Mở đường xuất khẩu sách

(HQ Online)- Việc xuất khẩu sách Việt Nam ra nước ngoài luôn là điều rất gian khó. Mới đây, Bản quyền của bộ sách “Em thích giỏi toán” dành cho mẫu giáo và tiểu học do NXB Dân Trí và Công ty Cổ phần Văn hoá Giáo dục Long Minh ấn hành đã xuất khẩu sang nước Nga và 4 nước ASEAN là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, cho thấy hoạt động xuất khẩu này sẽ không quá khó nếu DN tìm ra hướng đi cho mình.

Nhà xuất bản Clever Media ( Nga) đã mua bản quyền 3 trong 7 quyển của bộ sách để xuất bản 4.000 bản tại Nga

Những bộ sách hấp dẫn

Theo Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh, bộ sách “Em thích giỏi toán” gồm hai cuốn mẫu giáo 4-5 tuổi, 5-6 tuổi và một cuốn tiểu học 6-7 tuổi đã được xuất bản nhiều lần ở Việt Nam. Mỗi cuốn sách gồm 111 bài toán hay, do nhà giáo Phạm Đình Thực biên soạn và họa sĩ Bùi Tuấn Linh trình bày. Đặc biệt, sách được thiết kế theo hình dáng chiếc dép tông rất nổi tiếng. Đây là bộ sản phẩm liên doanh giữa NXB Play Bac (Pháp) với Công ty Cổ phần Văn hoá Giáo dục Long Minh.

Đáng chú ý hơn khi NXB Clever Media (Liên bang Nga) đã mua bản quyền 3 trong 7 quyển của bộ sách để xuất bản 4.000 bản tại Nga. Gần đây, NXB Pelangi (Malaysia) cũng đã kí hợp đồng mua lại bản quyền cả 7 quyển trong bộ sách này để xuất bản tại 4 nước ASEAN là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia.

Theo ông Đỗ Hoàng Sơn Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh, về nội dung kiến thức thì toán dành cho trẻ từ 4-7 tuổi không có gì mới mẻ với nước Nga và nước Pháp. Tuy nhiên, hình thức chiếc dép tông bắt mắt, nội dung được dịch ra tiếng Anh cùng dẫn dắt tư duy toán thông qua các hình vẽ minh họa và các bài toán đã tăng giá trị cho mỗi cuốn sách và tạo nên sức hút đối với các NXB quốc tế. Chính vì vậy, bộ sách “Em thích giỏi toán” đã được NXB Play Bac (Pháp) liên kết ấn hành.

Ông Sơn cũng cho biết: “Sau lần đầu tiên xuất bản thành công tại Việt Nam, chúng tôi đã quyết định đem phiên bản tiếng Anh của bộ sách này giới thiệu tại Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2014 diễn ra tại nước Đức. Bộ sách nhận được sự quan tâm của các NXB từ hơn 10 quốc gia trên thế giới. Có lẽ với kiểu dáng và hình minh họa lạ, bộ sách đã thu hút được sự chú ý của bạn bè quốc tế. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành việc dịch bộ sách ra tiếng Pháp và tiếng Nhật”.

Với thành công của bộ sách “Em thích giỏi toán”, hiện Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh tiếp tục xây dựng dự án sách để xuất khẩu bản quyền bằng tiếng Anh ra nước ngoài như: Bộ truyện tranh “Người cầm quân” của tác giả Phạm Tuấn Lâm, bộ sách “Cờ vua” của tác giả Lương Trọng Minh, các cuốn sách toán của các tác giả Nguyễn Minh Hà, Vũ Quốc Lương, Chu Cẩm Thơ, Morales, Lê Anh Vinh, các bộ sách về STEM của các tác giả Đặng Văn Sơn, Đỗ Văn Tuấn.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một số tác phẩm văn học được những NXB nước ngoài mua bản quyền như: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do NXB Trẻ ấn đã được NXB Nanmee Books của Thái Lan ký hợp đồng chuyển ngữ sang tiếng Thái, sau đó lại được NXB Dasan Books của Hàn Quốc tiếp tục mua bản quyền dịch sang tiếng Hàn và phát hành tại Hàn Quốc. Tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do NXB Trẻ cũng đã được NXB Asia Publishers mua bản quyền và ấn hành tại Hàn Quốc…

Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh đã tìm đường XK sách Việt Nam ra nước ngoài.

