120 câu hỏi về thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

I. THỦ TỤC HẢI QUAN

Câu hỏi 1: Người khai hải quan bao gồm những đối tượng nào ?

Trả lời

Người khai hải quan theo quy định tại Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm các đối tượng sau đây:

1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.

3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh.

4. Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa.

5. Đại lý làm thủ tục hải quan.

6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.

 

Câu hỏi 2: Người khai hải quan, người nộp thuế có các quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan được quy định tại Điều 8 Luật Hải quan, Điều 2 Thông tư số 38/2015/TT-BTC:

1. Người khai hải quan có quyền:

a) Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan.

b) Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan.

c) Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác.

d) Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan.

đ) Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

e) Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan.

g) Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có nghĩa vụ:

a) Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật Hải quan.

b) Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa.

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan.

d) Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.

đ) Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 32, 79 và 80 của Luật Hải quan.

Theo Điều 2 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì ngoài các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 18 Luật Hải quan; Điều 6, Điều 7, Điều 30 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13; Điều 5 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, người khai hải quan, người nộp thuế có trách nhiệm trong việc khai hải quan, khai bổ sung và sử dụng hàng hóa theo mục đích kê khai như sau:

a) Tự kê khai đầy đủ, chính xác, trung thực các tiêu chí trên tờ khai hải quan và các chứng từ phải nộp, phải xuất trình theo quy định của pháp luật, các yếu tố làm căn cứ, liên quan đến tính thuế hoặc miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, xét hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường (trừ việc kê khai thuế suất, số tiền thuế phải nộp đối với hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế).

b) Tự xác định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai số tiền thuế phải nộp; số tiền thuế được miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, hoàn thuế hoặc không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật; kê khai số tiền thuế phải nộp trên giấy nộp tiền theo quy định của Bộ Tài chính về thu, nộp thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

c) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kê khai thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, mức thuế theo hạn ngạch thuế quan và đã được xử lý theo kê khai nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế, xét miễn thuế, áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, mức thuế theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập – tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa thì người nộp thuế phải thực hiện khai hải quan đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa theo quy định tại Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

d) Cử người đại diện khi làm thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính khác với cơ quan hải quan.

Đối với các doanh nghiệp hình thành sau khi tổ chức lại thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật Quản lý thuế thì việc kế thừa các quyền và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế được thực hiện như sau:

a) Doanh nghiệp chuyển đổi có trách nhiệm kế thừa nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; các ưu đãi về thủ tục hải quan và thủ tục nộp thuế hàng nhập khẩu của doanh nghiệp cũ;

b) Doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập, bị chia, bị tách được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP và khoản 1 Điều 42 Thông tư này trong trường hợp:

– Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mà hợp nhất, sáp nhập với doanh nghiệp cũng đáp ứng đủ điều kiện.

– Doanh nghiệp mới được hình thành từ doanh nghiệp bị chia, doanh nghiệp bị tách mà doanh nghiệp bị chia, bị tách đáp ứng đủ điều kiện.

c) Doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập, bị chia, bị tách thuộc các trường hợp khác: Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Cục Hải quan) nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính xem xét thực tế để quyết định việc cho áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP và khoản 1 Điều 42 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

 

Câu hỏi 3: Khi khai hải quan người khai hải quan phải làm gì?

Trả lời:

Khai hải quan được quy định tại Điều 29 Luật Hải quan, Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và Điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, trung thực, rõ ràng các tiêu chí trên tờ khai hải quan; tự tính để xác định số thuế, các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai.

Hiện nay, trừ các trường hợp khai giấy, khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử. Người khai hải quan đăng ký thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Khi khai hải quan, người khai hải quan thực hiện các công việc sau đây:

a) Tạo thông tin khai tờ khai hải quan trên Hệ thống khai hải quan điện tử;

b) Gửi tờ khai hải quan đến cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

c) Tiếp nhận thông tin phản hồi và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan.

Đối với khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan khai đầy đủ các tiêu chí trên tờ khai hải quan, ký tên, đóng dấu (trừ trường hợp người khai hải quan là cá nhân) trên tờ khai để nộp cho cơ quan hải quan.

 

Câu hỏi 4: Trường hợp nào người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ có 8 trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy như sau:

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vượt định mức miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh.

3. Hàng cứu trợ khẩn cấp, hàng viện trợ nhân đạo.

4. Hàng quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển của cá nhân.

5. Hàng hóa là phương tiện chứa hàng hóa quay vòng theo phương thức tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 49 Nghị định này.

6. Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định trong trường hợp mang theo khách xuất cảnh, nhập cảnh.

7. Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, hệ thống khai hải quan điện tử không thực hiện được các giao dịch điện tử với nhau mà nguyên nhân có thể do một hoặc cả hai hệ thống hoặc do nguyên nhân khác.

Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan không thực hiện được thủ tục hải quan điện tử, cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử hải quan chậm nhất 01 giờ kể từ thời điểm không thực hiện được các giao dịch điện tử.

 

Câu hỏi 5: Thời hạn khai và nộp tờ khai được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 25 Luật Hải quan, Khoản 8 Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC thời hạn khai và nộp tờ khai được quy định như sau:

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu, việc nộp tờ khai hải quan được thực hiện sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm do người khai hải quan thông báo và chậm nhất 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh.

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu, việc nộp tờ khai hải quan được thực hiện trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu.

Trường hợp phương tiện vận tải nhập cảnh khai hải quan điện tử, ngày hàng hóa đến cửa khẩu là ngày phương tiện vận tải đến cửa khẩu theo thông báo của hãng vận tải trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Trường hợp phương tiện vận tải làm thủ tục hải quan nhập cảnh theo phương thức thủ công, ngày hàng hóa đến cửa khẩu là ngày cơ quan hải quan đóng dấu lên bản khai hàng hóa nhập khẩu tại cảng dỡ hàng trong hồ sơ phương tiện vận tải nhập cảnh (đường biển, đường hàng không, đường sắt) hoặc ngày ghi trên tờ khai phương tiện vận tải qua cửa khẩu hoặc sổ theo dõi phương tiện vận tải (đường sông, đường bộ).

