Thúc đẩy việc triển khai có hiệu quả EVFTA trong ngành xuất khẩu tôm
(TBKTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH Thông Thuận sẽ tổ chức buổi lễ xuất khẩu lô tôm vào thị trường Hà Lan vào ngày mai (11-9), như một động thái khích lệ những nỗ lực của ngành tôm trong việc phát triển thị trường EU, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8.
Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện Công ty TNHH Thông Thuận xác nhận lễ xuất khẩu lô tôm nước lợ vào thị trường EU theo EVFTA sẽ chính thức diễn ra vào ngày 11-9, tại nhà máy của công ty nằm trong Khu công nghiệp Thành Hải, TP Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, vị này không tiết lộ cụ thể về khối lượng và giá bán của lô hàng sẽ bán cho đối tác phía Hà Lan.
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc tổ chức lễ xuất khẩu nêu trên nhằm thúc đẩy việc triển khai có hiệu quả EVFTA, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi về xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp giữa Việt Nam và EU.
Liên quan đến việc xuất khẩu tôm vào EU, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi giảm liên tục 3 tháng của quí 2-2020, bước sang tháng 7-2020, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU đạt 54,2 triệu đô la Mỹ, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-8-2020, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này ghi nhận mức tăng “nhảy vọt” hai con số.
Cụ thể, báo cáo của VASEP cho thấy, nửa đầu tháng 8, xuất khẩu tôm vào EU đạt 29,4 triệu đô la Mỹ, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019 và dự báo cả tháng 8 có thể đạt mức tăng đến 20% so với cùng kỳ.
Hưởng lợi từ sự ưu đãi về thuế quan
Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, tôm sú đông lạnh của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, so với mức thuế GSP (General System of Preference, là mức thuế ưu đãi của các nước phát triển dành cho nước đang phát triển – PV) là 4,2% được áp dụng trước đó. Còn tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm khi EVFTA có hiệu lực.
Việc EU dành cho tôm Việt Nam mức thuế ưu đãi như nêu trên đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất tốt so với các đối thủ như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Bởi, Thái Lan không được hưởng mức thuế GSP, không có FTA nên phải chịu mức thuế cơ bản là 12%, trong khi Ấn Độ và Indonesia không có FTA với EU nên cùng chịu mức thuế GSP là 4,2%. Còn Ecuador chịu mức thuế cơ bản 12% do không được hưởng mức thuế GSP và không có FTA với EU.
Trong khi đó, các số liệu báo cáo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính theo tháng trong 8 tháng đầu năm nay, thì tháng 8-2020 (tức tháng đầu tiên sau khi EVFTA có hiệu lực- PV) có mức tăng trưởng cao nhất.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước đạt 336,32 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 174,11 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,6% và nhập khẩu đạt 162,21 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,2%.
Bộ Công Thương nêu rõ, tính riêng trong tháng 8-2020, trị giá xuất khẩu tăng 6,5% so với tháng 7-2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỉ đô la Mỹ. Đây là mức cao nhất tính theo tháng trong 8 tháng đầu năm 2020.
Còn số liệu cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp đối với thị trường EU là rất lớn.
Theo đó, trong tháng 8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt 277 triệu đô la Mỹ đi các nước EU. Trong đó, các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa/các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan…
Trung Chánh ( Theo nguồn báo kinh tế Sài Gòn Thứ Năm, 10/9/2020, 15:08 )
Link: https://www.thesaigontimes.vn/td/308060/thuc-day-viec-trien-khai-co-hieu-qua-evfta-trong-nganh-xuat-khau-tom.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com