Lực đẩy cho vai trò lãnh đạo thương mại khu vực của Nhật Bản
(HQ Online)- Nhật Bản là quốc gia có công lớn nhất trong việc hoàn tất Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) một năm trước, Tokyo đã trở thành nhân tố chính thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại được xem như TPP-11 này.
Hiếm khi Nhật Bản chủ trì các cuộc đàm phán đa phương, song những gì diễn ra trong năm vừa qua cho thấy rằng sự vắng mặt của Mỹ tại TPP đã giúp Nhật Bản có nhiều “không gian” hơn để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc bảo toàn và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại quy mô toàn khu vực. Nhật Bản đã đón lấy cơ hội để đề ra những nguyên tắc dựa trên đồng thuận với các đối tác còn lại trong TPP thay vì phải chấp nhận những sức ép và yêu cầu từ phía Mỹ tương tự như quá trình đàm phán trước đây.
Theo các nhà phân tích, lý do quan trọng khiến Chính quyền Shinzo Abe muốn nhanh chóng triển khai CPTPP là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hy vọng CPTPP với những tiêu chuẩn cao có thể trở thành hình mẫu cho nhiều thỏa thuận thương mại đa phương khác, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu, vốn đang “chậm” hơn CPTPP trong việc giải quyết các khúc mắc liên quan đến nhiều vấn đề như cắt giảm thuế, doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ người lao động, thương mại số, nhân quyền và môi trường. CPTPP sẽ củng cố uy tín của Nhật Bản trong các cuộc đàm phán về RCEP, và từ đó có thể đưa RCEP trở thành một thỏa thuận thương mại chất lượng cao.
Ngoài ra, CPTPP được thúc đẩy cũng là để chống lại chiến dịch xây dựng các thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA) theo tôn chỉ “nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Donald Trump. Đảm bảo sự thành công của CPTPP, Nhật Bản muốn nhấn mạnh rằng họ “sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào khác trong các cuộc đàm phán song phương sau đó với Mỹ ngoài những gì đã có trong CPTPP”.
Theo ông Kazuhito Yamashita, từng là một nhà đàm phán thương mại, các nước tham gia CPTPP cần phải đề ra những điều khoản cho việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận này thay vì chỉ đơn giản là khôi phục TPP. Đối với Nhật Bản, điều này có thể đồng nghĩa với việc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các rào cản thuế quan đối với mặt hàng xe ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản ngay lập tức thay vì phải chờ 25 năm. Nếu không, việc Mỹ trở lại TPP-11 có thể sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho Nhật Bản trong việc tham gia thị trường Mỹ bởi thực tế mức thuế Mỹ áp với nhiều mặt hàng khác từ Nhật Bản hiện cũng khá thấp. Nói cách khác, thái độ cứng rắn của Nhật Bản có thể khiến con đường quay trở lại TPP của Mỹ bị chặn đứng và nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ phải tìm mọi cách để thúc đẩy một FTA với Nhật Bản. Điều này nhiều khả năng buộc Nhật Bản phải mở cửa thị trường nông nghiệp nhiều hơn so với những gì họ từng cam kết trong TPP.
Trong khi đó, nhật báo Sankei của Nhật Bản cho rằng việc Mỹ trở lại TPP là cần thiết để các nguyên tắc của thỏa thuận đạt được tiêu chuẩn cao hơn về tự do hóa, nhất là khi các nước nhất trí các nguyên tắc và tiến hành cải cách ở trong nước để đảm bảo đủ tiêu chuẩn bước chân vào thị trường Mỹ. Hợp tác quốc tế có sự tham gia của Mỹ cũng là điều cần thiết để gia tăng áp lực cải cách đối với Trung Quốc, nước còn lâu mới có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Tokyo hy vọng rằng Washington sẽ tham gia CPTPP khi thỏa thuận này có hiệu lực để không gì khác ngoài mục đích hạ nhiệt các áp lực đòi hỏi phải tham gia đàm phán FTA song phương.
Sự vắng mặt của Mỹ trong CPTPP có thể xem là “cơ hội” để các quốc gia “trung lưu” như Nhật Bản và Australia có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực lớn hơn. Phiên bản phi chính trị của TPP có thể đem tới giá trị chiến lược cao hơn so với tiền thân của mình.