Cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ logistics

Dịch vụ logistics bao gồm rất nhiều yếu tố và các yếu tố này tạo thành chuỗi logistics (logistics chain). Cụ thể ta có thể nêu một số yếu tố cơ bản cần có trong dịch vụ logistics như sau:

1. Yếu tố vận tải: Trong các yếu tố cấu thành chuỗi logistics thì vận tải giao nhận là khâu quan trọng nhất và thường chiếm trên 1/3 tổng chi phí của hoạt động logistics.

2. Yếu tố Marketing:

3. Yếu tố phân phối

4. Yếu tố quản trị

5. Các yếu tố khác: kho bãi, nhà xưởng, phụ tùng thay thế và sửa chữa, tài liệu kỹ thuật, thiết bị kiểm tra và hỗ trợ, tài liệu kỹ thuật

Nhóm “Những người bạn về logistics” trong WTO phân loại các yếu tố cơ bản của dịch vụ logistics gồm:

1.Dịch vụ logistics chủ yếu (core logistics service): Dịch vụ thiết yếu trong hoạt động logistics và cần phải tiến hành tự do hóa để thúc đẩy sự lưu chuyển dịch vụ bao gồm: dịch vụ làm hàng, dịch vụ lưu kho, dịch vụ đại lý vận tải và các dịch vụ hỗ trợ khác.

2.Dịch vụ có liên quan tới vận tải: Các dịch vụ có liên quan tới cung cấp có hiệu quả dịch vụ logistics tích hợp cũng như cung cấp môi trường thuận lợi cho hoạt động của Logistics bên thứ 3 phát triển gồm có vận tải hàng hóa (đường biển, đường thủy nội địa, hàng không, đường sắt, đường bộ và cho thuê phương tiện không có người vận hành) và các dịch vụ khác có liên quan tới dịch vụ logistics gồm dịch vụ phân tích và thử nghiệm kỹ thuật, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn và bán lẻ.

3.Dịch vụ thứ yếu hoặc mang tính bổ trợ (non core logistics service): Gồm dịch vụ máy tính và liên quan tới máy tính, dịch vụ đóng gói và dịch vụ tư vấn quản lý.

Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế ASEAN, các nước thành viên đã nhất trí xây dựng Lộ trình Hội nhập nhanh ngành dịch vụ logistics trong ASEAN để ký kết tại Hội nghị Không chính thức các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) vào tháng 5/2007. Việt Nam được cử làm nước điều phối chung về xây dựng Lộ trình này. Tháng 8/2006 và tháng 1/2007, Việt Nam đã tổ chức hai Hội nghị Tham vấn ASEAN về logistics tại Hà Nội với sự tham gia rộng rãi của đại diện các nước ASEAN, giới doanh nghiệp và các học giả liên quan trong khu vực. Trong ASEAN, bản dự thảo Lộ trình Hội nhập nhanh ngành logistics đã được thảo luận tại các diễn đàn khác nhau như Hội nghị các Quan chức kinh tế cao cấp (STOM), Hội nghị các Quan chức Cao cấp về viễn thông (TELSOM) và các Ủy ban chức năng của ASEAN như Ủy ban điều phối về Hải quan (CCC), Ủy ban điều phối về dịch vụ (CCS). Hiện nay, Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký ASEAN đã tổng hợp lấy ý kiến của các nước, các nhóm công tác để hoàn chỉnh dự thảo lần 3 (dự thảo cuối cùng) của Lộ trình Hội nhập nhanh ngành dịch vụ logistics.
Theo nội dung của dự thảo lần 3 của Lộ trình Hội nhập nhanh ngành dịch vụ logistics trong ASEAN, thời hạn cuối cùng để tự do hóa các phân ngành thuộc dịch vụ logistics là năm 2013, nhưng phương pháp tiếp cận để xử lý vấn đề tự do hóa sẽ được thảo luận và thống nhất trong khuôn khổ Ủy ban điều phối về dịch vụ ASEAN (CCS). Xét về phạm vi, dịch vụ logistics trong ASEAN được coi là gồm 11 phân ngành sau:

1.Dịch vụ xếp dỡ hàng hóa trong vận tải biển (có mã phân loại trong Bảng phân loại các hàng hóa và dịch vụ chủ yếu của Liên Hợp Quốc là 741-CPC 741)

2.Dịch vụ kho bãi (CPC 742)

3.Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (CPC 748)

4.Các dịch vụ bổ trợ khác (CPC 749)

5.Dịch vụ chuyển phát (CPC 7512**)

6.Dịch vụ đóng gói (CPC 876)

