Chỉ rõ thủ tục đang “hành” doanh nghiệp

(HQ Online) – Có nhiều thủ tục vượt quá, thậm chí không có trong các quy định của pháp luật vẫn được các cơ quan quản lý áp dụng gây khó khăn, bức xúc cho DN và tạo ra các rào cản gia nhập thị trường.

chi ro thu tuc dang hanh doanh nghiep
Thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký cơ sở bán lẻ vẫn còn kéo dài. Ảnh: Nguyễn Huế.

Áp dụng tùy tiện

Theo Luật sư Nguyễn Quốc Phong, Văn phòng Luật Aliat Legal, việc xin giấy phép kinh doanh cho các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài muốn hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hoá hoặc các hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Trong hồ sơ xin giấy phép kinh doanh, Nghị định 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định DN chỉ cần giải trình về tài chính bằng cách giải trình về nguồn vốn, tiến độ góp vốn và chứng minh việc giải trình cho phù hợp. Tuy nhiên, một số Sở Công Thương, trong đó có Sở Công Thương TPHCM, lại yêu cầu về giải trình tài chính trước hết DN phải hoàn thành việc góp vốn đầu tư như cam kết mới được cấp giấy phép kinh doanh. Đây là việc hoàn toàn trái luật, can thiệp sâu vào kế hoạch kinh doanh của DN.

Cũng liên quan đến việc đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, Luật chỉ quy định DN không có nợ thuế quá hạn nhưng Sở Công Thương vẫn yêu cầu DN phải có xác nhận không nợ thuế, đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Một ví dụ khác, theo ông Phong, hiện nay vẫn có trình trạng cơ quan quản lý cấp dưới sợ trách nhiệm, đùn đẩy cho cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan quản lý cấp trên ôm đồm trách nhiệm, mặc dù đã có phân cấp trách nhiệm rõ ràng.

Theo quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP, đối với các ngành nghề kinh doanh Việt Nam chưa có cam kết khi gia nhập WTO thì cơ quan quản lý đầu tư tại địa phương sẽ cân nhắc theo luật chuyên ngành để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho DN, chỉ xin ý kiến cơ quan cấp trên nếu luật nội địa chưa có quy định. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đầu tư của TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ giao thông vận tải, Bộ Công Thương đối với việc đăng ký kinh doanh ngành nghề logistics trong khi đã có luật quy định cụ thể về điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics. Tình trạng này khiến cho thời gian cấp phép của DN kéo dài gấp 3-4 lần so với việc không cần phải xin phép.

Việc vẫn hỏi ý kiến cơ quan cấp trên đối với các dịch vụ không có cam kết trong WTO làm thời gian cấp phép cho DN kéo rất dài khiến nhiều DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Theo bà Phan Trần Yến Trang, Công ty Baker McKenzie, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường không trả lời là được hay không được mà chỉ trả lời là dịch vụ này không có trong cam kết, ở trong nước không cấm, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xét cấp, hoặc xét cấp theo thẩm quyền. Trong trường hợp này thường là Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ không cấp. DN cứ phải đi lòng vòng hỏi hết Bộ này đến Bộ kia, có trường hợp sau đúng một năm Sở Kế hoạch và Đầu tư mới cấp giấy xác nhận cho DN và DN đành phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Ngoài ra, theo bà Trang, hiện nay, pháp luật không yêu cầu DN phải kê khai mã số HS vào giấy phép vì các mặt hàng đã được tự do NK, phân phối chỉ trừ một số mặt hàng có điều kiện. Tuy nhiên cơ quan quản lý tại Long An vẫn yêu cầu DN phải bổ sung mã số HS mới cấp giấy phép kinh doanh. Tương tự, dù Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên ngành không được yêu cầu DN xuất trình phương án kinh doanh nhưng Sở Công Thương một số địa phương vẫn yêu cầu DN phải giải trình kế hoạch kinh doanh, thậm chí còn yêu cầu DN phải tăng vốn mới cấp giấy phép…

Cần đơn giản thủ tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM, thời gian qua nhiều DN phản ánh việc đăng ký giấy phép đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo số lưu hành tương tự như cách quản lý các mặt hàng thuốc liên quan trực tiếp đến tính mạng con người của Bộ Y tế. Với các mặt hàng này trước khi được đưa vào danh mục được phép sản xuất và lưu hành tại Việt Nam đã phải trải qua quá trình khảo nghiệm lâm sàng từ 6 tháng đến 1 năm nên không cần có giấy phép, chỉ kiểm tra tuân thủ đột xuất trong quá trình lưu thông phân phối. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần áp dụng cách quản lý này đối với các mặt hàng đã được đưa vào danh mục được sản xuất, lưu hành tại Việt Nam như thức ăn chăn nuôi… và không cần kiểm tra theo từng lô hàng NK mà chỉ áp dụng quản lý rủi ro trong tuân thủ.

Để tạo thuận lợi hơn cho DN, đặc biệt là các DN lớn trong việc triển khai các hoạt động khuyến mại, đại diện một DN cho rằng, các quy định về khuyến mại của DN đang rất có vấn đề mặc dù đã được sửa đổi khá nhiều. Theo quy định hiện nay, khi DN áp dụng các chương trình khuyến mại tại 64 tỉnh, thành thì phải có thông báo tại 64 tỉnh, thành trước 3 ngày, nếu chuyển, phát trễ thì DN sẽ bị phạt. 64 tỉnh, thành sẽ có ý kiến phản hồi theo cách khác nhau, trong đó trừ 4 tỉnh thành online, 60 tỉnh thành không online cũng sẽ có biên bản trả kết quả khác nhau. Để khắc phục các bất cập từ việc chuyển, phát, nhận thông báo, hầu hết các DN đã chuyển từ gửi bưu điện sang thuê hẳn một đơn vị chuyển, phát chuyên nghiệp tuy nhiên vẫn rất mệt mỏi.

Chưa kể đến nhiều nội dung Luật quy định không rõ ràng, hoặc chưa quy định. Theo thống kê của DN, riêng Nghị định 81/2018/NĐ-CP, về khuyến mại đã có tới 25 vấn đề không rõ ràng, nhưng khi DN hỏi Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng chỉ nhận được các văn bản trả lời mang tính tham khảo dẫn đến rất khó áp dụng. Đối với hoạt động này, Cục Xúc tiến thương mại cần có chính sách cơ chế để DN có thể thực hiện thủ tục đơn giản hơn, nhất là đối với các DN lớn có doanh thu ngàn tỷ làm khuyến mại cả ngàn chương trình mỗi năm…

Nguyễn Huế  ( Theo nguồn báo Hải Quan 08:22 | 08/11/2019)
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

383 views