Hành trình tìm đường xuất khẩu sách

Lâu nay, nhiều NXB, công ty sách của Việt Nam vẫn quen với việc nhập khẩu, mua bản quyền sách của thế giới nên việc xuất bản sách vẫn luôn là giấc mơ của nhiều NXB. Ông Sơn tâm sự: “Ngay từ khi đi mua bản quyền sách tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2008, tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy nhiều nước ASEAN tham gia xuất khẩu bản quyền sách. Trong khi, phần lớn sách thiếu nhi ở Việt Nam lại phải mua của nước ngoài do thiếu người viết. Lúc đó, tôi đã nói với bạn thân là họa sĩ Trần Đại Thắng rằng, chúng ta phải phấn đấu làm sách đạt tiêu chuẩn quốc tế để có ngày sẽ mang được tác phẩm chào bán bản quyền tại hội chợ sách lớn nhất thế giới này. Có thể, khi nói đến xuất khẩu sách toán bằng tiếng Anh của Việt Nam, nhiều người cho rằng tôi ảo tưởng”.

Để biến giấc mơ thành hiện thực, Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xây dựng một bộ sách đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ông Sơn chia sẻ: “Để đạt được mục tiêu xuất khẩu sách của Việt Nam ra nước ngoài, chúng tôi đã tập hợp đội ngũ những nhà viết sách giỏi, có kinh nghiệm và hiểu biết tiếng Anh. Đặc biệt, chúng tôi tập hợp đội ngũ họa sĩ trình bày sách tâm huyết nghề với để mỗi trang sách trở nên sinh động và thu hút được độc giả. Ngoài ra, khi xây dựng nội dung, hình thức mỗi đầu sách chúng tôi đều xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế đã đặt ra”.

Để có được thành công ban đầu, Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh đã phải nghiên cứu rất kĩ xu hướng phát triển và nhu cầu cùng với các bước chuẩn bị khoảng 5, 6 năm. Muốn xuất khẩu sách ra nước ngoài, doanh nghiệp phải dám làm, dám đầu tư; mỗi tác phẩm cần chú trọng nội dung và hình ảnh; theo xu thế làm sách hiện đại của thế giới. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác sâu rộng với các NXB nước ngoài, cũng nhờ sự hợp tác với các bạn Pháp của NXB Play Bac, ước mơ này xuất khẩu sách của công ty đã trở thành hiện thực.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty sách Thái Hà, trước kia, hầu hết công ty sách của Việt Nam chủ yếu đi mua bản quyền của nước ngoài. Vài năm trở lại đây, các công ty sách của Việt Nam mới bắt đầu chú tâm đến việc đi giới thiệu sách Việt Nam ra với thế giới. Tuy nhiên, các công ty sách Việt Nam muốn bán bản quyền sách Việt Nam ra nước ngoài cần có bản dịch ra tiếng Anh hoặc viết sách trực tiếp bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, các công ty sách của Việt Nam cần biết cách giới thiệu, quảng bá sách ra các sân chơi lớn của thế giới như thông qua các hội sách lớn Frankfurt Book Fair tại Đức, AmericaExpo tại New York, Mỹ, hội sách London, Bắc Kinh…

Đánh giá về chất lượng sách Việt Nam, ông Hùng cho biết: “Hiện nay sách của Việt Nam đã được chế bản, trình bày, làm bìa ấn tượng và bắt mắt, nội dung sách đã có những cuốn tốt, được đánh giá cao. Tuy nhiên, để Việt Nam thực sự có nhiều sách có thể mang đi “khoe” với thế giới và bán bản quyền cho nước ngoài, có lẽ cần thêm nhiều thời gian nữa”.

Trong bối cảnh đất nước đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tham gia hoạt động xuất khẩu sách cần có sự quan tâm, góp sức của các nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị làm sách tư nhân và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong nước và đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thị hiếu, cơ hội hợp tác, giúp doanh nghiệp trong quá trình tự “bơi”, đưa sách ra thế giới.

Đỗ Hòa

 

1204 views