Đã có công cụ để “dẹp loạn” hiện tượng lòng vòng, thổi giá trang thiết bị y tế

(HQ Online) – Làm gì để loại bỏ được vấn nạn tiêu cực trong đấu thầu thiết bị y tế, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh? Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn (ảnh), Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế.

Trang thiết bị y tế là mặt hàng tối quan trọng trong các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần vào hiệu quả quá trình điều trị. Tuy nhiên, vừa qua trong lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị y tế tại một số cơ sở còn tồn tại nhiều bất cập, ông có thể nói gì về thực tế này?

da co cong cu de dep loan hien tuong long vong thoi gia trang thiet bi y te

– Hiện nay, các quy định về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế được thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn liên quan về đấu thầu và các hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC về mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế còn một số khó khăn, bất cập vì trang thiết bị y tế là mặt hàng đặc thù nhưng đang quy định đầu thầu như hàng hóa thông thường nên các nội dung này đã được bổ sung quy định và điều chỉnh tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Đó là về khách quan, còn chủ quan, vừa qua trong lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị y tế tại một số cơ sở còn tồn tại nhiều tiêu cực dẫn đến hiện tượng “thổi giá”, trách nhiệm chính thuộc người đứng đầu đơn vị. Sở dĩ như vậy là do hiện nay chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế có sự phân cấp quản lý mua sắm trang thiết bị y tế cho địa phương và các bệnh viện, từ khâu lên kế hoạch đến phê duyệt lựa chọn nhà thầu, định mức và tiêu chuẩn sử dụng.

Theo đó, khi có tiêu cực xảy ra, không thể nói rằng lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở không biết về giá đấu thầu, mà các cơ sở phải có bộ phận tham mưu là phòng vật tư y tế, phòng này phải phải tham khảo và tham mưu cho lãnh đạo thực hiện đúng quy định.

Đặc biệt, khi mua sắm trang thiết bị y tế, các cơ sở y tế phải nắm bắt rất rõ nhu cầu, khả năng khai thác, sử dụng các loại trang thiết bị y tế, khả năng chi trả của bệnh nhân theo phân tuyến và kỹ thuật được phê duyệt, không phải là thế giới hay đơn vị bạn có máy gì thì đơn vị mình cũng đề xuất mua.

Với việc công khai giá các trang thiết bị y tế mà Bộ Y tế đang tiến hành, giá đấu thầu trang thiết bị liệu có “hạ nhiệt” không, thưa ông?

– Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở công khai các loại giá như giá của thiết bị y tế tương ứng với cấu hình, tính năng kỹ thuật và thuế, phí các dịch vụ cơ bản đi kèm (bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng, giá linh kiện thay thế chính, giá bảo trì sau bảo hành…); công khai các đại diện của chủ sở hữu thiết bị y tế (hãng, văn phòng đại diện, công ty được chủ sở hữu ủy quyền).

Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm, cấp tài khoản để DN tự thực hiện việc công khai giá, cập nhật đăng công khai trên Cổng thông tin giá trang thiết bị y tế kèm theo các yếu tố xác định giá trang thiết bị y tế. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo thông tin về giá thiết bị y tế sẽ tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Việc công khai giá là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, cần có thời gian. Tuy nhiên, những thông tin về giá thiết bị y tế kèm cấu hình, tính năng kỹ thuật và các yếu tố cấu thành xác định giá… được công khai trên Cổng thông tin điện tử sẽ giúp các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế có thêm kênh tham khảo, lập dự toán phù hợp khi thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Giá này là giá đầu nguồn, nên sẽ giúp các đơn vị mua thiết bị với giá thật, phù hợp với cấu hình, tính năng.

Ngoài việc công khai giá, theo như ông nói, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, liệu đây có được xem là công cụ để “dẹp loạn” vấn vạn tiêu cực đấu thầu thiết bị y tế?

– Mặc dù Thông tư 14/2020/TT-BYT còn phải bổ sung, sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng ít nhất là đã chấn chỉnh không cho các công ty uỷ quyền, lòng vòng, “thổi giá” như thời gian vừa qua.

Cụ thể, Thông tư 14/2020/TT-BYT sẽ thực hiện việc phân nhóm đối với trang thiết bị y tế và việc dự thầu vào các nhóm của gói thầu để các cơ sở y tế có thể thêm cơ sở lựa chọn trang thiết bị y tế phù hợp với yêu cầu chuyên môn, nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của đơn vị, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc phân cấp được triển khai triệt để, nâng cao trách nhiệm và tự chủ về tài chính, cũng như các quy định liên quan đến thanh toán bảo hiểm đối với các gói dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định điều kiện của trang thiết bị y tế tham dự thầu, đặc biệt là trách nhiệm của các nhà cung cấp liên quan đến công tác bảo hành, bảo trì và cung cấp phụ kiện, vật tư thay thế để đảm bảo hiệu quả sử dụng, hiệu quả đầu tư các trang thiết bị y tế, tránh tình trạng mua bán lòng vòng, đẩy giá như một số trường hợp đã xảy ra thời gian qua.

Thực hiện việc công khai, minh bạch kết quả lựa chọn nhà thầu và trên cơ sở đó các đơn vị có thể tham khảo về giá trúng thầu được công bố tại Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để lập dự toán giá gói thầu và đồng bộ với việc tham khảo giá trên Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế được Bộ Y tế công khai ngày 9/9/2020 vừa qua để các đơn vị có thêm kênh tra cứu, tham khảo khi lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn được trang thiết bị y tế có chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và có giá thành phù hợp.

Ngoài vấn đề giá, công tác đấu thầu, lĩnh vực thiết bị y tế quá rộng lớn với 15.000 chủng loại mặt hàng, mỗi sản phẩm lại có mức rủi ro khác nhau, không có giới hạn về nguyên vật liệu sản xuất hay chỉ định mục đích sử dụng.

Vậy nên, để quản lý tốt đòi hỏi phải phân loại rõ ràng về mức độ rủi ro trên cơ sở xây dựng danh mục thiết bị y tế vừa đảm bảo tính khả thi vừa thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời vẫn phải đảm bảo kiểm soát chặt, hạn chế sản phẩm kém chất lượng lưu thông, ảnh hưởng tới quá trình khám chữa bệnh.

Đặc biệt, trang thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc thù do đó việc mua sắm tại các cơ sở y tế cần tăng cường vai trò tham mưu của Phòng Vật tư Thiết bị y tế hoặc bộ phận quản lý trang thiết bị y tế và Hội đồng Khoa học tại cơ sở cũng như trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ sở y tế vai trò là chủ đầu tư cần xác định nhu cầu, kế hoạch sử dụng trang thiết bị y tế và chỉ đạo công tác đầu thầu, mua sắm theo đúng quy định.

Xin cảm ơn ông!
D.Ngân
( Theo nguồn báo Hải Quan 08:17 | 15/09/2020)
Link: https://haiquanonline.com.vn/da-co-cong-cu-de-dep-loan-hien-tuong-long-vong-thoi-gia-trang-thiet-bi-y-te-133391-133391.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

326 views