7.Dịch vụ thông quan (không có trong phân loại của CPC)

8.Dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế bằng đường biển, loại trừ vận tải ven bờ

9.Dịch vụ vận tải hàng không (được đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị các Quan chức Cao cấp về vận tải trong ASEAN)

10.Dịch vụ vận tải đường sắt quốc tế (CPC 7112)

11.Dịch vụ vận tải đường bộ quốc tế (CPC 7213)

Như vậy, theo các khái niệm của các tổ chức, diễn đàn khác nhau có khá nhiều các yếu tố cấu thành nên dịch vụ logisitcs. Căn cứ trên các yếu tố chung nhất, ta có thể nêu bức tranh tổng thể về cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh dịch vụ logistics như sau:

1.Dịch vụ vận tải:

1.1.Dịch vụ vận tải biển: Việt Nam có cam kết trong 2 phân ngành vận tải hành khách và vận tải hàng hóa (trừ vận tải nội địa)

-Phương thức 1: Ta chưa cam kết, chỉ không hạn chế với hàng hóa vận tải quốc tế

-Phương thức 2: Không hạn chế.

-Phương thức 3: Đến năm 2009, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam với vốn góp không quá 49% vốn pháp định của liên doanh. Thuyền viên nước ngoài được làm việc trên các tàu treo cờ Việt Nam hoặc đăng ký ở Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam nhưng tổng số không vượt quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam. Đối với các loại hình công ty khác, ngay sau khi gia nhập, mức vốn góp cam kết là 51%, 2012 là 100%. Số lượng liên doanh được thành lập vào thời điểm gia nhập không vượt quá 5. Sau đó, cứ hai năm một sẽ cho phép thêm 3 liên doanh. Sau 5 năm kể từ khi gia nhập (đến năm 2012), không hạn chế số lượng liên doanh.

-Phương thức 4: Chưa cam kết.

1.2.Vận tải đường thủy nội địa gồm hai phân ngành là vận tải hành khách và vận tải hàng hóa nội địa

-Phương thức 1: Chưa cam kết

-Phương thức 2: Không hạn chế

-Phương thức 3: Chỉ cho phép thành lập liên doanh với vốn góp không vượt quá 49% vốn pháp định

-Phương thức 4: Chưa cam kết

1.3.Vận tải hàng không gồm 3 phân ngành bán và tiếp thị sản phẩm hàng không, đặt, giữ chỗ bằng máy tính, bảo dưỡng và sửa chữa máy bay.

-Dịch vụ bán và tiếp thị sản phẩm hàng không: Phương thức 1 và 2: Không hạn chế. Trong Phương thức 3, các hãng hàng không nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thông qua văn phòng bán vé của mình hoặc các đại lý tại Việt Nam. Phương thức 4: Chưa cam kết

-Dịch vụ đặt, giữ chỗ bằng máy tính: Phương thức 1, 2, 3 không hạn chế, ngoại trừ nhà cung cấp nước ngoài phải sử dụng mạng viễn thông công cộng dưới sự quản lý của nhà chức trách viễn thông Việt Nam. Phương thức 4: Chưa cam kết

-Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay: Phương thức 1 và 2: Không hạn chế. Phương thức 3: Cho phép thành lập liên doanh với vốn góp nước ngoài là 51% kể từ ngày gia nhập. Đến năm 2012 sẽ cho phép thành lập liên doanh 100% vốn nước ngoài.

1.4.Vận tải đường sắt: Phương thức 1 và 4: Chưa cam kết, phương thức 2: Không hạn chế, phương thức 3 cho phép lập liên doanh với vốn góp nước ngoài không quá 49%.

1.5.Vận tải đường bộ: Phương thức 1 và 4 chưa cam kết. Phương thức 2 không hạn chế. Phương thức 3 cho phép hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp nước ngoài không quá 49%. Sau 3 năm kể từ khi gia nhập, tùy theo nhu cầu thị trường được phép thành lập liên doanh với tỷ lệ vốn góp nước ngoài không vượt quá 51%. 100% lái xe của liên doanh phải là công dân Việt Nam.

2.Dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải:

2.1.Dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ: Phương thức 1 và 4: Chưa cam kết. Phương thức 2: Không hạn chế. Phương thức 3: Cho phép thành lập liên doanh với vốn góp nước ngoài không vượt quá 50%.

