Sửa Nghị định 134/2016/NĐ-CP: Sửa quy định miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng và thư bảo lãnh

 Để minh bạch về chính sách và tạo thuận lợi hơn trong thực hiện quy định miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng, thư bảo lãnh nộp thuế…, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 8 về quy định miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng và sửa đổi điểm d Khoản 2 Điều 4 về quy định thư bảo lãnh.

CBCC chi cục Hải quan cảng Cái Lân (Cục Hải quan Quảng Ninh) hướng dẫn chính sách thuế XNK cho DN. Ảnh: T.Trang.

Sửa quy định miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng

Tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định: Quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động theo pháp luật về ngân sách; quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện có trị giá hải quan không vượt quá 30.000.000 đồng được miễn thuế không quá 4 lần/năm. Trường hợp vượt định mức miễn thuế của cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, Bộ Tài chính quyết định miễn thuế đối với từng trường hợp”.

Tuy nhiên, cơ quan Hải quan cho biết, trong quá trình thực hiện miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng đối với quy định “có trị giá hải quan không vượt quá 30.000.000 đồng được miễn thuế không quá 4 lần/năm” đang dẫn đến 2 cách hiểu: Cách 1 là chỉ quy định gắn với quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện; Cách 2 là gắn với cả quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động theo pháp luật về ngân sách.

Theo phân tích của ban soạn thảo, Luật Thuế XK, thuế NK quy định quà biếu, quà tặng trong định mức thì được miễn thuế và trường hợp vượt định mức thì phải nộp thuế đối với phần vượt, trừ hai trường hợp: Cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp nhận hoặc trường hợp vì mục đích nhân đạo. Luật cũng giao Chính phủ hướng dẫn định mức miễn thuế và thẩm quyền giải quyết miễn thuế trong trường hợp vượt định mức đối với 2 trường hợp trên. Tuy nhiên, tại điểm b Khoản 2 Điều 8 chỉ quy định thẩm quyền giải quyết miễn thuế của Bộ Tài chính đối với trường hợp vượt định mức miễn thuế của cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, chưa quy định thẩm quyền giải quyết miễn thuế đối với trường hợp vượt định mức miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện.

Vì vậy, để minh bạch về chính sách và tạo thuận lợi trong thực hiện, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 8 như sau: “Định mức trị giá hải quan được miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động theo pháp luật về ngân sách, quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện tối đa là 30.000.000 đồng và không quá 4 lần/năm. Trường hợp vượt định mức miễn thuế, Bộ Tài chính quyết định miễn thuế đối với từng trường hợp.”

Góp ý cho nội dung này, Hải quan các tỉnh, thành phố đều thống nhất với dự thảo. Riêng Hải quan Hải Phòng cho rằng, dự thảo sửa đổi nên bỏ quy định ”được miễn thuế không quá 4 lần/năm” tại điểm a Khoản 2 Điều 8 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Bởi quy định được miễn thuế không quá 4 lần/năm là khó kiểm tra do hệ thống quản lý tập trung của hải quan chưa có phần thống kê hay cảnh báo cá nhân, tổ chức Việt Nam làm thủ tục hải quan khai báo nhận quà biếu, tặng của tổ chức nước ngoài, hoặc làm thủ tục xuất quà biếu, tặng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mà được miễn thuế. Do vậy, khi làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu, công chức hải quan không thể biết được trong năm đó tổ chức cá nhân đó đã được miễn thuế hay chưa và được miễn thuế bao nhiêu lần để có thể cho miễn thuế tiếp theo.

Sửa quy định về thư bảo lãnh

Theo phản ánh của cơ quan Hải quan, hiện Nghị định 134/2016/NĐ-CP chưa quy định cụ thể thẩm quyền hướng dẫn về nội dung thư bảo lãnh, cụ thể, tại điểm d Khoản 2 Điều 4 Nghị định 134/2016/NĐ-CP chỉ quy định: “Nội dung thư bảo lãnh, việc nộp thư bảo lãnh và kiểm tra, theo dõi, xử lý thư bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý thực hiện từ Nghị định, Tổng cục Hải quan đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 4 để làm rõ các nội dung nêu trên.

Tiếp thu kiến nghị của Tổng cục Hải quan, ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 134/2016/NĐ-CP như sau: Thời hạn nộp thuế, bảo lãnh, đặt cọc số tiền thuế phải nộp.

”1. Thời hạn nộp thuế quy định tại Điều 9 Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo một trong hai hình thức: Bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung.

a) Bảo lãnh riêng là việc tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho một tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thời hạn bảo lãnh không vượt quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 9 và điểm đ Khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

b) Bảo lãnh chung là việc tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho hai tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trở lên tại một hoặc nhiều Chi cục Hải quan. Bảo lãnh chung được trừ lùi, khôi phục tương ứng với số tiền thuế đã nộp. Thời hạn bảo lãnh chung áp dụng cho 2 tờ khai trở lên nhưng đối với 1 tờ khai không vượt quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 9 và điểm đ Khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

3. Thư bảo lãnh do tổ chức tín dụng có chức năng bảo lãnh ngân hàng theo quy định của Luật tổ chức tín dụng phát hành và được nộp cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan bằng bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử phải đáp ứng đầy đủ các nội dung và yêu cầu sau: Tên tổ chức tín dụng, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, mã tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh do Ngân hàng Nhà nước cấp; Tên người nộp thuế hoặc tổ chức cá nhân đại diện cho người nộp thuế, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế; Số tiền bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Hiệu lực bảo lãnh: Được tính từ ngày thư bảo lãnh có hiệu lực cho đến khi số tiền thuế được bảo lãnh, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có) đã nộp hết vào ngân sách nhà nước hoặc hàng hóa đã tái xuất; Tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh chịu trách nhiệm theo thời hạn hiệu lực của bảo lãnh.

Hết thời hạn bảo lãnh đối với từng tờ khai mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu có), tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp thay người nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh không thực hiện đúng cam kết thì cơ quan Hải quan thông báo không chấp nhận cho tổ chức tín dụng đó được bảo lãnh cho các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu tiếp theo.

Trường hợp tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh có văn bản đề nghị dừng sử dụng bảo lãnh chung (hủy ngang): Trước khi có đề nghị dừng sử dụng bảo lãnh chung, tổ chức tín dụng hoặc người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp của các tờ khai đã sử dụng bảo lãnh chung vào ngân sách nhà nước. Cơ quan Hải quan kiểm tra và có văn bản chấp nhận dừng bảo lãnh chung sau khi tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có) của các tờ khai sử dụng bảo lãnh chung đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước”.

Nội dung sửa trên đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến hải quan các tỉnh, thành phố, đa số các ý kiến đều thống nhất với những sửa đổi, bổ sung này.

Thu Trang (Theo nguồn báo hải quan )

 

825 views