Lên kế hoạch cung ứng hàng hóa mùa cuối năm
(TBKTSG Online) – Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm đảm bảo cung cầu và ổn định giá cả trong dịp lễ Tết cuối năm, từ tháng 9 này, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong mục tiêu bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ mùa lễ Tết, từ tháng 9, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng.
Theo phân tích, nhu cầu hàng hóa luôn tăng cap vào dịp cuối năm, bên cạnh đó, các yếu tố về thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa được dự báo sẽ vẫn được duy trì tốt, giúp bình ổn thị trường.
Đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, thời gian gần đây, tình hình biến động giá cả tương đối ổn định, kể cả dịp lễ Tết. Mặc dù vậy, để chủ động nguồn hàng và giá cả hàng hóa dịp cuối năm, từ tháng 9, các kênh bán lẻ đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa dịp lễ Tết.
Trên thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ đã thương thảo với các nhà sản xuất để đưa ra được giá cả tốt cho người tiêu dùng trong dịp mua sắm cuối năm. Trong các năm gần đây, kỳ nghỉ lễ Tết tương đối dài nên người dân có xu hướng du lịch nhiều, cộng với nguồn cung dồi dào, sản lượng và chất lượng hàng hóa tăng nên việc bình ổn thị trường dịp cuối năm hoàn toàn có thể thực hiện được.
Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm đạt 3.215.531 tỉ đồng, tăng 11,54% so với cùng kỳ năm 2018.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 9,03%, là mức tăng khá tốt trong những năm gần đây. Con số này cũng cho thấy thị trường hàng hóa trong nước tương đối dồi dào và hoạt động mua sắm diễn ra sôi động.
Tuy nhiên, thời gian qua mặt hàng nông sản xuất khẩu sang nhiều thị trường gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới giảm sút. Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã giảm sau một thời gian neo ở mức cao.
Trong một sự diễn tiến khác, nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa DHL Global Forwarding vừa thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với sự tham gia của các khách hàng đến từ hơn 60 thương hiệu và nhà sản xuất trong lĩnh vực bán lẻ trên khắp cả nước. Qua đó cho thấy nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực bán lẻ đang xem xét đa dạng hóa các hoạt động của họ ở bên ngoài Việt Nam. Cụ thể, 61% chia sẻ họ đang tìm hiểu thêm về quốc gia láng giềng Campuchia, theo sau là Indonesia, Thái Lan, Philippines, Bangladesh và Sri Lanka – những cái tên tiềm năng cho kế hoạch đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, ngoài thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cũng cho biết chi phí cho logistics hiện đang chiếm 20,8% trên tổng số GDP của Việt Nam. Đây là một con số tương đối cao và Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp khác để duy trì sức cạnh tranh. Việt Nam đang được định vị là trung tâm sản xuất của thế giới nhờ sự ổn định chính trị, chính sách thân thiện với doanh nghiệp, đất đai và nguồn nhân lực có sẵn cùng với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược. Việt Nam cũng có một thị trường tiêu thụ nội địa phát triển nhanh chóng đối với ngành bán lẻ.
Minh Anh ( Theo nguồn Báo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online Thứ Ba, 3/9/2019, 17:20)
Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com