 

Câu hỏi 6: Địa điểm làm thủ tục hải quan được quy định như thế nào?

Trả lời:

Địa điểm làm thủ tục hải quan được quy định tại Điều 22 LHQ, Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ. Theo đó, địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.

1. Địa điểm tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan là trụ sở Cục Hải quan, trụ sở Chi cục Hải quan.

2. Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm:

a) Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;

b) Trụ sở Chi cục Hải quan;

c) Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

d) Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm.

đ) Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ.

e) Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ.

g) Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.

Căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

 

Câu hỏi 7: Địa điểm đăng ký tờ khai hải quan được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 19 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan tại các địa điểm sau đây:

1. Hàng hóa xuất khẩu được đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nơi có cơ sở sản xuất hoặc Chi cục Hải quan nơi tập kết hàng hóa xuất khẩu hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất hàng.

2. Hàng hóa nhập khẩu được đăng ký tờ khai tại trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa, cảng đích ghi trên vận tải đơn, hợp đồng vận chuyển hoặc Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nơi hàng hóa được chuyển đến.

3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình một số loại hình cụ thể thì địa điểm đăng ký tờ khai thực hiện theo từng loại hình tương ứng quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

 

Câu hỏi 8: Thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan, thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan được quy định như sau:

1. Cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan ngay sau khi người khai hải quan nộp, xuất trình hồ sơ hải quan theo quy định của Luật Hải quan.

2. Sau khi người khai hải quan thực hiện đầy đủ các yêu cầu để làm thủ tục hải quan quy định (khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải), thời hạn công chức hải quan hoàn thành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải được quy định như sau:

a) Hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 02 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan.

b) Hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan. Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày.

c) Việc kiểm tra phương tiện vận tải phải bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách và bảo đảm việc kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của Luật này.

3. Việc thông quan hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật Hải quan.

 

Câu hỏi 9: Việc làm thủ tục hải quan ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Hải quan, Điều 4 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì việc làm thủ tục hải quan ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ được thực hiện như sau:

1. Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc để đảm bảo kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của người, phương tiện vận tải hoặc trên cơ sở thông báo trước qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc bằng văn bản (chấp nhận cả bản fax) của người khai hải quan theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Hải quan. Thông báo phải được gửi đến cơ quan hải quan trong giờ làm việc theo quy định. Ngay sau khi nhận được thông báo, cơ quan hải quan có trách nhiệm phản hồi cho người khai hải quan qua Hệ thống hoặc bằng văn bản về việc bố trí làm thủ tục hải quan vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc.

2. Trường hợp cơ quan hải quan đang kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa mà hết giờ làm việc thì thực hiện kiểm tra tiếp cho đến khi hoàn thành việc kiểm tra và không yêu cầu người khai hải quan phải có văn bản đề nghị. Thời hạn kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan.

3. Đối với các cửa khẩu biên giới đất liền, việc thực hiện thủ tục hải quan vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc phải phù hợp với thời gian đóng, mở cửa khẩu theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới.

 

Câu hỏi 10: Trường hợp nào người khai hải quan được làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký tờ khai một lần?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật Hải quan, Khoản 8, khoản 10 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, thì việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký tờ khai một lần được áp dụng trong các trường hợp như sau:

Hàng hóa thuộc đối tượng quy định tại Điều 43 và Điều 50 của Luật Hải quan:

– Hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp ưu tiên.

– Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp, hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng.

Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp là hàng hóa phục vụ việc khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh hoặc hàng hóa phục vụ các yêu cầu cứu trợ khẩn cấp. Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp phải có văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Người khai hải quan thường xuyên xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng nhất định, trong một thời gian nhất định của cùng một hợp đồng mua bán hàng hóa với cùng một người mua, người bán, qua cùng cửa khẩu được đăng ký tờ khai hải quan một lần trong thời hạn không quá 01 năm.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan.

Tờ khai hải quan một lần không còn giá trị làm thủ tục hải quan khi có sự thay đổi về chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Câu hỏi 11: Trường hợp nào người khai hải quan được khai bổ sung?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan, Khoản 10 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì người khai hải quan được khai bổ sung trong các trường hợp sau đây:

1. Khai bổ sung hồ sơ hải quan sau khi Hệ thống phân luồng tờ khai nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan.

2. Người khai hải quan, người nộp thuế xác định có sai sót trong việc khai hải quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.

3. Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng trước khi thông quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan hoặc sau khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, người khai hải quan, người nộp thuế mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

5. Người khai hải quan thực hiện khai bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hải quan khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Việc khai bổ sung trong trường hợp 2, điểm 4 nêu trên chỉ được thực hiện đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, Danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

 

Câu hỏi 12: Trường hợp tờ khai có nhiều hợp đồng hoặc đơn hàng thì việc khai báo được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ thì:

1. Hàng hóa nhập khẩu có nhiều hợp đồng hoặc đơn hàng, có một hoặc nhiều hóa đơn của một người bán hàng, cùng điều kiện giao hàng, cùng phương thức thanh toán, giao hàng một lần, có một vận đơn thì được khai trên một hoặc nhiều tờ khai hải quan.

2. Hàng hóa xuất khẩu có nhiều hợp đồng hoặc đơn hàng, cùng điều kiện giao hàng, cùng phương thức thanh toán, cùng bán cho một khách hàng và giao hàng một lần thì được khai trên một hoặc nhiều tờ khai hải quan.

 

Câu hỏi 13: Trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu, doanh nghiệp muốn thay đổi mục đích sử dụng thì thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5, Khoản 10 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì việc thay đổi mục đích sử dụng được thực hiện như sau:

1. Nguyên tắc thực hiện:

a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế, xét miễn thuế; áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập – tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.

b) Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới.

c) Hàng hóa khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng cũng phải được cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.

d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.