2.2.Dịch vụ thông quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển: Phương thức 1 và 4: Chưa cam kết. Phương thức 2: Không hạn chế. Phương thức 3: Cho phép thành lập liên doanh với vốn góp nước ngoài không vượt quá 51% kể từ khi gia nhập, đến năm 2012 cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

2.3.Dịch vụ kho bãi công-ten-nơ đối với hàng hóa vận tải bằng đường biển: Phương thức 1 và 4: Chưa cam kết. Phương thức 2: Không hạn chế. Phương thức 3: Cho phép thành lập liên doanh với vốn góp nước ngoài không vượt quá 51% kể từ ngày gia nhập, đến năm 2014 cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

2.4.Dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay: Phương thức 1 và 4 chưa cam kết. Phương thức 2 không hạn chế. Phương thức 3: Cho phép thành lập liên doanh với đối tác nước ngoài không quá 50%.

2.5.Dịch vụ đại lý kho bãi và đại lý vận tải hàng hóa: Phương thức 1 và 4: Chưa cam kết. Phương thức 3: Kể từ ngày gia nhập cho phép thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài không vượt quá 51%. Đến năm 2014 là không hạn chế.

3.Dịch vụ chuyển phát:

Phương thức 1, 2: Không hạn chế. Phương thức 3:Trong vòng 5 năm kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh với vốn góp nước ngoài tối đa lên tới 51%. Tới năm 2012, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Phương thức 4: Không cam kết.

4.Dịch vụ phân phối:

Về cơ bản, Việt Nam giữ được như BTA, tức là khá chặt so với các nước mới gia nhập. Trước hết, về thời điểm cho phép thành lập doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài là như BTA (1/1/2009). Thứ hai, tương tự như BTA, ta không mở cửa thị trường phân phối xăng dầu, dược phẩm, sách báo, tạp chí, băng hình, thuốc lá, gạo, đường và kim loại quý cho nước ngoài. Nhiều sản phẩm nhạy cảm như sắt thép, xi măng, phân bón… ta chỉ mở cửa thị trường phân phối sau 3 năm kể từ ngày gia nhập. Doanh nghiệp có có vốn đầu tư nước ngoài, mở điểm bán lẻ thứ hai trở đi phải được Việt Nam cho phép theo từng trường hợp cụ thể.
Xét về phương thức cung cấp dịch vụ theo quy định của WTO, trong cam kết gia nhập Việt Nam không cam kết Phương thức 1 (đồng nghĩa với việc kiểm soát bán lẻ theo đơn đặt hàng qua mạng), trừ phân phối các sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân và các chương trình phần mềm máy tính hợp pháp và 4 (không cam kết về việc công dân các nước thành viên WTO vào Việt Nam để phân phối hàng hóa với tư cách cá nhân độc lập), và không hạn chế Phương thức 2 (người Việt Nam sang các quốc gia thành viên WTO để sử dụng dịch vụ phân phối do các nhà phân phối của các nước đó cung cấp).
Trong Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam sẽ giành quyền kinh doanh đầy đủ cho các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài (trong đó bao gồm quyền phân phối sản phẩm cho các cá nhân và doanh nghiệp được phép phân phối sản phẩm đó ở Việt Nam) kể từ ngày 1/1/2007, ngoại trừ một số sản phẩm chịu sự điều chỉnh của cơ chế thương mại nhà nước (thuốc lá, xăng dầu, báo, tạp chí chuyên ngành, băng đĩa hình, tàu vũ trụ, máy bay trực thăng), gạo (cho phép xuất khẩu kể từ ngày 1/1/2011), dược phẩm, phim điện ảnh, lịch bưu thiếp, tem thư, máy in, ra-đa, camera (cho phép nhập khẩu từ 1/1/2009)

5.Dịch vụ máy tính và liên quan tới máy tính:

Việt Nam cam kết Không hạn chế trong Phương thức 1 và 2. Trong Phương thức 3, trong giai đoạn 2007-2009, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đến năm 2010 doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập chi nhánh để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đối xử quốc gia trong Phương thức 3 chỉ được hưởng với điều kiện giám đốc của doanh nghiệp nước ngoài phải cư trú tại Việt Nam. Phương thức 4 ta chưa cam kết.

6.Dịch vụ tư vấn quản lý:

Về diện cam kết, Việt Nam loại trừ dịch vụ trọng tài và hòa giải tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp và chưa cam kết đối với phân ngành này trong giai đoạn 2007-2010. Đối với Phương thức 1 và 2 ta Không hạn chế. Trong Phương thức 3, ta chỉ cho phép các công ty nước ngoài thành lập chi nhánh kể từ năm 2010. Trong giai đoạn 2007-2008, chỉ được thành lập doanh nghiệp dưới hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh. Phương thức 4 ta chưa cam kết.

7. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật (ngoại trừ việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho phương tiện vận tải):

Phương thức 1 ta chưa cam kết về tiếp cận thị trường và không hạn chế về đối xử quốc gia. Việt nam không hạn chế đối với Phương thức 2. Trong phương thức 3, sau 3 năm kể từ khi Việt Nam cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được tham gia kinh doanh dịch vụ mà trước đó không có sự cạnh tranh của khu vực tư nhân, cho phép thành lập liên doanh không hạn chế vốn nước ngoài. Sau 5 năm, ta không không hạn chế. Việt Nam cũng bảo lưu việc tiếp cận một số khu vực vì lý do an ninh quốc gia. Phương thức 4 ta chưa cam kết.
Đánh giá chung các cam kết của ta khi gia nhập WTO, ta đã đạt mức tự do hóa có ý nghĩa với một lộ trình hợp lý đối với các phân ngành bổ trợ cho dịch vụ logistics. Ta cũng đã đạt được mức độ bảo hộ cần thiết đối với một số ngành/phân ngành dịch vụ nhạy cảm (dịch vụ chuyển phát, dịch vụ phân phối, dịch vụ vận tải đường sắt và vận tải đường bộ nội địa, …). Một số phân ngành dịch vụ mà Việt Nam có lợi thế cung cấp như dịch vụ xếp dỡ container với hàng hóa vận chuyển đường biển, đại lý kho bãi và đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ thông quan, … ta đặt hạn chế vốn góp nước ngoài không vượt quá 50% (tỷ lệ khống chế) hoặc đặt ra lộ trình cho phép tăng vốn góp của phía nước ngoài từ 5-7 năm. Riêng trong nội bộ ASEAN, thời hạn 2013 đã được đặt ra để tự do hóa hầu hết các phân ngành chủ yếu trong dịch vụ logistics. Bước tiến đáng kể trong tự do hóa dịch vụ logistics trong ASEAN được thể hiện trong phân ngành dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường hàng không (dự kiến sẽ được tự do hóa hoàn toàn vào năm 2008).
Tới thời điểm này, các cam kết gia nhập WTO của ta mới có hiệu lực được hơn 3 tháng nên khó có thể đưa ra đánh giá chính xác về tác động của các cam kết tự do hóa đối với các phân ngành của dịch vụ logistics tại WTO. Tuy nhiên, có thể đưa ra một số nhận định sơ bộ như sau:

– Dịch vụ vận tải đường biển

Nhiều nước trên thế giới dè dặt khi tiến hành tự do hoá dịch vụ vận tải biển. Một số nước cho rằng tự do hoá dịch vụ vận tải biển là một “con dao hai lưỡi”. Nếu cho phép tự do hoá quá nhanh thông qua cho phép xây dựng một thị trường vận tải biển thực sự cạnh tranh với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp, kể cả các nhà vận tải nước ngoài thì có thể sẽ giúp làm giảm chi phí vận tải nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành vận tải biển quốc gia. Chi phí vận tải biển có thể giảm trong ngắn hạn nhưng về lâu dài nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào các nhà vận tải biển nước ngoài. Ngược lại, nếu bảo hộ ngành vận tải biển quá mức thì chi phí vận tải sẽ rất cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá quốc gia trên thị trường thế giới.
Cho tới nay, Việt Nam đã cho phép thành lập 14 công ty liên doanh vận tải biển và container với vốn góp của nước ngoài khá linh hoạt. Dù trên thực tế một số hãng vận tải biển nước ngoài đã bước đầu tham gia vào thị trường vận tải Việt Nam qua hình thức liên doanh nhưng các cam kết quốc tế của Việt Nam trong ASEAN, WTO còn tương đối chặt chẽ. Chẳng hạn, đối với phương thức cung cấp qua biên giới (Mode 1), ta chưa cam kết trong khi đây là phương thức cung cấp phổ biến và thực sự cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá và chiếm tỷ trọng lớn. Đối với phương thức cung cấp hiện diện thương mại (Mode 3), cho tới 2009, Việt Nam mới cho phép thành lập công ty liên doanh với vốn góp của nước ngoài dừng ở mức 49%.

