Bao giờ hết “nhọc” vì kiểm tra chuyên ngành?

(HQ Online)- Mặc dù những năm gần đây, Chính phủ sát sao chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN trong vấn để kiểm tra chuyên ngành (KTCN), song đến thời điểm hiện tại, các thủ tục KTCN vẫn là điều khiến không ít DN đau đầu. Điều DN mong muốn là những chỉ đạo từ phía Chính phủ sẽ ngày càng đi vào cuộc sống, nhanh chóng gỡ khó cho DN trong hoạt động XNK.

Công chức Chi cục Hải quan Cốc Nam- Cục Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: Hồng Nụ)

Lô nào cũng kiểm

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, một chuyên viên XNK của DN chuyên NK phân bón hữu cơ cho biết: DN này thường NK phân bón từ Thái Lan qua các cảng thuộc khu vực TP.HCM với tần suất khoảng 1-2 lô/tháng. Với mỗi lô hàng NK, DN đều phải tiến hành làm thủ tục chứng nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm. Thông thường, sau khi hàng NK về cảng, DN sẽ mang hàng về kho để bảo quản và một trong những đơn vị được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chỉ định xuống lấy mẫu đem đi kiểm định chất lượng. Thời gian cho toàn bộ quá trình chứng nhận hợp quy phân bón mất khoảng 10-15 ngày. Khi có kết quả, DN chuyển cho cơ quan Hải quan và hoàn tất mọi thủ tục thông quan giải phóng hàng hóa. Lượng thời gian từ khi DN mở tờ khai Hải quan đến khi giải phóng hàng dao động khoảng 15-20 ngày.

“Trên thực tế, do số lượng hàng hóa NK của DN không lớn và đã quen thuộc với các khâu thủ tục nên DN không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong KTCN. Tuy nhiên, việc NK cùng một mặt hàng giống nhau, song mỗi lô NK DN đều phải tiến hành lấy mẫu kiểm tra, chứng nhận công bố hợp quy cũng là điểm bất cập. Đối với những DN NK nhiều lô hàng, chủng loại đa dạng thì việc chứng nhận hợp quy còn phức tạp, gây khó khăn nhiều hơn”, vị chuyên viên này nói.

Do thường xuyên phải NK số lượng lớn lên tới khoảng 1 triệu tấn bông mỗi năm nên những DN trong ngành bông luôn bức xúc về vấn đề KTCN. Theo ông Nguyễn Sơn, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, hiện nay việc lấy mẫu kiểm dịch thực vật đang được tiến hành theo lô NK. Chỉ tính riêng trong năm 2015, với lượng NK trên 1 triệu tấn bông, tương đương 50.000 container thì có tới 17.000-18.000 container bị lấy mẫu kiểm dịch thực vật. Chi phí để kiểm dịch là 1 triệu đồng/container. Như vậy, mỗi năm tính ra số tiền mà DN phải chi cho kiểm dịch lên tới 17-18 tỷ đồng. Đây là gánh nặng không nhỏ cho DN. Điều quan trọng là, theo phản ánh của nhiều DN, dù tiến hành kiểm dịch hàng NK đã nhiều năm, song hầu như không DN nào phản ánh phát hiện sâu, bọ trong các lô hàng NK.

Đẩy mạnh công nhận lẫn nhau

Theo ông Nguyễn Sơn, với mặt hàng bông NK chỉ cần kiểm tra xác suất và nên giảm tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra so với hiện tại. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường công nhận kết quả của các nước, nếu nước XK đã kiểm tra và cho kết quả tốt thì về tới Việt Nam không cần phải tiến hành kiểm dịch nữa.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cũng đưa ra đánh giá, thủ tục đối với hàng hóa XNK có quá nhiều văn bản, quy định về quản lý chuyên ngành, đặc biệt còn có sự chồng chéo trong kiểm tra. Đã có tình trạng, cùng một mặt hàng nhưng lần nào NK, DN cũng phải xin giấy phép, kiểm tra chất lượng. Vị đại diện này kiến nghị cần bỏ quy định kiểm tra chất lượng đối với những mặt hàng đã được kiểm tra quốc tế…

Trên thực tế, ngay từ ngày 17-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XK, NK. Quyết định nêu rõ số lượng văn bản liên quan tới KTCN của một số bộ liên quan như Công Thương, NN&PTNT, Y tế phải sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi tối đa cho DN. Trong đó, cơ bản một số vấn đề mà DN nêu trên đều được đề cập và có hướng sửa đổi phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng là đến nay dù đã quá thời hạn đặt ra, song việc sửa đổi này được các bộ tiến hành tương đối chậm.

Trong 87 văn bản quy phạm pháp luật về KTCN cần sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 2026, Bộ NN&PTNT có khối lượng văn bản phải sửa đổi khá lớn, tới 49 văn bản. Trao đổi với Báo Hải quan, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) thừa nhận, cập nhật nhất đến ngày 13-5, số lượng văn bản được sửa đổi, bổ sung mới là 9/49 thực sự là con số khiêm tốn. Nguyên nhân xuất phát từ số lượng văn bản lớn, liên quan trực tiếp tới người dân, DN nên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung cẩn trọng. Bên cạnh đó, nhiều văn bản liên quan trực tiếp tới Luật vừa được sửa đổi, ban hành như Luật Thú ý, Luật Đầu tư, Luật DN…, thậm chí liên quan tới các tổ chức quốc tế cần lấy ý kiến mất nhiều thời gian cũng là yếu tố ảnh hưởng tới tiến độ. Theo bà Kim Anh, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu hoàn tất sửa đổi, bổ sung toàn bộ các văn bản còn lại trong năm 2016.

Không chỉ tại Quyết định 2026, ngày 28-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, trong đó nội dung tháo gỡ khó khăn trong KTCN cho DN được nêu khá nổi bật. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành giảm tỷ lệ các lô hàng NK phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016; rà soát danh mục hàng hoá phải KTCN, theo đó, chỉ hàng hoá NK trên quy mô thương mại mới thuộc diện phải kiểm tra; áp dụng KTCN theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thoả thuận…

Đánh giá về những động thái này, hầu hết DN đều cho rằng, những chỉ đạo, định hướng từ phía Chính phủ đã phản ánh đúng cái DN cần, đúng thứ DN mong muốn. Nếu vấn đề về KTCN được triển khai theo tinh thần đó, tin rằng DN sẽ giảm bớt không ít nhọc nhằn trong KTCN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, điều DN băn khoăn và cũng là mong muốn chính là từ chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ nhanh chóng triển khai để thực sự thổi một “luồng gió” mới vào hoạt động KTCN.

Thanh Nguyễn
1541 views