Ngành điện “đau đầu” vì điện than bị chối từ, điện mặt trời giá quá chát
(HQ Online) – Nhiệt điện than bị nhiều địa phương chối từ, trong khi điện gió, điện mặt trời lại đang có mức giá khá cao, phải tiến hành bù chéo… đã và đang là những khó khăn đối với ngành điện.
Quá tải lưới điện là bài toán nan giải hiện nay khi phát triển rầm rộ các dự án điện mặt trời tại một số địa phương. Ảnh: Nguyễn Thanh.
Nhiệt điện than bị nhiều nơi chối từ
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong đó công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo được đề cập tới đầu tiên.
Bộ Công Thương nêu rõ: Các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).
Sau 3 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như: Các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận.
Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong Quy hoạch. Nhiều dự án đang thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2.
Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500 MW/21.650 MW (đạt gần 72%). Việc chậm tiến độ các dự án điện hoặc các dự án không được triển khai theo quy hoạch đang tạo ra các khó khăn, thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đánh giá: ”Trong giai đoạn sắp tới, hầu như chỉ có các dự án do EVN triển khai có thể đáp ứng tiến độ, các chủ đầu tư nguồn điện khác, đặc biệt là các nguồn điện BOT hầu hết đều chậm”.
Một trong những khó khăn nội cộm được Bộ Công Thương đề cập là câu chuyện huy động vốn cho các dự án. Theo tính toán trong Quy hoạch VII điều chỉnh, mức vốn đầu tư bình quân hàng năm của ngành điện gần 7,6 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá điện của Việt Nam mới chỉ đảm bảo cho các đơn vị của EVN có mức lợi nhuận khiêm tốn, các doanh nghiệp nhà nước khác như Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng khó khăn về tài chính thì việc huy động vốn cho các dự án điện của các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn.
Tương tự như vậy, các dự án nguồn điện do khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ, …).
Năng lượng tái tạo giá chát
Thời gian qua, trong khi khai thác các nguồn điện truyền thống gặp khó khăn, nhiều quan điểm cho rằng đẩy mạnh năng lượng tái tạo, điển hình như điện gió, điện mặt trời là phương án khả thi góp phần bù đắp lượng điện thiếu hụt.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, giá cao và phải thực hiện cơ chế bù giá là một trong những tồn tại, hạn chế điển hình của năng lượng tái tạo.
Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn,…). EVN đang được nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định.
“Như vậy, EVN đang thực hiện chức năng thay nhà nước, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện”, Bộ Công Thương lưu ý.
Đáng chú ý, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Công Thương, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu,… nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số tỉnh (phần lớn các tỉnh có phụ tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ), hệ thống lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải công suất.
Một vấn đề nổi cộm được Bộ Công Thương đề cập tới là, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thế Mịch cho rằng: Riêng với năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững, không rơi vào tình trạng bị động như thời gian vừa qua, mọi thứ cần có quy hoạch rõ ràng và làm đúng quy hoạch.
Thực tế, trong câu chuyện xây dựng quy hoạch, những đơn vị chuyên môn như EVN, Viện Năng lượng đều nắm được các thông tin như, quy hoạch bao nhiêu sản lượng điện thì cân bằng năng lực cần có của nền kinh tế, đề xuất xây dựng truyền tải điện ở đâu, như thế nào… EVN sẽ đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, cần có một đơn vị cầm chịch, chịu trách nhiệm như Ban năng lượng của Văn phòng Chính phủ hay Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).
Thời gian tới, để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong phát triển năng lượng tái tạo, một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đề cập đó là tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện để tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh…
Thanh Nguyễn ( Theo nguồn Báo Hải Quan 13:24 | 05/11/2019)
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com