2. Trách nhiệm của người khai hải quan:

a) Nộp bộ hồ sơ làm thủ tục hải quan gồm:

– Tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

– Giấy phép của Bộ, ngành cho phép thay đổi mục đích sử dụng hoặc xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa theo quy định phải có giấy phép: 01 bản chính.

– Văn bản thỏa thuận với phía nước ngoài về việc thay đổi mục đích sử dụng của hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa đối với hàng hóa gia công, thuê mượn của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc hợp đồng mua, bán hàng hóa miễn thuế, không chịu thuế, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập: 01 bản chụp.

b) Kê khai, nộp đủ thuế theo quy định trên tờ khai hải quan mới và ghi rõ số tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũ, hình thức thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa vào ô “Phần ghi chú” của tờ khai hải quan điện tử hoặc ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy.

Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng bằng hình thức tái xuất hoặc chuyển nhượng cho đối tượng thuộc diện không chịu thuế, miễn thuế, người nộp thuế phải kê khai theo quy định nêu trên, nhưng không phải nộp thuế.

Trường hợp người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan, nếu cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ban đầu và bị xử phạt theo quy định hiện hành. Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế còn thiếu, tiền chậm nộp và tiền phạt (nếu có) theo quyết định của cơ quan hải quan.

 

Câu hỏi 14: Đề nghị cho biết trường hợp nào doanh nghiệp được hủy tờ khai?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, có 4 trường hợp doanh nghiệp được hủy tờ khai. Trong đó có 3 trường hợp hủy tờ khai do quá hạn và một trường hợp hủy tờ khai theo để nghị của người khai hải quan.

1. Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh) nhưng không có hàng nhập khẩu đến cửa khẩu nhập hoặc hàng xuất khẩu chưa đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu xuất.

2. Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai mà người khai hải quan không xuất trình hồ sơ hải quan (luồng vàng) trong trường hợp phải xuất trình hồ sơ hải quan để cơ quan hải quan kiểm tra.

3. Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai mà người khai hải quan chưa xuất trình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra thực tế (luồng đỏ) để cơ quan hải quan kiểm tra.

4. Các trường hợp hủy tờ khai theo yêu cầu của người khai hải quan:

a) Tờ khai hải quan đã được đăng ký nhưng chưa được thông quan do Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan có sự cố.

b) Khai nhiều tờ khai cho cùng một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu (khai trùng thông tin tờ khai).

c) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã có hàng hóa đưa vào khu vực giám sát hải quan nhưng thực tế không xuất khẩu.

d) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được đăng ký, nhưng thực tế hàng hóa không nhập khẩu hoặc hàng hóa chưa đưa qua khu vực giám sát.

e) Khai sai các chỉ tiêu thông tin không được khai bổ sung quy định tại điểm 3 Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC.

 

Câu hỏi 15: Việc xem hàng hoá, lấy mẫu hàng hóa trước khi khai hải quan được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan năm 2014, Điều 17 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc xem hàng hoá trước khi khai hải quan và lấy mẫu hàng hóa để phục vụ khai hải quan được thực hiện như sau:

1. Sau khi được người vận chuyển hàng hóa hoặc người lưu giữ hàng hóa (hãng tàu, hãng hàng không, đường sắt, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính, chủ kho ngoại quan,…) chấp thuận, chủ hàng thông báo cho Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa để giám sát theo quy định, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để phối hợp.

2. Khi xem trước hàng hóa, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa phải lập biên bản chứng nhận, có xác nhận của chủ hàng. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

3. Trường hợp người khai hải quan đề nghị lấy mẫu để phục vụ việc khai hải quan thì thực hiện theo quy định tại Điều 31 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

4. Sau khi xem trước hàng, lấy mẫu, công chức hải quan thực hiện niêm phong lô hàng. Trường hợp hàng hoá không thể niêm phong được thì trong biên bản chứng nhận nêu tại khoản 2 Điều này phải thể hiện được tình trạng hàng hoá và ghi rõ người đang giữ hàng hoá chịu trách nhiệm giữ nguyên trạng hàng hoá. Khi khai hải quan, chủ hàng ghi rõ kết quả xem trước, lấy mẫu hàng hóa trên tờ khai hải quan.

 

Câu 16: Cơ chế 01 cửa quốc gia là gì? Những nội dung khi thực hiện cơ chế 01 cửa quốc gia? Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Hải quan 2014: Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.

2. Những nội dung khi thực hiện cơ chế 01 cửa quốc gia được quy định tại Điều 7 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP bao gồm:

a) Người khai hải quan khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp (dưới đây gọi là Cổng thông tin một cửa quốc gia). Thời điểm khai thông tin, nộp chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của các Luật quản lý chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật quản lý chuyên ngành.

b) Các cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin của người khai hải quan; phản hồi kết quả xử lý cho người khai hải quan; trao đổi thông tin khai thủ tục hành chính và kết quả xử lý thông tin khai thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước với nhau thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

c) Người khai hải quan tiếp nhận kết quả xử lý từ các cơ quan nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

d) Cơ quan hải quan căn cứ kết quả xử lý của các cơ quan nhà nước để ra quyết định cuối cùng về thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phản hồi kết quả cho người khai hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia được quy định tại Điều 8 Nghị định 08/2015/NĐ-CP:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:

– Xây dựng, phát triển Cổng thông tin một cửa quốc gia;

– Ban hành quy chế quản lý, vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia;

– Thống nhất các yêu cầu kỹ thuật kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống xử lý chuyên ngành trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia;

– Xây dựng các danh mục dữ liệu dùng chung giữa các Bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;

– Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới các thủ tục hành chính để thực hiện bằng phương thức điện tử theo Cơ chế một cửa quốc gia;

– Xây dựng và thực hiện cơ chế tài chính đảm bảo cho việc quản lý, vận hành, duy trì và phát triển Cổng thông tin một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế trao đổi thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

b) Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm ban hành thủ tục hành chính để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia; xây dựng bộ dữ liệu hành chính và thương mại quốc gia áp dụng cho các chứng từ điện tử trao đổi, thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia.

c) Tổng cục Hải quan:

– Chịu trách nhiệm quản lý, vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia;

– Tham gia đàm phán và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi thông tin giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với các quốc gia khác trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Câu hỏi 17: Hồ sơ hải quan là gì? Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm những chứng từ gì?

