Kinh tế 2018 có thể tăng trưởng cao hơn 2017

(HQ Online)-Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM ngày 20/3.

Hoạt động xuất khẩu trong năm 2018 sẽ có thêm nhiều cơ hội từ các FTA. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhận định về bối cảnh phát triển kinh tế năm 2018, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, trong năm 2018 sẽ có nhiều tác động tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, nền kinh tế thế giới đang có những chuyển động tích cực hơn 2017. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu thì đây là cơ hội tốt để kinh tế Việt Nam phát triển.

Theo ông Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, theo dự báo, kinh tế quý 1/2018 có thể đạt mức tăng trưởng trên 7%, nền kinh tế trong năm nay hi vọng sẽ có chuyển hướng tích cực. Thị trường tài chính cũng được dự báo là ổn định không có sự biến động về lãi suất, tỉ giá. Sự phát triển của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sự tác động từ trong nước, do vậy, điều quan trọng bây giờ là phải có một môi trường pháp lý minh bạch, an toàn để DN yên tâm làm ăn.

Riêng đối với hoạt động XNK, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương cho rằng, hiệp định thương mại tự do CTTPP đang mở ra nhiều cơ hội tốt cho hoạt động xuất khẩu vì ngoài các thị trường đã có như Úc, Nhật Bản, CTTPP còn mở ra cho các DN xuất khẩu Việt Nam thêm các thị trường mới như Canada, Mexico… Bên cạnh đó, hiệp định này cũng không giới hạn thành viên tham gia, do đó, cơ hội mở rộng thị trường của các DN không chỉ dừng lại ở các nước đã ký kết. Ngoài ra, CTTPP được coi là một bước tiến quan trọng để có FTA của toàn bộ khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Với CTTPP, EVFTA và FTA Châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam đã có FTA với toàn bộ các đối tác quan trọng trên thế giới. Đây là động lực quan trọng cho sản xuất và xuất khẩu động lực sản xuất và xuất khẩu.

Nhận định về sự phát triển của các DN tư nhân- động lực của sự phát triển kinh tế, các chuyên gia cho rằng, tuy khối DN tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng nhưng vẫn còn “chậm lớn”. “Hiện nay trong 40% đóng góp của khối tư nhân vào nền kinh tế chỉ có 10% là từ khu vực DN còn lại 30% là từ khu vực các hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, để nâng tầm các DN tư nhân, phải tạo điều kiện cho các DN làm ăn chân chính có cơ hội phát triển, phải tạo niềm tin về chính sách và tương lại cho DN”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, trong năm 2018, khối DN tư nhân sẽ tiếp tục bùng nổ vì lòng tin đã được kiến tạo và tăng cường. Tuy nhiên nếu các DN chỉ tiếp tục mở rộng, đầu tư thành lập mới nhưng vẫn giữ mô hình sản xuất cũ, năng lực cạnh tranh cũ thì không thể tạo ra sự bứt phá, động lực tăng trưởng sẽ chậm lại. Do vậy, điều quan trọng để nâng cao vai trò động lực cho nền kinh tế của các DN tư nhân là phải có giải pháp để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi về chất, nâng cao năng suất, chất lượng.

Nguyễn Huế ( Nguồn Báo Hải Quan)

 

848 views