Cải cách thuế của Hoa Kỳ tác động ra sao tới hàng Việt?

HQ Online)- Luật Cải cách thuế của Hoa Kỳ được ban hành cuối tháng 12/2017 với nội dung chủ đạo là giảm thuế cho các DN sản xuất tại Hoa Kỳ, bảo hộ hàng trong nước…  Điều này được đánh giá về lâu dài sẽ tác động không nhỏ tới các ngành hàng XK của Việt Nam.

Khó chồng khó

Theo Luật Cải cách thuế của Hoa Kỳ, thuế thu nhập của DN Hoa Kỳ giảm từ 35% xuống 21%. Lợi nhuận của các công ty Hoa Kỳ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế hoặc đánh cao nhất ở mức 10,5%. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn áp dụng chính sách giảm nhập siêu, bảo hộ hàng trong nước, áp thuế chống bán phá giá cao với hàng hóa NK vào Hoa Kỳ…

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ liên tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thủy sản Việt Nam. Đây là hình thức rào cản mang tính chất bảo hộ của Hoa Kỳ với sản xuất trong nước. Các DN thủy sản vẫn phải nỗ lực từng năm, có biện pháp đối phó, vượt qua rào cản để tiếp tục XK. Theo tinh thần Luật Cải cách thuế của Hoa Kỳ, khi các ưu đãi nhằm thúc đẩy DN sản xuất, bảo hộ hàng trong nước ngày càng gia tăng, đương nhiên ngành Thủy sản sẽ phải đối mặt thêm khó khăn nhất định. Có thể nói là, XK thủy sản sang Hoa Kỳ khó chồng khó.

Bên cạnh thủy sản, thép cũng là ngành hàng đang trong cảnh chật vật bởi những chính sách khắt khe bảo hộ hàng trong nước của Hoa Kỳ. Cụ thể, mới đây, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội NK từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sản phẩm tôn mạ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%. Trong khi đó, thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%. Phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ nêu rõ: “Những nhà XK của Việt Nam sẽ không phải nộp thuế chống bán phá giá và trợ cấp nếu chứng minh được thép XK vào Hoa Kỳ được sản xuất tại Việt Nam hoặc một nước thứ 3 mà không phải nguồn gốc không phải từ Trung Quốc”.

Liên quan tới việc áp thuế nêu trên, theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, có thể nói thép Việt Nam đang phải chịu oan từ thép Trung Quốc. Kết luận từ phía Hoa Kỳ khá thiếu cơ sở và Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan, thậm chí dự định sẽ khởi kiện ra WTO nếu Hoa Kỳ không thay đổi quyết định.

Nhiều chuyên gia nhận định, Luật Cải cách thuế mới từ Hoa Kỳ trước mắt sẽ tác động mạnh mẽ tới hàng hóa Trung Quốc là chính. Song xuất phát từ trường hợp “vạ lây” của ngành thép kể trên, dễ thấy, thời gian tới, các sản phẩm, nhất là sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện NK từ Trung Quốc có nguy cơ cao bị áp thuế chống bán phá giá là lo ngại nổi cộm.

Cơ hội cho hàng chất lượng

Xoay quanh câu chuyện Hoa Kỳ đẩy mạnh bảo hộ hàng trong nước, thực tế cũng không chỉ toàn khó khăn. Ông Hòe phân tích, các DN XK thủy sản hoàn toàn không sợ phải cạnh tranh trên đất Hoa Kỳ. “Dù siết chặt NK, song Hoa Kỳ vẫn có nhu cầu NK thủy sản rất lớn bởi không dễ để phát triển nghề nuôi tôm. Hiện nay, cả thế giới, nguồn cung cấp tôm, cá chính vẫn ở khu vực châu Á. Mấu chốt trong chi phí của ngành Thủy sản không nằm ở khâu chế biến mà là chi phí nguyên liệu. Nếu Hoa Kỳ phát triển nguyên liệu nuôi thì ở điều kiện của Hoa Kỳ cũng rất khó làm cho giá thành giảm xuống”, ông Hòe nói.

Cũng theo ông Hòe, vấn đề quan trọng nhất là sản phẩm XK vào Hoa Kỳ phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng chấp nhận. Với sản phẩm cùng loại, khi sản phẩm của DN, quốc gia nào tốt hơn, nhận được tin tưởng từ khách hàng thì sẽ chiếm ưu thế. “Hàng hóa chất lượng, uy tín thì yên tâm thị trường luôn rộng cửa. Không phải đến hiện tại mà suốt thời gian qua, nhiều DN XK thủy sản đã tập trung đầu tư để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chinh phục các thị trường, trong đó có Hoa Kỳ”, ông Hòe nhấn mạnh.

Không chỉ ở ngành Thủy sản, nói rộng ra trong XK nông sản, thời gian qua, dù Hoa Kỳ là thị trường “khó tính”, song rất nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam cũng đã xâm nhập được. Ngay cuối tháng 12/2017, lô vú sữa đầu tiên XK sang Hoa Kỳ, đánh dấu Việt Nam là nước đầu tiên XK được vú sữa vào thị trường này. Điểm mấu chốt dễ thấy là, tất cả lô hàng như trái cây XK sang Hoa Kỳ đều đạt các điều kiện kỹ thuật và minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý chiếu xạ…

Xem xét kỹ câu chuyện XK hàng hóa vào Hoa Kỳ, có vị chuyên gia còn khá lạc quan khi nhận định rằng, thời điểm khó khăn cũng chính là lúc không ít cơ hội mở ra nếu DN Việt Nam biết tận dụng tốt. Hoa Kỳ tuy bảo vệ sản xuất nội địa, song sản xuất ở Hoa Kỳ không đủ để cung cấp cho toàn bộ quốc gia. Các DN Việt quan tâm thị trường có thể thành lập DN tại Hoa Kỳ, thâm nhập thị trường một cách bài bản.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi phản ứng chính sách của các nước trên thế giới khi Hoa Kỳ thực hiện Luật Cải cách thuế mới, đánh giá tác động đến Việt Nam để kịp thời có phản ứng thích hợp. Bên cạnh đó, rà soát các sản phẩm của Việt Nam XK sang Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện NK từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các DN khi Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này. Các cơ quan cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/3/2018.
Thanh Nguyễn (Nguồn Báo Hải Quan )

 

858 views