Thương chiến Mỹ – Trung: Singapore liệu có thiệt hại?
TTO – Theo các chuyên gia, xung đột thương mại gay gắt hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động đáng kể với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhưng theo hai hướng khác nhau: người thắng và kẻ thua.
Singapore phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 vì kết quả tăng trưởng kém của quý I – Ảnh: REUTERS
Tăng trưởng quý thấp nhất trong 10 năm
Tăng trưởng kinh tế thường niên quý I-2019 của Singapore xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua do ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung.
Kênh CNBC trích dẫn số liệu chính thức do Singapore công bố ngày 21-5, cho thấy GDP nước này tăng 1,2% trong quý I-2019 so với cùng kỳ năm trước.
Tuy chỉ thấp hơn so với mức dự đoán 1,3%, số liệu trên vẫn là mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ quý II-2009.
Với động lực tăng trưởng giảm dần, các nhà hoạch định chính sách Singapore hạ dự đoán tăng trưởng trong năm 2019 từ 1,5-3,5% xuống còn 1,5-2,5%.
Bàn về báo cáo mới nhất, người đứng đầu nhóm nghiên cứu châu Á của Công ty tài chính Continuum Economics, Jeff Ng nhận định: “Sự bất ổn đến từ các căng thẳng thương mại đã tác động đến nhiều ngành nghề chủ lực của Singapore trong suốt 2 năm qua. Viễn cảnh hiện nay khá mờ mịt”.
Theo CNBC, Singapore cũng như nhiều quốc gia phụ thuộc vào thương mại trong khu vực, đã lãnh kha khá đòn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc đối đầu này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, khi cả đầu tư và lợi nhuận doanh nghiệp đều suy giảm.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang gây tác động lớn đối với quốc gia phụ thuộc lớn vào hoạt động thương mại và cảng biển như Singapore – Ảnh: REUTERS
Ông Gabriel Lim, thư ký thường trực của Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore, từng cảnh báo trong một buổi họp báo rằng tình hình tăng trưởng kém ở Trung Quốc, cùng căng thẳng Mỹ – Trung có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Singapore.
Trong khi đó, biến động trong nhu cầu của thị trường đối với hàng điện tử vốn đã đánh mạnh vào mảng sản xuất của quốc gia này.
Theo CNBC, các nhà sản xuất đang phải gánh áp lực từ nhu cầu toàn thế giới yếu đi. Lĩnh vực sản xuất của Singapore suy giảm 7,1% trong quý I-2019, sự thể hiện kém nhất nếu so với mức cơ bản từng quý.
Ngoài ra, Singapore cũng giảm dự đoán tăng trưởng đối với các mặt hàng xuất khẩu ngoài dầu mỏ từ 2% xuống 0%. Hoạt động vận chuyển hàng ở cảng biển cũng sụt giảm 6,4% so với mức cơ bản hàng năm trong quý I năm nay.
Việt Nam hưởng lợi?
Đài BBC (Anh) vừa có bài phân tích về nguy cơ tác động tới các nhà sản xuất, kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ tìm đường sang Việt Nam né phạt thuế.
Các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc đang đối mặt với các mức thuế quan tăng cao với hàng hóa xuất đi Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đó là một thực tế tất yếu dẫn tới xu thế các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách đưa dây chuyền sản xuất của họ sang những quốc gia lân cận, nơi không bị đánh thuế cao, để né điều này.
Một trong những quốc gia đó, theo nhận định của Đài BBC, sẽ là Việt Nam.
Theo đó, có một thực tế là không phải tới giai đoạn này mà từ lâu nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc, đã tận dụng các lợi thế ở Việt Nam như giá lao động rẻ, môi trường kinh doanh hấp dẫn đối với FDI.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng khoảng 65% so với tổng mức đầu tư trong năm 2018 và gần như chắc chắn dòng vốn này sẽ còn tiếp tục tăng.
Giới chuyên gia nhận định ngày càng có thêm chứng cứ cho thấy chính sách phạt thuế nghiêm khắc của Mỹ với hàng Trung Quốc là yếu tố có tác động đáng kể thúc đẩy mạnh hơn dòng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam.
Các container hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, Trung Quốc – Ảnh: GETTY IMAGES
Hãng luật Baker & McKenzie có trụ sở tại Hong Kong nhận định: “Nhiều công ty đang đầu tư cho hoạt động sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt tại Đông Nam Á, từ trước cuộc xung đột thương mại hiện nay”. Tuy nhiên “xung đột thương mại gần đây đã thúc đẩy nhanh hơn nữa xu thế diễn biến này”.
Dù vậy, thực tế này cũng đang đặt ra nhiều thách thức với thị trường lao động Việt Nam. Năm 2018, theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ hơn 14,5 triệu người Việt Nam đang làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là hơn 200 triệu.
Giá nhân công lao động tại Việt Nam cũng đang tăng lên, giá thuê đất đặt cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp cũng tăng.
Theo JLL Vietnam, một công ty chuyên nghiên cứu về tình hình bất động sản, giá thuê đất công nghiệp đã tăng 11% trong nửa sau năm 2018 tại miền Nam Việt Nam.
Từ lâu nay, một số công ty đa quốc gia đã áp dụng “chiêu” “Trung Quốc cộng 1″, tức là các doanh nghiệp đóng chân tại Trung Quốc, trong khi lại vận hành các hoạt động tại một nền kinh tế khác có chi phí nhân công thấp hơn tại châu Á.
Chính bởi điều này, Đài BBC cho rằng: “Trong cuộc chiến thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, việc gắn nhãn “Made in Vietnam” trong tương lai có thể là chưa đủ để tránh các mức thuế quan của Mỹ”.