Trả lời:

Theo khoản 8 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014, hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan, các chứng từ phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan theo quy định của Luật Hải quan.

Theo Điều 24 Luật Hải quan năm 2014, hồ sơ hải quan gồm:

1. Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan.

2. Chứng từ có liên quan.

Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Hồ sơ hải quan được nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan.

Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp.

 

Câu hỏi 18: Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu bao gồm những chứng từ gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu bao gồm các chứng từ sau đây:

1. Tờ khai hàng hóa xuất khẩu (doanh nghiệp nộp qua hệ thống, không phải nộp bản giấy).

Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu: 01 bản chính nếu xuất khẩu một lần hoặc 01 bản chụp kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi nếu xuất khẩu nhiều lần.

3. Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.

Đối với Giấy phép xuất khẩu, Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, nếu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.

 

Câu hỏi 19: Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm những chứng từ gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu bao gồm các chứng từ sau đây:

1. Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (doanh nghiệp nộp qua hệ thống, không phải nộp bản giấy).

Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính.

2. Hóa đơn thương mại trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.

Trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài thì cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn do người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng.

Người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại trong các trường hợp sau:

a) Người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên.

b) Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài, người khai hải quan khai giá tạm tính tại ô “Trị giá hải quan” trên tờ khai hải quan.

c) Hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn và người mua không phải thanh toán cho người bán, người khai hải quan khai trị giá hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định trị giá hải quan.

3) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.

Đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí được vận chuyển trên các tàu dịch vụ (không phải là tàu thương mại) thì nộp bản khai hàng hoá (cargo manifest) thay cho vận tải đơn.

4. Giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan: 01 bản chính nếu nhập khẩu một lần hoặc 01 bản chụp kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi nếu nhập khẩu nhiều lần.

5. Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.

Đối với chứng từ quy định tại điểm d, điểm đ khoản này, nếu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.

6. Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính (đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy). Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

7. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ): 01 bản chính hoặc chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử trong các trường hợp sau:

a) Hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước có thoả thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó.

b) Hàng hoá thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.

c) Hàng hoá nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử, thuế tự vệ, thuế suất áp dụng theo hạn ngạch thuế quan;

d) Hàng hoá nhập khẩu phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trường hợp theo thoả thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam hoặc theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về việc nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của người sản xuất/người xuất khẩu/người nhập khẩu thì cơ quan hải quan chấp nhận các chứng từ này.

 

Câu hỏi 20: Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ hải quan thông qua hệ thống VNACCS không hay phải nộp trực tiếp cho cơ quan hải quan?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc nộp hồ sơ hải quan được quy định như sau:

Trừ những chứng từ bắt buộc người khai hải quan phải nộp bản giấy như: giấy phép, C/O, Thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành, Thông báo miễn kiểm tra chuyên ngành, Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ hải quan thông qua hệ thống VNACCS bằng nghiệp vụ HYS.

Các chứng từ giấy người khai hải quan có thể gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho công chức hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan.

Đối với trường hợp khai hải quan giấy, người khai hải quan nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai.

Câu hỏi 21: Đối với hồ sơ hải quan đã làm thủ tục, doanh nghiệp thực hiện lưu trữ như thế nào? Thời gian lưu trữ là bao lâu? Trường hợp mất, thất lạc hồ sơ thì thực hiện như thế nào? Doanh nghiệp có bị xử lý vi phạm hành chính không?

Trả lời:

Theo Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc lưu trữ hồ sơ được quy định như sau:

Người khai hải quan có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ theo quy định, sổ sách, chứng từ kế toán trong thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán. Ngoài ra, người khai hải quan phải lưu trữ các chứng từ khác liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, bao gồm chứng từ vận tải đối với hàng hóa xuất khẩu, phiếu đóng gói, tài liệu kỹ thuật, chứng từ, tài liệu liên quan đến định mức thực tế để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Người khai hải quan phải lưu trữ bản chính các chứng từ nêu trên (trừ trường hợp đã nộp bản chính cho cơ quan hải quan), trường hợp các chứng từ điện tử thì lưu giữ dưới dạng điện tử hoặc chuyển đổi ra chứng từ giấy theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trường hợp mất, thất lạc hồ sơ đã nộp, xuất trình tại cơ quan hải quan thì doanh nghiệp có văn bản đề nghị sao lục hồ sơ hải quan và bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi không lưu trữ hồ sơ hải quan theo quy định của pháp luật.

 

Câu hỏi 22: Khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp được chậm nộp những chứng từ gì trong bộ hồ sơ hải quan? Thời gian chậm nộp là bao lâu?

Trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, việc chậm nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được quy định như sau:

Trường hợp việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện bởi công chức hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét đề nghị của người khai hải quan, quyết định gia hạn thời gian nộp bản chính một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

 

Câu hỏi 23: Trường hợp nào hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hải quan năm 2014, hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn kiểm tra thực tế:

a) Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp.

b) Hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

c) Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp phát hiện các hàng hóa trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải kiểm tra thực tế.

 

Câu hỏi 24: Trường hợp nào hàng hóa phải kiểm tra thực tế? Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Luật Hải quan năm 2014, hàng hóa không thuộc các trường hợp được miễn kiểm tra thực tế, hoặc thuộc các trường hợp được miễn kiểm tra thực tế nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải kiểm tra thực tế. Việc kiểm tra thực tế được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và do công chức hải quan thực hiện trực tiếp hoặc bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác.