– Dịch vụ vận tải đường bộ

Đây là ngành dịch vụ có mức độ mở cửa khá cao và là loại hình vận tải năng động nhất hiện nay tại Việt Nam. Cho đến nay đã có trên 20 liên doanh vận tải đường bộ được cấp phép hoạt động, tạo ra một thị trường đầy cạnh tranh. Điều đáng chú ý vốn góp của phía nước ngoài trong một số liên doanh đã được đẩy lên trên mức 51% tức là mức trần quy định trong các cam kết quốc tế của ta. Trong cam kết gia nhập WTO, ta cho phép phía nước ngoài được thành lập liên doanh với nhà vận tải đường bộ Việt Nam với vốn góp của nước ngoài không quá 51% kể từ năm 2010. Có thể nói chính sách của ta trong lĩnh vực vận tải đường bộ cùng với chính sách cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước được cạnh tranh khá bình đẳng đã góp phần phát triển nhanh vận tải bộ trong thập kỷ qua.

– Dịch vụ vận tải đường sắt
Trước thời điểm ta gia nhập WTO, ngành dịch vụ này thuộc độc quyền Nhà nước. Chủ trương phát triển của ngành đường sắt trong một thời gian dài vẫn là tập trung nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, chưa lo cạnh tranh với các nhà vận tải nước ngoài. Tuy nhiên trong cam kết gia nhập WTO, ta đã cho phép nước ngoài tham gia liên doanh với đối tác Việt Nam với vốn góp tối đa đạt 49%, nhưng không cam kết về dành đối xử quốc gia. Do ngành vận tải đường sắt đòi hỏi phải có mức độ đầu tư khá lớn về cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ nên dự kiến trong ngắn hạn chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Về dài hạn, Nhà nước ta vẫn chủ trương kiểm soát loại hình dịch vụ này cũng như tương tự như các loại hình dịch vụ vận tải nội địa khác.

– Dịch vụ vận tải hàng không
Ngành hàng không Việt nam đang phát triển theo hướng giảm dần độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh để nâng cao chất lượng phục vụ. Hiện nay, Việt nam có 4 hàng hàng không trong nước bao gồm Việt nam Airlines, Pacific Airlines, VASCO và SFC đang cung cấp dịch vụ. Về dịch vụ vận chuyển hàng hoá và hành khách trên các tuyến nội địa, các hãng hàng không nước ngoài chưa được phép tham gia mà hoàn toàn do các hãng hàng không trong nước thực hiện.
Tuy nhiên, đối với các tuyến vận chuyển quốc tế, các hãng hàng không nước ngoài được tham gia khá tự do và cạnh tranh rất mạnh với các hãng hàng không trong nước. Trong khuôn khổ cam kết quốc tế, dịch vụ vận chuyển hàng hoá và hành khách (thương quyền) chưa được đưa vào phạm vi điều chỉnh ở phạm vi đa phương mà vẫn thuộc phạm vi của các hiệp định song phương. Những dịch vụ chính được cam kết là dịch vụ tếp thị và bán sản phẩm hàng không, dịch vụ đặt giữ chỗ máy tính và dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay. Đối với các dịch vụ này, ta hiện nay cam kết rất thông thoáng khi cho phép các hãng hàng không nước ngoài có hiệp định song phương được tự do cung cấp dịch vụ này với điều kiện sử dụng hệ thống mạng của Việt Nam.

– Nhóm ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải

Trên thực tế, ta chưa mở cửa nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ này. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận. Dù vậy, đã có một số công ty liên doanh trong lĩnh vực giao nhận, sửa chữa phương tiện vận tải được thiết lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, theo cam kết của ta khi gia nhập WTO, ta đã mở cửa có lộ trình một số phân ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải với mục đích đa dạng hóa thành phần doanh nghiệp tham gia thị trường và giúp các doanh nghiệp Việt Nam thêm cơ hội học hỏi và nâng cao chất lượng dịch vụ.

– Nhóm các ngành dịch vụ khác
Đối với một số phân ngành dịch vụ khác mang tính bổ trợ trong ngành dịch vụ logistics như dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật, dịch vụ máy tính và dịch vụ liên quan tới máy tính, dịch vụ tư vấn quản lý, Việt Nam đã cho phép thành lập liên doanh với vốn nước ngoài ngay từ thời điểm gia nhập. Riêng với dịch vụ tư vấn quản lý và dịch vụ máy tính, ta còn cho phép doanh nghiệp nước ngoài mở chi nhánh từ năm 2010 , nhưng chỉ dành đối xử quốc gia với điều kiện giám đốc chi nhánh phải là người cư trú tại Việt Nam. Đây là những phân ngành dịch vụ ta khuyến khích sự tham gia của phía nước ngoài để định hướng sự phát triển của thị trường trong nước cũng như học hỏi được những kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và cung cấp dịch vụ ở trình độ cao của các doanh nghiệp nước ngoài.

 sưu tầm

4840 views