Nhập nhiều lô hàng riêng biệt dưới 1 triệu đồng vẫn bị tính thuế

(HQ Online)- Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc về nhập nhiều lô hàng riêng biệt dưới 1 triệu đồng có phải nộp thuế và việc mua đồ bên gmarket có tổng giá trị các mặt hàng trên 1 triệu đồng gần đây phải nộp thuế, Tổ tư vấn Báo Hải quan đã trao đổi với Cục Thuế XNK và đã có câu trả lời về những vấn đề này.
Làm thủ tục hải quan với hàng hóa NK qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Báo Hải quan nhận được câu hỏi của  ban đọc gửi tới về việc có mua 8 mặt hàng của các nhà cung cấp khác nhau và được gửi làm 8 chuyến. Tuy nhiên các nhà cung cấp lại gửi ngẫu nhiên về cùng một ngày và các mặt hàng  đều có giá trị dưới 1 triệu đồng. Bạn đọc hỏi như vậy các mặt hàng này có được miễn thuế (trị giá dưới 1 triệu một mặt hàng/chuyến), hay sẽ tính tổng giá trị của tất cả các mặt hàng rồi đánh thuế? Các mặt hàng khác nhau có mức thuế khác nhau, vậy sẽ tính thuế của từng mặt hàng riêng biệt rồi cho ra tổng số thuế hay lấy mặt hàng có mức thuế thấp hoặc cao nhất rồi áp cho tổng giá trị của tất cả các chuyến hàng?

Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc, Tổ tư vấn Báo Hải quan đã trao đổi với Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) và tư vấn như sau: Từ ngày 1-9-2016, Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế XK, thuế NK có hiệu lực thi hành.

Hướng dẫn việc miễn thuế hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu, tại khoản 5 Điều 16 Luật Luật Thuế XK, thuế NK quy định: Hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu được miễn thuế XK, NK.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 29 Nghị định 134 quy định: “Hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng Việt Nam trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam được miễn thuế.

Trường hợp hàng hóa có trị giá hải quan vượt quá 1.000.000 đồng Việt Nam hoặc có tổng số tiền thuế phải nộp trên 100.000 đồng Việt Nam thì phải nộp thuế đối với toàn bộ lô hàng”.

Hàng hóa có tổng trị giá khai báo dưới 1 triệu đồng Việt Nam hoặc có tổng số tiền thuế XK, NK phải nộp dưới mức 1 trăm nghìn đồng Việt Nam cho một lần XK, XK” sẽ được miễn thuế.

Theo đó, đối với hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh dịch vụ bưu chính có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế. Hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc miễn thuế này chỉ áp dụng cho 1 lần NK. Vì vậy, trường hợp của bạn đọc chỉ được miễn thuế cho 1 lần NK có trị giá hàng hóa dưới 1 triệu đồng. Những lần NK sau sẽ phải nộp thuế NK.

Việc tính thuế NK sẽ căn cứ trên trị giá của mỗi mặt hàng, các mặt hàng khác nhau có mức thuế khác nhau, cơ quan Hải quan sẽ tính thuế của từng mặt hàng riêng biệt rồi cho ra tổng số thuế phải nộp.

Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc về việc mua đồ bên gmarket có tổng giá trị các mặt hàng trên 1 triệu đồng rất nhiều lần nhưng không bị tính thuế hải quan, lần gần đây nhất cũng mua như vậy lại bị tính thuế? Tổ tư vấn Báo Hải quan trả lời như sau:

Từ ngày 1-9-2016, Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế XK, thuế NK có hiệu lực thi hành. Hướng dẫn việc miễn thuế hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu, tại khoản 5 Điều 16 Luật Luật Thuế XK, thuế NK quy định: Hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu được miễn thuế XK, NK.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 29 Nghị định 134 quy định cụ thể về miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu như sau: “Hàng hóa có tổng trị giá hải quan khai báo dưới 500.000 đồng Việt Nam hoặc có tổng số tiền thuế XK, NK phải nộp dưới mức 50.000 đồng Việt Nam cho một tổ chức, một cá nhân cho một lần XK, NK”.

Trường hợp hàng hóa có trị giá hải quan vượt quá 1.000.000 đồng Việt Nam hoặc có tổng số tiền thuế phải nộp trên 50.000 đồng Việt Nam thì phải nộp thuế đối với toàn bộ lô hàng”.

Tổ tư vấn pháp luật

 

2305 views