Hàng hóa là động vật, thực vật sống, khó bảo quản, hàng hóa đặc biệt khác được ưu tiên kiểm tra trước.

Việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải có mặt của người khai hải quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ sau khi đăng ký tờ khai hải quan và hàng hóa đã được đưa đến địa điểm kiểm tra, trừ trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan.

 

Câu hỏi 25: Trường hợp nào phải kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan? Việc kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 34 Luật Hải quan năm 2014:

1. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan do thủ trưởng cơ quan hải quan nơi lưu giữ hàng hóa quyết định và chịu trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Để bảo vệ an ninh.

b) Để bảo vệ vệ sinh, môi trường.

c) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

d) Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu mà người khai hải quan không đến làm thủ tục hải quan.

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan được tiến hành dưới các hình thức:

a) Kiểm tra không xâm nhập qua máy soi.

b) Kiểm tra bằng thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác của cơ quan hải quan.

c) Mở hàng hóa để kiểm tra trực tiếp với sự chứng kiến của đại diện cơ quan nhà nước tại khu vực cửa khẩu, đại diện doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi. Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan.

 

Câu hỏi 26: Các hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 3, Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ:

1. Hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa:

a) Công chức hải quan kiểm tra trực tiếp.

b) Kiểm tra bằng các phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác.

c) Kiểm tra thông qua kết quả phân tích, giám định hàng hóa.

Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa nếu cần thiết phải thay đổi hình thức kiểm tra hàng hóa thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế hàng hóa quyết định. Kết quả kiểm tra thực tế bằng máy soi, thiết bị soi chiếu kết hợp với cân điện tử và các thiết bị kỹ thuật khác là cơ sở để cơ quan hải quan ra quyết định việc thông quan hàng hóa.

2. Mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa:

Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện cho đến khi đủ cơ sở xác định tính hợp pháp, phù hợp của toàn bộ lô hàng với hồ sơ hải quan.

Công chức hải quan thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo quyết định của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và căn cứ thông tin liên quan đến hàng hóa tại thời điểm kiểm tra; chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra đối với phần hàng hóa được kiểm tra.

 

Câu hỏi 27: Trường hợp hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt, việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, đối với hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt, không thể thực hiện kiểm tra thực tế tại các địa điểm kiểm tra của cơ quan hải quan thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định đưa hàng về các địa điểm đáp ứng yêu cầu bảo quản đặc biệt để kiểm tra thực tế hoặc căn cứ kết quả giám định để quyết định thông quan.

 

Câu hỏi 28: Trường hợp hàng hóa đăng ký làm thủ tục hải quan ở một nơi nhưng việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại chi cục hải quan nơi nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa, việc kiểm hóa hộ theo đề nghị của chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 11 Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc kiểm tra thực tế hàng hóa hộ theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan được thực hiện như sau:

1. Sau khi nhận được đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai gửi qua Hệ thống, Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp hai Chi cục Hải quan chưa có kết nối Hệ thống thì Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thực hiện như sau:

a) Lập 02 Phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu số 06/PGKQKT/GSQL Phụ lục V; 02 Phiếu đề nghị kiểm tra thực tế hàng hóa theo mẫu số 07/PĐNKT/GSQL Phụ lục V Thông tư 38/2015/TT-BTC và gửi kèm 01 tờ khai hải quan (bản chính) trong trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy.

b) Niêm phong các chứng từ trên và giao người khai hải quan chuyển đến Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa để thực hiện việc kiểm tra thực tế.

2. Người khai hải quan thực hiện đăng ký thời gian, địa điểm kiểm tra thực tế với Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế hàng hóa.

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện miễn thuế, không chịu thuế hoặc có số tiền thuế phải nộp bằng không hoặc được ân hạn thuế 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan được vận chuyển hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan trước khi Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai cập nhật kết quả kiểm tra vào Hệ thống để quyết định thông quan hoặc giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản.

 

Câu hỏi 29: Hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành là gì? Việc kiểm tra được thực hiện như thế nào? Thời hạn kiểm tra trong bao lâu?

Trả lời:

Theo Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Việc kiểm tra hàng hóa chuyên ngành được quy định tại Điều 35 Luật Hải quan, Điều 33 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày cấp giấy đăng ký kiểm tra hoặc ngày lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành trừ trường hợp pháp luật về kiểm tra chuyên ngành có quy định khác, cơ quan kiểm tra chuyên ngành có thẩm quyền phải có kết luận kiểm tra và có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra hoặc gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia trong trường hợp cơ quan kiểm tra có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan hải quan quyết định việc thông quan hàng hóa. Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan kiểm tra chuyên ngành chưa có kết luận kiểm tra chuyên ngành thì phải có văn bản nêu rõ lý do và ngày ra kết luận kiểm tra gửi cơ quan hải quan.

 

Câu hỏi 30: Trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của doanh nghiệp ưu tiên thì việc đưa hàng hóa về bảo quản thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của doanh nghiệp ưu tiên thì doanh nghiệp ưu tiên được đưa hàng hóa về bảo quản theo quy định.

 

Câu hỏi 31: Trường hợp nào doanh nghiệp không được đưa hàng hóa về bảo quản?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, nếu vi phạm quy định đưa hàng về bảo quản, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, người khai hải quan không được mang hàng về bảo quản:

1. Trong thời gian 01 năm kể từ ngày bị xử phạt về hành vi tự ý phá dỡ niêm phong; tráo đổi hàng hóa, tự ý đưa hàng hóa ra lưu thông, sử dụng; bảo quản hàng hóa không đúng địa điểm đăng ký với cơ quan hải quan.

2. Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày bị xử phạt về hành vi vi phạm bị lập biên bản nếu vi phạm quy định về thời hạn nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành.

Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai có trách nhiệm lập danh sách doanh nghiệp vi phạm không được mang hàng về bảo quản gửi về Cục Hải quan để thông báo áp dụng chung trên toàn quốc.

