“Khóc dở mếu dở” vì kiểm tra hiệu suất năng lượng

(HQ Online)- Sau 3 tháng nhập khẩu, thủ tục nhập khẩu mặt hàng motor điện về để lắp ráp vào dây chuyền sản xuất của một số DN vẫn chưa thể hoàn tất do vướng mắc trong quy định về việc kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Nhiều DN cho biết họ đang lâm vào cảnh “theo cũng dở mà bỏ không xong” do các thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng gây tốn kém quá nhiều thời gian và chi phí.

Công chức Hải quan Đồng Nai kiểm tra hàng hóa XNK. (Ảnh: N.Hiền)

Là DN chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu và bán thành phẩm giày, gia công nguyên phụ liệu giày, Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam nhập khẩu mặt hàng motor máy đổ đế trị giá trên 1.900 USD để thay thế cho máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất.

Theo quy định, mặt hàng này thuộc diện phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Tuy nhiên, hiện nay khu vực phía Nam chưa có trung tâm để kiểm tra mặt hàng motor, mà phải đăng ký và đưa hàng đi thử nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1) tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo đại diện Công ty Đông Phương, do có kích thước rất lớn, công ty phải thuê máy bay để chở motor ra Hà Nội.

Kéo theo đó, chi phí vận chuyển motor tăng lên rất cao, chưa kể tới chi phí thử nghiệm và các chi phí liên quan khác. Uớc tính tổng chi phí để hoàn tất từ khâu vận chuyển đến kiểm nghiệm… có thể cao hơn giá trị của chiếc motor nhập khẩu. “Bỏ cái motor đã nhập thì lãng phí mà theo đuổi các thủ tục thì lại quá mệt mỏi” đại diện Công ty Đông Phương chia sẻ.

Tương tự, ngày 8-3, Công ty TNHH Dong-Il Việt Nam nhập khẩu lô hàng phụ tùng thay thế của máy kéo sợi. Trong lô hàng này có 19 cái motor thuộc diện phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Qua tìm hiểu của công ty, thời gian kiểm tra và nhận kết quả trong khoảng từ 60 ngày đến 90 ngày.

Cùng với đó, chi phí từ thủ tục bắt đầu đến khi hoàn tất rất tốn kém do công ty phải trực tiếp gửi motor ra Hà Nội và trực tiếp nhận motor về sau khi nhận kết quả kiểm nghiệm. Theo các DN, việc phải vận chuyển chiếc motor đi một quãng đường dài từ Đồng Nai ra Hà Nội sẽ tiềm ẩn rủi ro về việc hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, thời hạn kiểm tra và nhận kết quả kéo dài cũng khiến việc sản xuất của công ty bị đình trệ do chưa có motor để gắn vào dây chuyền sản xuất.

Cụ thể, việc nhập khẩu motor của Công ty Dong-Il đã thực hiện từ đầu tháng 3-2016, nhưng đến nay, việc kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu vẫn chưa thực hiện xong để DN hoàn tất thủ tục nhập khẩu và đưa vào sản xuất. Tương tự, việc nhập khẩu motor của Công ty Đông Phương cũng đã kéo dài từ tháng 2-2016 đến nay.

Với những bất cập đã nêu, các DN đã có văn bản gửi Cục Hải quan Đồng Nai nêu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nên cho phép DN đăng ký thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu tại Trung tâm kiểm định có địa chỉ tại TP.HCM để tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN.

Từ thực tế của các DN, Cục Hải quan Đồng Nai đã có văn bản trao đổi với Bộ Công Thương. Theo công văn số 3854/BCT-TCNL ngày 21-4-2015 của Bộ Công Thương, các tổ chức thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng được công bố trên website: nhannangluong.com và các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo website này, hiện đơn vị kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu mặt hàng động cơ điện được Bộ Công Thương công bố là Quatest 1 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điều này khiến cho nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng cũng như các DN tại khu vực phía Nam nói chung gặp khó khăn trong việc gửi mẫu ra Hà Nội do tốn nhiều thời gian, chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc DN kiến nghị xem xét cho DN đăng ký thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu tại Trung tâm kiểm định tại TP.HCM không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Hải quan. Do đó, Cục Hải quan Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương xem xét giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Cục Hải quan Đồng Nai cũng khuyến nghị các DN nên rà soát khi có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị, nếu mặt hàng công ty cần đầu tư có bán ở trong nước thì DN nên mua ở trong nước. Bất đắc dĩ nếu mặt hàng đó không có bán trong nước thì DN mới nên nhập khẩu để tránh rơi vào hoàn cảnh “khóc dở mếu dở” như trên.

Nguyễn Hiền
1761 views