Vốn ngoại chảy vào ngành gỗ suy giảm do dịch

(KTSG Online) – Dòng vốn ngoại rót vào lĩnh vực chế biến đồ gỗ thông qua hình thức đầu tư trực tiếp và “thâu tóm” doanh nghiệp Việt Nam cũng bị sụt giảm nhiều do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 

Ngành công nghiệp chế biến gỗ Bình Định thu hút nhiều nhà đầu tư với kỳ vọng xuất khẩu đạt 600 triệu đô la trong năm 2021. Ảnh minh họa: Binh Dinh Invest

 

Đây là kết quả nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) vừa được công bố.

Cụ thể, trong năm 2020 các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ có 63 dự án mới với tổng vốn là 372,68 triệu đô la Mỹ, giảm 36% về số dự án và 49% về vốn đầu tư so với năm trước đó.

Các dự án đầu tư vào ngành gỗ này đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… Đáng chú ý, quy mô vốn bình quân của mỗi dự án FDI đăng ký trong năm qua ở mức khoảng 5,91 triệu đô la, giảm 19% so với năm trước đó.

Đáng chú ý, dù Trung Quốc có 23 dự án chiếm 37% về số dự án, nhưng chỉ chiếm 14% số vốn đầu tư, đạt 52,23 triệu đô la. Điều này cho thấy dù nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhiều đến ngành gỗ trong nước nhưng quy mô vốn bình quân  khá thấp. Những dự án này chủ yếu làm các sản phẩm sofa, tủ nhà tắm, phụ liệu ngành gỗ, bọc đệm, da, công cụ.

Đây là các mặt hàng mà theo giới quan sát chứa đựng các yếu tố rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ. Trên thực tế, trong những năm gần đây, đáng chú ý là bắt đầu từ thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc diễn ra, tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng… của nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện trong ngành, mang lại những rủi ro rất lớn cho ngành. Bởi lẽ Mỹ trong những năm qua luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho ngành gỗ Việt Nam.

Tương tự, đối với những doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam trong thời gian diễn ra dịch bệnh của năm ngoái cũng có mức điều chỉnh tăng vốn thấp hơn so với những năm trước đó.

Báo cáo cho thấy trong năm vừa qua có 52 lượt doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực này điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm là gần 194 triệu đô la, dù tăng 73% về số lượt, nhưng giảm 3% về số vốn so với năm trước đó và tăng vốn chủ yếu ở mảng chế biến gỗ.

Tương tự số nhà đầu tư ngoại góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước trong năm 2020 cũng bị sụt giảm mạnh do Covid-19. Cụ thể trong năm qua, chỉ có 122 lượt góp vốn mua cổ phần từ các doanh nghiệp ngoại, với số vốn góp 244,8 triệu đô la, giảm 57% về số lượt và 23% về vốn góp so với năm trước đó.

Năm 2020, mức góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp ngoại là khoảng 2 triệu đô la/lượt, tăng 80% so với mức vốn góp trung bình cho một dự án vào năm 2019 (1,1 triệu đô la). Phần vốn góp này chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như sản xuất giường, tủ, bàn ghế; các mặt hàng từ gỗ khác và sản xuất gỗ dán ván mỏng.

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp khối FDI tiếp tục thể hiện tính vượt trội so với khối các doanh nghiệp nội địa. Theo báo cáo, dù khối doanh nghiệp FDI có 653 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu, chỉ chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng lại đạt kim ngạch đến 6 tỉ đô la, chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

So sánh với con số hơn 2.670 doanh nghiệp với 5,9 tỉ đô la về kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa cho thấy các doanh nghiệp FDI đã vượt xa doanh nghiệp nội địa về quy mô xuất khẩu.

Khép lại năm 2020, ngành gỗ Việt Nam ghi nhận thêm một năm toàn ngành đạt thành tích rất đáng khích lệ, khi kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020.

Đây là ngành duy nhất của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua liên tục tăng trưởng hai con số. Đáng chú ý, trong hai tháng đầu năm nay, ngành xuất khẩu đạt khoảng 2,4 tỉ đô la, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này có thể thấy qua việc một số khách hàng đã dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung khiến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ.

Dẫn số liệu báo cáo của Trung tâm nghiên cứu công nghiệp (CSIL) cho thấy, năm 2020 Việt nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý chỉ đứng sau Trung Quốc trong nhóm các nền kinh tế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu (Top) trên thế giới.

Lê Hoàng  ( Theo nguồn Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Thứ Năm,  25/3/2021, 21:34 )
Link:  https://www.thesaigontimes.vn/314875/von-ngoai-chay-vao-nganh-go-suy-giam-do-dich.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

268 views