Chặn phế liệu nhập khẩu- Cần giải pháp dài hơi
(HQ Online)-Phế liệu ồ ạt nhập khẩu về các cảng TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian qua đã khiến DN kinh doanh cảng và cơ quan quản lý liên tục phải đưa nhiều giải pháp tình thế. Để quản lý, chặn phế liệu nhập khẩu không đúng quy định, cơ quan Hải quan cho rằng phải cần giải pháp dài hơi.
Chưa thống nhất cấp phép
Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện nay, tại cảng Cát Lái (TP.HCM) còn tồn đọng khoảng 3.231 container hàng phế liệu, trong đó phần nhiều là phế liệu, nhưng chủ hàng chưa làm thủ tục nhập khẩu.
Tương tự, tại cảng quốc tế Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu) cũng đang tồn gần 2.000 container phế liệu nhập khẩu, có cảng đích là cảng Cát Lái cũng chưa được chủ hàng làm thủ tục .
Ngoài nguyên nhân Trung Quốc ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1/1/2018; doanh nghiệp nhập khẩu không tuân thủ đúng các quy định hiện hành…bỏ hàng tại cảng khi không xin được giấy xác nhận, gây tồn đọng tại cảng, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, việc cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (GXN)” chưa thống nhất cũng đang gây khó khăn cho cơ quan Hải quan.
Theo quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất quy định việc cấp GXN do một trong hai đơn vị cấp, gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh/thành phố.
Nhưng trên thực tế có tỉnh còn ủy quyền cho Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh cấp GXN và trên GXN có nhiều mặt hàng phế liệu, được cấp theo số lượng của từng mặt hàng cho nên gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc theo dõi số lượng phế liệu thực nhập với số lượng thực tế còn trên GXN.
Nhiều nhà nhập khẩu nhập phế liệu nhưng chưa được cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến cảng Cát Lái nhưng chưa thể làm thủ tục nhập khẩu được.
Cần giải pháp lâu dài
Theo Cục Hải quan TP.HCM, hàng hóa tồn đọng, đặc biệt là mặt hàng phế liệu nhập khẩu, đa phần là chưa làm thủ tục hải quan, có thể chưa xác định được chủ sở hữu hàng hóa, việc vận chuyển, đưa hàng vào cảng…thuộc về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp XNK, của các hãng vận chuyển, việc quản lý, cấp phép của bộ chuyên ngành. Chính vì thế, tại thời điểm này, cơ quan Hải quan chưa đủ căn cứ để xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp XNK.
Thời điểm hiện tại, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và một số doanh nghiệp kinh doanh cảng đã thông báo cho các hãng tàu về việc tạm dừng tiếp nhận hàng phế liệu vào cảng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, đây chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời nhằm giảm ùn tắc hàng hóa tại các cảng chứ không phải là giải pháp lâu dài. Bởi vì, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có quy định nào về việc cấm hoặc các điều kiện phải có khi vận chuyển và tiếp nhận các lô hàng là phế liệu nhập khẩu vào cảng.
Đề nghị các bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện và xử lý vi phạm hành chính đối với việc vận chuyển hàng hóa cấm hoặc XK, NK có điều kiện đối với việc vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa.
Bên cạnh đó, phải đưa ra quy định cụ thể cho các doanh nghiệp XNK trực tiếp phải cung cấp thông tin (chứng minh đủ điều kiện và được phép nhập khẩu kèm theo cam kết không gửi hàng cấm) cho hãng vận chuyển để hạn chế tình trạng các hãng tàu, hãng vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng (dù biết là hàng cấm, hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu) vẫn chuyên chở, tiếp nhận hàng hóa cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện vào lãnh thổ Việt Nam, gây ra nhiều hệ lụy, khiến cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý, gây tốn kém và bị động.
Ngoài ra, Cục Hải quan TP.HCM cũng kiến nghị các bộ chuyên ngành phải thay đổi về phương pháp cấp phép, quản lý, như: Thẩm quyền, thủ tục cấp phép, công tác kiểm tra, biện pháp ngăn chặn… để thực thi, quản lý thống nhất…/.