Hàng không nỗ lực chặn đà ảnh hưởng của dịch COVID-19

(HQ Online) – Thống kê sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến Trung Quốc do dịch Covid-19 của các hãng hàng không Việt Nam lên khoảng hơn 10.000 tỷ đồng và chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số này. Với các hãng hàng không Việt Nam, đường bay Việt Nam – Trung Quốc chiếm 18,1% thị trường quốc tế và chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế, chính vì thế việc tìm kiếm một thị trường quốc tế mới là cánh cửa sáng trong thời điểm hiện nay.    

hang khong no luc chan da anh huong cua dich covid 19 120864
Việc tạm dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng và một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa. Ảnh: ST

Thiệt hại nặng nề

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 2/2020, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 3,7 triệu khách, giảm 13,7% so với tháng 2/2019. Trong đó, lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, chỉ còn 870 nghìn khách. Khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 2,8 triệu khách. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 cũng chỉ đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%. Mức sụt giảm lên tới 2 con số sau nhiều năm liên tục tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không Việt Nam là do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.

Hàng không đã bị ảnh hưởng trực tiếp ngay khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng chống dịchtừ việc tạm dừng khai thác thị trường hàng không Việt Nam – Trung Quốc (ngày 23/1); cấm nhập cảnh hành khách đã qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày… cho đến việc ảnh hưởng dây chuyền của các thị trường quốc tế (đặc biệt là Hồng Kông, Đài Loan, Macao) và nguồn khách quốc tế trên thị trường nội địa. Thống kê từ ngày 1 đến 7/2, tức 1 tuần sau khi dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổng sản lượng khách của hàng không Việt đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó thị trường quốc tế giảm 14,1%.

Đề xuất hỗ trợNhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý như điều hành bay, hạ cất cánh; chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam; khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp.

Thị trường hàng không Việt Nam – Trung Quốc chiếm 18,1% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của Việt Nam tính đến ngày 31/12/2019. Cục Hàng không Việt Nam tính toán, việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng và một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa.

Ngoài ra, các hãng hàng không còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan như hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác phòng dịch… Thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay tới Trung Quốc mà các hãng bay Việt Nam phải gánh chịu hiện đã lên tới 10.000 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục tăng nếu tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc không sớm cải thiện.

Việc dừng khai thác đến Trung Quốc của các hãng hàng không hai nước cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp hàng không phụ trợ như suất ăn hàng không, kinh doanh miễn thuế, đồ lưu niệm.

Nhiều sản phẩm kích cầu

Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng của ngành hàng không trong thời gian tới. Theo đó, nếu dịch hết trong tháng 4 (kịch bản lạc quan nhất), tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách. Kịch bản trung bình (tháng 6/2020 hết dịch), tổng thị trường chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%.

Trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.

Trước tình hình trên, một biện pháp hỗ trợ cho các hãng hàng không đó là tái cấu trúc lại đường bay. Theo Giám đốc Điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh, bên cạnh việc chủ động trong các hoạt động phòng chống dịch, khai thác an toàn… từ giữa tháng 2 Vietjet đã mở thêm các đường bay đến thị trường quốc tế Ấn Độ – một thị trường hàng không tiềm năng hàng đầu thế giới với quy mô dân số lên tới 1,3 tỷ dân.

Mới đây Vietnam Airlines cũng đã thông báo triển khai bán vé 0 đồng trên đường bay giữa TP HCM – Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore và mở bán chương trình “Mua sớm, giá tốt” trên hơn 50 đường bay quốc tế. Đây là hai trong những chương trình bán nằm trong hoạt động kích cầu du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam và chung tay phát động các điểm đến quốc tế an toàn cho hành khách trong giai đoạn nửa đầu năm 2020.

Còn tân binh Bamboo Airway lại cho thấy kế hoạch phát triển mạng lưới 25 đường bay quốc tế trong năm 2020 của hãng không bị ảnh hưởng nhiều bởi các thị trường nguồn mà hãng hàng không này tuyên bố sẽ tập trung khai thác trong thời gian tới là Đông Á (gồm các nước như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…) và các nước châu Âu, châu Đại Dương (Séc, Đức, Úc…)

Trong tháng 2/2020, Bamboo Airways đã chính thức mở bán vé nhiều đường bay quốc tế như Việt Nam – Séc, Hà Nội – Incheon (Hàn Quốc), Hà Nội – Cao Hùng (Đài Loan – Trung Quốc), kỳ vọng chinh phục những thị trường hoặc được cho là sở hữu nguồn khách lớn khu vực, hoặc là mang tiềm năng hứa hẹn nhưng chưa được khai thác triệt để thông qua một đường bay thẳng.

Tại thị trường nội địa, Bamboo Airways cũng cho thấy kế hoạch phát triển mạng lưới đường bay lên 60 đường bay trong năm 2020 cũng không bị đình trệ. Hãng hàng không này đã và đang ráo riết mở mới hàng loạt đường bay như TP HCM – Buôn Ma Thuột, TP HCM – Phú Quốc, TP HCM – Chu Lai, Hà Nội – Pleiku, Hà Nội – Tuy Hòa, Hải Phòng – Buôn Ma Thuột, Vinh – Nha Trang…

Hãng cũng tiến hành tăng chuyến ở nhiều đường bay trọng điểm có nhu cầu lớn, điển hình là đường bay trục Hà Nội – TPHCM. Bamboo Airways đã ra thông báo từ ngày 15/2, hãng tăng số lượng chuyến bay lên 36 chuyến bay/ngày, trong tất cả các khung giờ từ 0:05 đến 23:50 để phục vụ hành khách trên trục bay vàng nhộn nhịp này.
Xuân Thảo  ( Theo nguồn báo Hải Quan 08:14 | 25/02/2020)
Link:  https://haiquanonline.com.vn/hang-khong-no-luc-chan-da-anh-huong-cua-dich-covid-19-120864-120864.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

350 views