Thiết bị y tế dùng cho người tàn tật không phải chịu thuế GTGT
(HQ Online) – Theo quy định thì các sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trước vướng mắc của Công ty OTTO BOCK Việt Nam về thuế GTGT đối với thiết bị y tế dùng cho việc lắp ráp tay chân giả phục vụ cho người tàn tật, Tổng cục Hải quan cho biết, khoản 24 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH13 quy định về đối tượng không chịu thuế “sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật”.
Cũng tại khoản 24 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT “sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, trường hợp DN nhập khẩu các bộ phận của mặt hàng bàn chân giả được xác định là sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Công ty OTTO BOCK Việt Nam cũng thắc mắc việc áp mã HS của mặt hàng bàn chân giả ở dạng hoàn chỉnh.
Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, việc áp mã của hàng hóa chỉ căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan; hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và thực tế hàng hóa. Hồ sơ công bố và phân loại trang thiết bị y tế chỉ liên quan đến chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu, không phải là căn cứ để phân loại hàng hóa.
Đối với mặt hàng bàn chân giả ở dạng hoàn chỉnh phù hợp phân loại và nhóm 90.21 “dụng cụ chỉnh hình, kể cả nạng, băng dùng trong phẫu thuật và băng cố định; nẹp và các dụng cụ cố định vết gẫy khác; các bộ phận nhân tạo của cơ thể người; thiết bị trợ thính và dụng cụ khác được lắp hoặc mang theo, hoặc cấy vào cơ thể, để bù đắp khuyết tật hay sự suy giảm của bộ bộ phận cơ thể”.
Còn đối với mặt hàng bàn chân giả ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp DN nhập khẩu đầy đủ các bộ phận của bàn chân giả trong cùng một lô hàng thì phân loại chung tất cả các bộ phận này theo mã số của sản phẩm bàn chân giả ở dạng hoàn chính. Trong trường hợp DN nhập khẩu các bộ phận của bàn chân giả thành nhiều lô hàng, hoặc nhập dư thừa các bộ phận của bàn chân giả trong cùng một lô hàng thì phân loại riêng các bộ phận, mã HS của mỗi bộ phận được xác định theo quy tắc phân loại bộ phận của Chú giải 2 Chương 90.
Tuấn Kiệt (Theo nguồn báo Hải Quan 19:47 | 27/08/2020)
Link: https://haiquanonline.com.vn/thiet-bi-y-te-dung-cho-nguoi-tan-tat-khong-phai-chiu-thue-gtgt-132565.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com