Một cách ghi xuất xứ hàng Trung Quốc còn ít người biết
(HQ Online) – Lâu nay người tiêu dùng vẫn quen cụm từ ghi hàng hóa xuất xứ Trung Quốc là “Made in China”, thực tế có một cụm từ khác thể hiện xuất xứ từ quốc gia này đang được một số doanh nghiệp sử dụng nhiều thời gian gần đây.
Sản phẩm anh Trung vừa mua được ghi xuất xứ: P.R.C. Ảnh: T.Bình.
Anh Trung (quận Hà Đông) chia sẻ, cá nhân vừa mua giày tây ở cửa hàng trên phố Bà Triệu (Hà Nội) của một thương hiệu giày khá nổi tiếng (trụ sở ở TP HCM).
Điều anh Trung băn khoăn là ở phần ghi xuất xứ của sản phẩm thể hiện: Xuất xứ P.R.C, chưa rõ quốc gia nào?
Tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết cụm từ xuất xứ “P.R.C” cũng chính là xuất xứ Trung Quốc, nhưng ít phổ biến như cụm từ “Made in China”.
P.R.C là viết tắt của cụm từ “People’s Republic of China” (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).
Một số thông tin được chia sẻ, do hàng Trung Quốc khó khăn ở một số quốc gia nên khoảng 2 năm gần đây nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển ghi xuất xứ từ cụm từ quan thuộc “Made in China” thành “Made in P.R.C”.
Nhãn sản phẩm thể hiện rõ xuất xứ P.R.C nhưng nhiều người chưa dễ nhận diện là sản phẩm Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.
Thực tế, tại Việt Nam không chỉ có hiện tượng thay đổi cách ghi xuất xứ, mà cơ quan Hải quan còn phát hiện nhiều trường hợp nhập hàng hóa thành phẩm Trung Quốc, quá trình làm thủ tục hải quan doanh nghiệp khai xuất xứ Trung Quốc nhưng thực tế trong hàng hóa nhập khẩu ghi “Made in Vietnam” để đánh lừa người tiêu dùng trong nước.
Một số vụ việc đình đám về hàng hóa Trung Quốc “đột lốt” hàng Việt Nam như khăn lụa Khai Silk nhập từ Trung Quốc nhưng ghi Made in Vietnam; vụ việc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh nhập khẩu cả nghìn lò nướng mang nhãn hiệu ASANZO từ Trung Quốc nhưng khai linh kiện…
Tại khu vực cảng Hải Phòng, riêng trong tháng 7, cơ quan Hải quan phát hiện 2 vụ việc vi phạm liên quan đến xuất xứ đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Đó là vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 (Cục Hải quan Hải Phòng) phát hiện, bắt giữ lô hàng phụ kiện điện thoại được Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX (địa chỉ tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) nhập khẩu ủy thác cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội.
Khi làm thủ tục nhập khẩu, Công ty xuất trình cho cơ quan Hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu E (xuất xứ Trung Quốc). Mặc dù hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có C/O Trung Quốc nhưng khám xét container, lực lượng Hải quan phát hiện hàng nghìn phụ kiện điện thoại được in sẵn trên bao bì, sản phẩm tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành của Công ty CP Thương mại “TITAN” Việt Nam – một doanh nghiệp trong nước. Đáng chú ý, trên nhiều sản phẩm còn nghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” và cả ký hiệu mã vạch của Việt Nam (đầu mã vạch 893).
Đầu tháng 7/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 phát hiện container giày tạm nhập từ Trung Quốc. Container giày gắn thương hiệu TOPPER, bên trong các đôi giày có tem trắng ghi dòng chữ “Made in Vietnam” kèm theo các thông tin bằng chữ Argentina.
Lô hàng do Công ty TNHH Lạc Lạc (địa chỉ tại Hà Nội) khai báo làm thủ tục tạm nhập tái xuất với thông tin giày thể thao các loại, xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, kiểm tra chi tiết hồ sơ cơ quan Hải quan xác định lô hàng có dấu hiệu nghi vấn về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tên hàng và vận đơn thể hiện xuất xứ Việt Nam trong khi cảng xếp hàng là cảng Xiamen (Trung Quốc); vận đơn thể hiện thông tin “PO# CARTON NO. MPORTER: ALPARGATAS S.A.I.C MADE IN VIETNAM”…
Thái Bình ( Theo nguồn báo Hải Quan 08:52 | 24/12/2019)
Link: https://haiquanonline.com.vn/mot-cach-ghi-xuat-xu-hang-trung-quoc-con-it-nguoi-biet-117636.html
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com