Sửa đổi thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong ATIGA

(HQ Online) – Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 10/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 3/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).

sua doi thuc hien quy tac xuat xu hang hoa trong atiga
Nhiều nội dung về tiêu chí chuyển đổi cơ bản đối với sản phẩm dệt may đã được sửa đổi. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 22/2016/TT-BCT như sau: Bãi bỏ Phụ lục II – Quy tắc cụ thể mặt hàng tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2016/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2019/TT-BCT.

Phụ lục I về quy tắc cụ thể mặt hàng nêu rõ: “RVC40” hoặc “RVC35” nghĩa là hàm lượng giá trị khu vực của hàng hoá, tính theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 5 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 3/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, không thấp hơn 40% hoặc 35% tương ứng, và công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại một nước thành viên.

“CC” là việc nguyên liệu không có xuất xứ chuyển đổi từ bất kỳ chương nào khác đến một chương, nhóm hoặc phân nhóm của hàng hóa. Điều này có nghĩa tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải trải qua sự chuyển đổi mã HS ở cấp 2 số (chuyển đổi Chương).

“CTH” là việc nguyên liệu không có xuất xứ chuyển đổi từ bất kỳ nhóm nào khác đến một chương, nhóm hoặc phân nhóm của hàng hóa. Điều này có nghĩa tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm phải trải qua sự chuyển đổi mã HS ở cấp 4 số (chuyển đổi Nhóm).

“CTSH” là việc nguyên liệu không có xuất xứ chuyển đổi từ bất kỳ phân nhóm nào khác đến một chương, nhóm hoặc phân nhóm của hàng hóa. Điều này có nghĩa tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm phải trải qua sự chuyển đổi mã HS ở cấp 6 số (chuyển đổi Phân nhóm).

“WO” nghĩa là hàng hoá có xuất xứ thuần tuý hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên.

Ngoài ra, bãi bỏ Phụ lục III – Tiêu chí chuyển đổi cơ bản đối với sản phẩm dệt may tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 22/2016/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 10/2019/TT-BCT.

Theo Phụ lục II về tiêu chí chuyển đổi cơ bản đối với sản phẩm dệt may: Đối với hàng hóa thuộc Phân nhóm dẫn đầu bằng tham số “ex” (ví dụ: ex.9619.00), tiêu chí chuyển đổi cơ bản đối với sản phẩm dệt may chỉ áp dụng với những mặt hàng được mô tả trong bảng, không áp dụng với hàng hóa khác thuộc phân nhóm đó.

Nguyên liệu dệt và sản phẩm dệt được coi là có xuất xứ tại một nước thành viên khi nó trải qua một trong các công đoạn sau trước khi nhập khẩu vào nước thành viên khác: Các chất hoá dầu trải qua quá trình pô-li-me hoá hoặc đa trùng ngưng hay bất kỳ một quá trình hoá học hay vật lý nào để tạo nên một hợp chất cao phân tử (pô-li-me); hợp chất cao phân tử (pô-li-me) trải qua quá trình kéo hay đùn nóng chảy để tạo thành xơ tổng hợp; kéo xơ thành sợi; dệt thoi, dệt kim hay phương pháp tạo thành vải khác; cắt vải thành các phần và ráp các phần này thành một sản phẩm hoàn chỉnh…

Không xét đến các quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo 10/2019/TT-BCT, một sản phẩm hay nguyên liệu không được coi là có xuất xứ từ một nước thành viên nếu nó chỉ trải qua một trong các công đoạn sau: Các công đoạn kết hợp đơn giản, dán nhãn, ép, làm sạch hay làm sạch khô, đóng gói hay bất kỳ một sự kết hợp nào của các công đoạn này; cắt theo chiều dài hay chiều rộng và viền, may hoặc vắt sổ vải đã làm sẵn để sử dụng cho một hình thức thương mại đặc biệt; cắt tỉa và/hoặc ghép lại bằng cách may, tạo vòng, nối, đính các phụ kiện như nẹp, dải, hạt, dây dệt, khoen hay khuyết…

Thông tư 10/2019/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9 tới.
Thanh Nguyễn ( Theo nguồn báo Hải Quan 10:52 | 30/07/2019)
Contact: Công Ty TNHH MTV Thương Mại & Giao Nhận Phạm Lê.
Ms Kim Phạm – Phone: 0917474043
Email: kim.phạm@phamle.com.vn  / binhvj@gmail.com

 

427 views