Nhiều lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng vào Đức

(HQ Online) – Ngày 31/3, tại hội thảo “Xúc tiến thương mại và đầu tư với thị trường Bremen (Đức) – Trung tâm logistics cung ứng hàng hóa ở châu Âu” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu (XK) vào thị trường này.

Nhiều lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng vào Đức

Doanh nghiệp Đức quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam. Ảnh: T.H

Theo ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, trong những năm qua, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, đạt trên 10 tỷ USD. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thương mại hai chiều vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Tính đến tháng 2/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Đức ước đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được ví như chìa khóa XK hàng hóa vào nước Đức và châu Âu, thị trường Bremen (Đức) – Trung tâm logistics cung ứng hàng hóa ở Châu Âu có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thông tin tại buổi hội thảo, bà Hoàng Thị Hương, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển kinh tế bang Bremen ở Việt Nam (BremenInvest) cho biết, bang Bremen có hai thành phố là Bremen và Bremerhaven. Nếu như Bremen được coi là chìa khóa vào nước Đức thì Bremerhaven lại được coi là cửa ngõ ra thế giới.

Thành phố Bremen hiện có 683.000 dân, là trung tâm công nghiệp lớn thứ 11 tại châu Âu và thứ 5 tại Đức. Tại đây có cảng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 nước Đức và Trung tâm logistics GVZ, trung tâm phân phối hàng số 1 ở Đức và Châu Âu.

Tại Bremen, các giải pháp logistics luôn được cung cấp chuyên biệt, phù hợp với những lĩnh vực kinh doanh riêng theo từng điều kiện tiện ích tối ưu. Bremen có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt đầu tư, kinh doanh, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đầu tư kinh doanh tại đây, doanh nghiệp cần phải lưu ý 6 điểm chính:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần chú ý tới hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, dịch vụ cũng như quan tâm đến yếu tố môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.

Thứ hai, giá cả không phải là vấn đề quan trọng nhất ở đây, mà chất lượng, độ tin cậy và thời gian đáp ứng mới là những yếu tố quyết định.

Thứ ba, nên tiếp cận thị trường ngách với quy mô nhỏ trước, phát triển dần sau khi đã thành công bước đầu và hoàn thành đăng ký bảo hộ đối với mô hình đầu tư, sản phẩm kinh doanh.

Thứ tư, hầu hết các tiêu chuẩn hàng hóa của EU được công nhận ở Đức và ngược lại. Chứng chỉ CE Châu Âu không được áp dụng cho hàng thực phẩm, dệt may và hóa chất, cần phân biệt với chứng chỉ CE Trung Quốc.

Thứ năm, hệ thống thuế tương đối chi tiết và phức tạp, do đó doanh nghiệp nên sử dụng tư vấn thuế trong kinh doanh tại Bremen. Thứ sáu, luật pháp ở đây rất nghiêm minh và cụ thể, doanh nghiệp cần phải tuân thủ một cách nghiêm chỉnh và đặc biệt chú ý tới luật bảo mật thông tin cá nhân.

Hiện nay, Đức đứng thứ 18 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hơn 300 doanh nghiệp Đức với 361 dự án đang được triển khai trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo… với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 35 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 250 triệu USD trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn…

Lê Thu  ( Theo nguồn báo Hải Quan 14:13 | 31/03/2021)
Link:  https://haiquanonline.com.vn/nhieu-luu-y-cho-doanh-nghiep-khi-xuat-khau-hang-vao-duc-143367.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

298 views