Sáng tạo để đánh bại đại dịch

Backstories

Hiện nay, hầu như cả thế giới đã quen với việc đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhưng khi ăn uống thì vẫn phải tháo ra. Có cần làm như vậy không? Chuỗi nhà hàng Saizeriya của Nhật Bản không nghĩ vậy và đã sáng tạo khẩu trang có thể đeo cả khi ăn uống.

Sáng tạo để đánh bại đại dịch
Một thực khách dùng bữa ở Saizeriya với khẩu trang kiểu mới của quán. (00:45)

Saizeriya, chuỗi nhà hàng ẩm thực Italy giá phải chăng được thanh niên ưa chuộng, có khoảng 1.500 cửa hàng trong và ngoài Nhật Bản. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến mọi người hạn chế ăn uống bên ngoài, dẫn tới theo kết quả kinh doanh quý III công bố hồi tháng 7, công ty đã bị lỗ lần đầu tiên trong 11 năm qua. Riêng tháng 7, doanh số giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Khẩu trang nói trên là một phần dự án của công ty nhằm giúp thực khách cảm thấy yên tâm khi ăn uống và trò chuyện với bạn bè. Thiết kế này là ý tưởng của 1 nhân viên, rất đơn giản là lồng 1 chiếc khăn giấy vào bên trong khẩu trang dùng 1 lần thông thường. Công ty cho biết làm như vậy có thể hạn chế giọt bắn lây lan.

Hồi tháng 7, Saizeriya cũng ra một thông báo bất thường là tăng giá. Trước kia, giá các món ăn là số lẻ đuôi 9. Tăng giá có nghĩa là giờ đây giá các món được làm tròn thành các bội số của 50. Biện pháp này nhằm giúp thanh toán tiền mặt thuận tiện hơn, đồng thời giảm tiếp xúc giữa khách hàng và nhân viên. Công ty cho biết nhờ đó đã giảm được 60% lượng tiền lẻ thối lại cho khách.

Ông Horino Issei, giám đốc Saizeriya nói: “Điều quan trọng nhất trong thời dịch vi-rút corona là tạo môi trường để khách có thể yên tâm thưởng thức bữa ăn. Yếu tố tạo nên cảm giác yên tâm đa số là những yếu tố cảm tính, vì thế chúng ta phải tạo ra các biện pháp để có được sự tin cậy của khách hàng”.

Khẩu trang dính

Ở lĩnh vực khác, có khẩu trang độc đáo có thể dán lên mặt để dùng ở các tiệm tóc. Khẩu trang này không có quai đeo lên tai, mà bám vào da mặt nhờ có băng keo y tế gắn ở mặt trong.

Nếu khách hàng đeo khẩu trang thông thường, thì quai đeo có thể bị ướt hoặc vướng vào kéo. Khẩu trang dính khắc phục được những vấn đề này.

Khẩu trang dính có 2 loại, một loại có túi để khách có thể đeo khẩu trang của mình bên trong, còn một loại chất liệu trong mờ để thợ dễ nhìn và cắt tóc cân xứng với khuôn mặt của khách.

Khẩu trang dính là ý tưởng của anh Nishimura Yuji, kinh doanh tiệm tóc ở Tokyo và Kanagawa. Khẩu trang này còn có một mục đích nữa là tạo việc làm.

Anh Nishimura cũng là thợ làm tóc cho các diễn viên sân khấu, và đã chứng kiến nhiều người trong ngành nhà hát sân khấu bị mất việc do rất nhiều buổi diễn bị huỷ hoặc hoãn vì đại dịch. Để hỗ trợ họ, anh mời họ tham gia bán khẩu trang dính. Anh Nishimura cho biết kể từ khi sản phẩm được tung ra thị thường vào tháng 6, đến nay anh đã bán được hơn 60.000 chiếc.

Không lãng phí thì không túng thiếu

Trong khi đó, một nhà sản xuất gốm ở tỉnh Nagano bắt đầu đề nghị 13 nhân viên tìm ý tưởng sản phẩm mới trong 1 tuần hồi tháng 3. Sau 5 tháng, vào tháng 7 họ đã đưa ra hơn 200 ý tưởng, trong đó 13 ý tưởng đã được Nagano Ceramics thương mại hoá.

Trong đó, có một ý tưởng đã cho ra đời sản phẩm giúp tủ lạnh giữ rau quả tươi lâu hơn. Một thành phần bổ sung vào gốm sẽ phân giải khí etilen trong không khí, vốn là một trong các nguyên nhân chính gây thối rữa rau quả.

Nhân viên nghĩ ra ý tưởng xuất phát từ 1 vấn đề anh gặp phải ở nhà. Khi có kêu gọi mọi người ở nhà để ngăn vi-rút corona lây lan, anh bắt đầu mua nhiều thực phẩm hơn bình thường để giảm tần suất ra ngoài. Nhưng kết quả là lãng phí nhiều hơn, vì anh chưa kịp dùng thì thực phẩm đã hỏng mất rồi.

Giám đốc Sato Yoshio của Nagano Ceramics nói: “Những lúc khó khăn, đoàn kết nhân viên càng quan trọng hơn. Nếu làm được điều đó, công ty sẽ có thêm sức mạnh và phát triển hơn khi đại dịch qua đi”.

(Sưu tầm theo nguồn báo NHK WORLD- JAPAN Thứ Hai Ngày 21 tháng 9 năm 2020)
Link:  https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1285/

Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

327 views