sai lệch với những kê khai của DN thì sẽ phải chịu trách nhiệm và thuế suất trừng phạt lúc này sẽ được áp dụng.
N.Linh  ( Theo nguồn báo Hải Quan 16:16 | 20/11/2019)
Link: https://haiquanonline.com.vn/chuyen-gia-quoc-te-chia-se-kinh-nghiem-ve-chong-gian-lan-xuat-xu-115609.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

494 views