 

Câu hỏi 32: Giải phóng hàng là gì? Thủ tục giải phóng hàng trong trường hợp chờ xác định trị giá thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Giải phóng hàng thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Hải quan năm 2014, Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Điều 33 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

1. Giải phóng hàng hóa là việc cơ quan hải quan cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:

a) Hàng hóa đủ điều kiện để được xuất khẩu, nhập khẩu nhưng chưa xác định được số thuế chính thức phải nộp.

b) Người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan.

Trong trường hợp giải phóng hàng, doanh nghiệp được toàn quyền định đoạt hàng hóa trong khi chờ hoàn tất các thủ tục và Quyết định thông quan.

2. Trường hợp giải phóng hàng hóa chờ xác định trị giá hải quan, thủ tục giải phóng hàng được thực hiện như sau:

a) Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai và trường hợp người khai hải quan yêu cầu tham vấn:

a.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:

– Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại phụ lục II kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC; Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì ghi “Đề nghị giải phóng hàng” tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan.

– Thực hiện nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh đối với số tiền thuế tự kê khai.

– Thực hiện các thủ tục về trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tham vấn theo quy định tại Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa, thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan hoặc trên tờ khai bổ sung sau thông quan theo mẫu số 03/KBS/GSQL Phụ lục V Thông tư 38/2015/TT-BTC đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy, xác định số thuế chính thức phải nộp và nộp đủ thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.

a.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

– Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định việc giải phóng hàng hóa theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

– Thực hiện các thủ tục về trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tổ chức tham vấn theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

b) Trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan chưa có đủ thông tin, tài liệu để xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu:

b.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:

– Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC (khai rõ trường hợp giải phóng hàng).

– Thực hiện kê khai, tính thuế theo trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định:

+ Trường hợp không chấp nhận trị giá do cơ quan hải quan xác định, ghi rõ “đề nghị giải phóng hàng” tại ô “ghi chép khác” trên tờ khai hải quan đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai giấy; thực hiện nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế theo trị giá do cơ quan hải quan xác định để giải phóng hàng hóa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa, thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan hoặc trên tờ khai bổ sung sau thông quan theo mẫu số 03/KBS/GSQL Phụ lục V Thông tư 38/2015/TT-BTC đối với trường hợp thực hiện thủ tục hải quan thủ công, xác định số thuế chính thức phải nộp và nộp đủ thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.

+ Trường hợp chấp nhận trị giá do cơ quan hải quan xác định thì thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan, nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế phải nộp để cơ quan hải quan quyết định thông quan theo quy định.

b.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

– Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ cơ sở dữ liệu trị giá, nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định trị giá, thông báo cho người khai hải quan (qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 02B/TBXĐTG/TXNK phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy) để làm cơ sở tính thuế; quyết định việc giải phóng hàng hóa hoặc thông quan theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

– Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa nếu người khai hải quan không thực hiện khai báo trị giá hải quan, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định tại Điều 34 Thông tư 38/2015/TT-BTC trên cơ sở người khai hải quan nộp đủ số tiền thuế theo trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định theo quy định tại điểm b.2.1 nêu trên.

Câu hỏi 33: Trường hợp giải phóng hàng chờ kết quả giám định, phân loại hàng hóa thì thủ tục giải phóng hàng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

1. Trách nhiệm của người khai hải quan

a) Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên Tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC. Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì ghi “Đề nghị giải phóng hàng” tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan.

b) Thực hiện nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế tự kê khai, tự tính thuế.

c) Thực hiện khai bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

a) Cơ quan hải quan kiểm tra các điều kiện giải phóng hàng và phản hồi cho người khai hải quan.

b) Căn cứ kết quả giám định, phân loại, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai thông báo cho người khai hải quan để khai bổ sung (nếu có).

c) Trường hợp phải khai bổ sung mà người khai hải quan không thực hiện việc khai bổ sung thì cơ quan hải quan xử lý theo quy định tại điểm b.7 khoản 3 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

d) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ đề nghị của người khai hải quan, hồ sơ hải quan để quyết định việc giải phóng hàng.

 

Câu hỏi 34: Thông quan là gì? Hàng hóa được thông quan trong các trường hợp nào?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014, thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác.

Theo Điều 37 Luật Hải quan, Điều 34 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, hàng hóa được thông quan trong các trường hợp sau đây:

1. Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan khi được xác định:

a) Được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn tại Điều 42 Thông tư 38/2015/TT-BTC, hoặc

b) Thuộc diện phải nộp thuế trước khi thông quan mà chưa nộp, hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế phải nộp nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp.

3. Thiếu một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan nhưng được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan đồng ý cho gia hạn thời gian nộp bản chính theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

4. Hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành được thông quan khi hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định và có một trong các chứng từ dưới đây:

a) Giấy thông báo miễn kiểm tra.

b) Kết quả kiểm tra chuyên ngành đáp ứng yêu cầu quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

c) Kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với lô hàng được phép nhập khẩu.

5. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa nộp thuế, trong thời gian chờ làm thủ tục xét miễn, miễn thuế, không thu thuế được thông quan trong trường hợp sau:

a) Hàng hóa phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng, nộp đủ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

b) Hàng hóa phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ khẩn cấp; hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại nộp đủ các loại thuế có liên quan theo quy định của pháp luật đối với trường hợp thuộc đối tượng chịu thuế.

c) Hàng hóa được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về số tiền thuế chưa được thanh toán từ ngân sách nhà nước.

 

Câu hỏi 35: Cơ sở để xác định hàng hóa xuất khẩu là gì?

Trả lời:

Theo Điều 53 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, cơ sở để xác định hàng hóa xuất khẩu được xác định như sau:

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng chuyển tải, khu chuyển tải; hàng hóa cung ứng cho tàu biển, tàu bay xuất cảnh; hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển cùng với người xuất cảnh qua cửa khẩu hàng không; hàng hóa xuất khẩu đưa vào kho ngoại quan; hàng hóa xuất khẩu đưa vào kho CFS là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên Hệ thống.

2. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được công chức hải quan xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát trên Hệ thống khi hàng hóa vận chuyển qua biên giới sang nước nhập khẩu.

3. Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất là tờ khai hàng hóa xuất khẩu, tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.

4. Trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy:

a) Đối với hàng hóa quy định tại điểm 1, điểm 2 nêu trên là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và có xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát (ghi ngày tháng năm, ký tên, đóng dấu công chức) của công chức hải quan cửa khẩu xuất. Riêng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được xác nhận hàng hóa đã thực xuất khẩu.

b) Đối với hàng hóa quy định tại điểm 3 nêu trên là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan.

 

Câu hỏi 36: Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bao gồm hàng hóa nào? Thủ tục thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 64 Luật Hải quan năm 2014, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bao gồm hàng hóa quá cảnh và hàng hóa chuyển cửa khẩu.

Khi vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, người khai hải quan phải khai tờ khai vận chuyển hàng hóa; nộp hoặc xuất trình chứng từ theo quy định.

Cơ quan hải quan tiếp nhận tờ khai vận chuyển hàng hóa, kiểm tra các chứng từ và hàng hóa do người khai hải quan xuất trình để quyết định cho phép vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan.

Trong thời gian vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, nếu người khai hải quan thực hiện việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác thì phải thông báo và được sự đồng ý của cơ quan hải quan trước khi thực hiện. Cơ quan hải quan có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 02 giờ kể từ khi nhận được thông báo của người khai hải quan.

 

Câu hỏi 37: Hàng hóa chuyển cửa khẩu bao gồm những hàng hóa nào?

Trả lời:

Theo Điều 50 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, hàng hóa chuyển cửa khẩu bao gồm các loại hàng hóa sau:

1. Hàng hoá xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu đến cửa khẩu xuất; kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.

2. Hàng hoá nhập khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu phi thuế quan.

3. Hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; kho hàng không kéo dài đến cửa khẩu xuất.

4. Hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cảng đích ghi trên vận tải đơn hoặc kho hàng không kéo dài hoặc địa điểm thu gom hàng lẻ hoặc đến cửa khẩu khác.

5. Hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan.

6. Hàng hóa vận chuyển từ khu phi thuế quan đến cửa khẩu xuất, kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu hoặc đến các khu phi thuế quan khác.

7. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan này đến địa điểm làm thủ tục hải quan khác.

 

Câu hỏi 38: Thủ tục hải quan vận chuyển độc lập được áp dụng đối với hàng hóa nào? Hồ sơ bao gồm những loại chứng từ gì?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 51 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thủ tục hải quan vận chuyển độc lập được thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi và áp dụng đối với các hàng hóa sau:

– Hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ đất liền Việt Nam.

– Hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; kho hàng không kéo dài đến cửa khẩu xuất.

– Hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cảng đích ghi trên vận tải đơn hoặc kho hàng không kéo dài hoặc địa điểm thu gom hàng lẻ hoặc đến cửa khẩu khác.

Hồ sơ hải quan bao gồm các chứng từ sau đây:

1. Tờ khai vận chuyển độc lập theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mục 6 Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Vận tải đơn, trừ trường hợp hàng hóa vận chuyển qua biên giới đường bộ không có vận tải đơn: 01 bản chụp.

3. Giấy phép quá cảnh đối với trường hợp hàng quá cảnh phải có giấy phép: 01 bản chính.

Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép quá cảnh dưới dạng điện tử thông qua Hệ thống thông tin tích hợp, người khai hải quan không phải nộp bản chính giấy phép khi làm thủ tục hải quan.

Trường hợp hàng hóa vận chuyển từ kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ, cảng xuất khẩu, nhập khẩu được thành lập ở nội địa đến cửa khẩu xuất để xuất đi nước ngoài thì không phải nộp vận tải đơn, giấy phép quá cảnh.

 

Câu hỏi 39: Doanh nghiệp thông báo cơ sở gia công, sản xuất trong trường hợp nào?

Trả lời:

Theo Điều 37 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Điều 56 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc thông báo cơ sở gia công, sản xuất được thực hiện như sau:

Trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư đầu tiên để thực hiện gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân nộp Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục báo cáo quyết toán các chứng từ sau:

1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 01 bản chụp.

2. Văn bản thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC: 01 bản chính.

Trường hợp có sự thay đổi về các nội dung trong văn bản thông báo thì phải thông báo cho cơ quan hải quan biết trước khi thực hiện;

3. Hợp đồng thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất đối với trường hợp thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất: 01 bản chụp.

Tổ chức, cá nhân không phải nộp các chứng từ trên khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

 

Câu hỏi 40: Trường hợp nào cơ quan hải quan kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất? Thời gian kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất là bao lâu?

Trả lời:

Theo Điều 37 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Tổ chức cá nhân thực hiện hợp đồng gia công lần đầu.

2. Tổ chức cá nhân lần đầu được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

3. Khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân không có cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất.

Việc kiểm tra được thực hiện sau 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra. Thời gian kiểm tra không quá 05 ngày làm việc.

 

Câu hỏi 41: Nội dung kiểm tra cơ sở sản xuất bao gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Theo khoản 3 Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, nội dung kiểm tra cơ sở sản xuất bao gồm:

1. Kiểm tra địa chỉ cơ sở gia công, sản xuất: kiểm tra địa chỉ cơ sở gia công, sản xuất ghi trong văn bản thông báo cơ sở gia công, sản xuất hoặc ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Kiểm tra nhà xưởng, máy móc, thiết bị:

a) Kiểm tra chứng từ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp về nhà xưởng, mặt bằng sản xuất; kho, bãi chứa nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị.

b) Kiểm tra quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc thiết bị, số lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện có tại cơ sở gia công, sản xuất; kiểm tra tình trạng hoạt động, công suất của máy móc, thiết bị.

