Cần định lượng về hàng mẫu
(HQ Online) – Rất đồng tình và đánh giá cao về Dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm, tuy nhiên, các doanh nghiệp đã phân tích, góp ý nhiều nội dung cho phù hợp với thực tế hiện nay. Trong đó, các ý kiến góp ý của doanh nghiệp cho rằng quy định hàng mẫu, lấy mẫu kiểm tra cần có định lượng và quy định cụ thể để thực hiện cho thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi người thực hiện hiểu và làm khác nhau.
Công chức Hải quan TPHCM kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Ảnh: T.H
Theo ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tại khoản 2, Điều 4 của Dự thảo Nghị định quy định về hàng hóa để lấy mẫu, hàng quảng cáo không có giá trị sử dụng, chỉ dùng mục đích nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu. Doanh nghiệp cho rằng Nghị định cần làm rõ thế nào là số lượng phù hợp để có thể làm căn cứ thực hiện.
Thay vào đó, các doanh nghiệp cho rằng, nghị định có thể quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với các mẫu hàng hóa trên trước pháp luật về phương án sử dụng mẫu hàng vào sản xuất. Cơ quan quản lý có thể tiến hành kiểm tra khi có nghi vấn.
Liên quan đến nguyên tắc lấy mẫu để kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 6.2 của Nghị định phải có đại diện của cơ quan Hải quan tham gia. Với quy định này, doanh nghiệp lo lắng, băn khoăn như vậy liệu doanh nghiệp có phải chờ cán bộ, công chức hải quan tới địa điểm lấy mẫu và nhân lực Hải quan có đáp ứng đủ hay không.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty chuyển phát nhanh DHL cho rằng cần làm rõ hơn hàng hóa là hàng mẫu, hàng chuyển phát nhanh, hàng miễn thuế miễn kiểm tra. Doanh nghiệp băn khoăn về quy trình phối hợp, mặt hàng nào kiểm tra chặt, gửi đi kiểm tra, mặt hàng nào kiểm tra tại chỗ, thời gian quy định bao lâu…, cần có quy chế cụ thể. Đặc biệt, đối với hàng chuyển phát nhanh có cơ chế riêng cho loại hình đặc thù này hay không?
Cũng liên quan đến thủ tục lấy mẫu, theo quy định tại Điều 26, hàng hóa thuộc danh mục kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm phải lấy mẫu tại cửa khẩu. Thủ tục lấy mẫu tại kho chỉ đề cập đến hàng quá khổ, khối lượng lớn. Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Thành, trên thực tế có nhiều loại hàng hóa không thể lấy mẫu tại cửa khẩu do yêu cầu cao về vi sinh và phức tạp. Chẳng hạn như vaccine, thực phẩm lạnh, thiết bị có nguồn phóng xạ bên trong… Vì vậy, dự thảo Nghị định cần đề cập mở rộng nhóm hàng cho phép lấy mẫu tại kho cho phù hợp với thực tế thương mại.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng, hàng mẫu từng mặt hàng có khác nhau về định lượng, chẳng hạn 100 gram hương liệu là hàng mẫu, nhưng đối với mặt hàng bột mì thì cả chục kg cũng được coi là hàng mẫu… Cục Hải quan TPHCM đồng tình và ghi nhận các ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp về việc đề nghị vào dự thảo Nghị định liên quan các mẫu không qua kiểm tra sẽ do doanh nghiệp tự cam kết chịu trách nhiệm. Cơ quan Hải quan trên cơ sở giải trình phương án sử dụng mẫu hàng vào sản xuất của doanh nghiệp để giải quyết giám sát. Khi có nghi vấn sẽ tiến hành kiểm tra.
Hòa – Dịu ( Theo nguồn báo hải quan online 09:00 | 13/03/2021)
Link: https://haiquanonline.com.vn/can-dinh-luong-ve-hang-mau-142243-142243.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com