Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Kiểm soát từ năng lực sản xuất của doanh nghiệp

(HQ Online) – Biện pháp tăng cường thu thập thông tin, kiểm tra năng lực sản xuất của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để cơ quan Hải quan đánh giá, phát hiện sớm hành vi vi phạm, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Xung quanh vấn đề này, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn (ảnh) cho biết, đề triển khai đồng bộ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, đồng thời chính sách pháp luật cần hoàn thiện để có đủ căn cứ thực hiện.
chong gian lan xuat xu hang hoa kiem soat tu nang luc san xuat cua doanh nghiep 115062
(Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn (ảnh) 

Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, cơ quan Hải quan đã có những biện pháp như thế nào để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, thưa ông?

Thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài chính trong thời gian gần đây, cơ quan Hải quan đã thực hiện tích cực, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tăng cường kiểm soát, phòng ngừa gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Trong đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát khi làm thủ tục XNK, đặc biệt là tăng cường thu thập thông tin doanh nghiệp như: Năng lực sản xuất, dây chuyền máy móc trang thiết bị, công suất của nhà máy, số lượng nhân công và quy định trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp xác định đối tượng rủi ro cao cơ quan Hải quan phải kiểm tra tại cơ sở sản xuất để xác định DN có thực sự gia công, chế biến sản xuất xuất khẩu. Trong Nghị định 31/2018/NĐ-CP có quy định gia công đơn giản là không cần sử dụng kỹ năng, máy móc thiết bị chuyên dụng để tạo ra sản phẩm. Cụ thể, tại Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định việc lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh thì không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, quy định hiện nay còn chung chung và xác định thế nào là đơn giản chưa được cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra dây chuyên sản xuất, năng lực sản xuất để xác định DN thực hiện công đoạn sản xuất như vậy là đơn giản hay phức tạp. Trên cơ sở đó cơ quan Hải quan mới có thể đánh giá được hàng hóa sản xuất ra có đáp ứng quy tắc xuất xứ theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn khác để thực hiện các hiệp định thương mại tự do.

Thực tế việc xác định năng lực DN để chống gian lận xuất xứ vẫn còn một số khó khăn. Theo ông, cần có sự phối hợp giữa Hải quan với ngành khác như thế nào và đặc biệt cần hoàn thiện hệ thống pháp lý ra sao để có đủ cơ sở xử lý vấn đề này?

Để chống gian lận xuất xứ, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất. Qua kiểm tra, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số trường hợp DN đầu tư nước ngoài lợi dụng việc thành lập nhà máy tại Việt Nam để thực hiện một số công đoạn, hoặc không thực hiện hoạt động gia công nhưng sau đó hàng hóa XK vẫn ghi “made in Vietnam, hoặc “sản xuất tại Việt Nam” để xuất đi nước ngoài. Qua kiểm tra, theo dõi một số nhà máy chỉ thực hiện NK về thay đổi bao bì, nhãn mác xuất đi chứ không thực hiện hoạt động gia công, hoặc kiểm tra phát hiện DN chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản. Tuy nhiên, để làm được việc này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan. Chẳng hạn như phối hợp giữa cục hải quan tỉnh, thành phố với đơn vị bảo hiểm để xác định DN có đóng BHXH hay không, tiếp đó phối hợp với các đơn vị cung ứng các hàng hóa như điện, nước, nguyên liệu đầu vào để xác định DN có sử dụng để sản xuất ra sản phẩm hay không. Cơ quan Hải quan theo quy định pháp luật sẽ chủ động kiểm tra các cơ sở sản xuất để kịp thời xác định bất thường trong hoạt động sản xuất, qua đó đánh giá được việc tuân thủ quy định pháp luật về xuất xứ hay không.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Nghị định 31/2018/NĐ-CP, Thông tư 05/2018/TT-BCT chưa hướng dẫn quy định cụ thể về vấn đề gia công đơn giản, chỉ quy định chung chung: Lắp ráp, gia công đơn giản các bộ phận để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh gọi là gia công đơn giản. Tuy nhiên quy trình sản xuất mỗi ngành nghề khác nhau do vậy, cơ quan Hải quan kiến nghị các bộ, đặc biệt là Bộ Công Thương khi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt hàng hóa XK phải quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa thế nào là gia công đơn giản. Qua đó, cơ quan quản lý mới có thước đo, căn cứ để xem xét kiến nghị DN phải thực hiện các bước, công đoạn chế biến sâu để tạo thành giá trị gia tăng cũng như đáp ứng quy tắc xuất xứ thì mới công nhận xuất xứ Việt Nam. Đồng thời là cơ sở để xử lý hành vi lợi dụng Việt Nam để thực hiện gia công đơn giản để xuất khẩu, tránh ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính thực hiện hoạt động gia công thực sự để tạo ra giá trị cơ bản của hàng hóa.

Xin cảm ơn ông!

N.Linh  ( Theo nguồn báo Hải Quan 10:03 | 12/11/2019)
Link: https://haiquanonline.com.vn/chong-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa-kiem-soat-tu-nang-luc-san-xuat-cua-doanh-nghiep-115062-115062.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

538 views