Khi tiến hành kiểm tra, cơ quan hải quan kiểm tra các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu (trường hợp nhập khẩu); hoá đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị hoặc đối chiếu sổ kế toán để xác định (trường hợp mua trong nước); hợp đồng thuê tài chính (trường hợp thuê tài chính); hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng (trường hợp đi thuê). Đối với hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng thì thời hạn hiệu lực của hợp đồng thuê bằng hoặc kéo dài hơn thời hạn hiệu lực của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm.

3. Kiểm tra tình trạng nhân lực tham gia dây chuyền sản xuất thông qua hợp đồng ký với người lao động hoặc bảng lương trả cho người lao động.

4. Kiểm tra thông qua Hệ thống sổ sách kế toán theo dõi kho hoặc phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất, tồn kho lượng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị.

 

Câu hỏi 42: Việc kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị được áp dụng trong các trường hợp nào?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, khoản 1 Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Khi xác định tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng có dấu hiệu rủi ro đã nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhưng quá chu kỳ sản xuất không có sản phẩm xuất khẩu.

2. Khi có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị hoặc xuất khẩu sản phẩm tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất.

3. Khi có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân bán nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm vào nội địa nhưng không khai hải quan.

4. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân kê khai sản phẩm xuất khẩu không đúng quy định và không đúng thực tế.

 

Câu hỏi 43: Nội dung kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị bao gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 40 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, khoản 2 Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, nội dung kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị bao gồm:

1. Kiểm tra hồ sơ hải quan, hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế (đối với trường hợp kết hợp kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế), báo cáo quyết toán, chứng từ kế toán, sổ kế toán, chứng từ theo dõi nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập kho, xuất kho và các chứng từ khác người khai hải quan phải lưu theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

2. Kiểm tra định mức thực tế sản phẩm xuất khẩu và các chứng từ liên quan đến việc xây dựng định mức.

3. Kiểm tra tính phù hợp của sản phẩm xuất khẩu với nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu.

4. Trường hợp qua kiểm tra các nội dung quy định tại điểm a, b, c khoản này mà cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đủ cơ sở kết luận thì thực hiện:

a) Kiểm tra nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trên dây chuyền sản xuất.

b) Kiểm tra số lượng hàng hóa còn tồn trong kho.

c) Kiểm tra số lượng thành phẩm chưa xuất khẩu.

 

Câu hỏi 44: Thời hạn và địa điểm nộp báo cáo quyết toán đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất được quy định như thế nào? Doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán tại đâu?

Trả lời:

Theo Khoản 1, khoản 2 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thời hạn va địa điểm nộp báo cáo quyết toán được quy định như sau:

1. Thời hạn nộp báo cáo: Định kỳ hàng năm, chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính, người khai hải quan nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá xuất khẩu trong năm tài chính cho cơ quan hải quan.

2. Địa điểm nộp báo cáo: Tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Điều 58 Thông tư số 38/2015/TT-BTC hoặc Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất.

 

Câu hỏi 45: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện báo cáo quyết toán như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây trong việc thực hiện báo cáo quyết toán:

1. Nộp báo cáo quyết toán

a) Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu:

Nộp báo cáo quyết toán theo nguyên tắc tổng trị giá nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống. Báo cáo quyết toán phải phù hợp với chứng từ hạch toán kế toán của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra sản phẩm sau đó bán sản phẩm cho tổ chức, cá nhân khác để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu và tổ chức, cá nhân xuất khẩu phải báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều này.

b) Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động gia công với thương nhân nước ngoài:

Trường hợp tổ chức, cá nhân theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu do bên đặt gia công cung cấp, máy móc, thiết bị thuê mượn để thực hiện hợp đồng gia công, bán thành phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh tại tài khoản ngoài bảng hoặc trên Hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức, cá nhân thì nộp báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL đối với nguyên liệu, vật tư và mẫu số 16/BCQT-MMTB/GSQL đối với máy móc, thiết bị ban hành kèm theo Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Trường hợp Hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức, cá nhân theo dõi chi tiết lượng hàng hóa, không theo trị giá thì được sử dụng kết quả kết xuất từ Hệ thống của tổ chức, cá nhân để lập báo cáo quyết toán đối với phần hàng hóa không quản lý theo trị giá này.

c) Đối với DNCX báo cáo quyết toán được lập theo nguyên tắc nêu tại điểm a, b nêu trêntương ứng với loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc gia công.

2. Lập và lưu trữ sổ chi tiết nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo các quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán, kiểm toán, trong đó ghi rõ số tờ khai hàng hóa nhập khẩu nguyên liệu, vật tư.

3. Lập và lưu trữ sổ chi tiết sản phẩm xuất kho để xuất khẩu theo các quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán, kiểm toán, trong đó xác định rõ xuất khẩu theo số hợp đồng, đơn hàng.

4. Lập và lưu trữ chứng từ liên quan đến việc xử lý phế liệu, phế phẩm.

5. Xuất trình toàn bộ hồ sơ, chứng từ kế toán liên quan đến nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu khi cơ quan hải quan kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp.

 

Câu hỏi 46: Thời hạn xử lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài kết thúc hoặc hết hiệu lực được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính

1. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quyết toán phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm theo mẫu số 17/XL-HĐGC/GSQL Phụ lục V Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày thông báo phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm, tổ chức, cá nhân phải thực hiện xong thủ tục hải quan để giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm (nếu có).

 

Câu hỏi 47: Hình thức xử lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài kết thúc hoặc hết hiệu lực bao gồm những hình thức nào?

Trả lời:

Thực hiện theo Khoản 2 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính:

Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam và nội dung thoả thuận trong hợp đồng gia công, việc xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được thực hiện như sau:

a) Bán tại thị trường Việt Nam.

b) Xuất khẩu trả ra nước ngoài.

c) Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.

d) Biếu, tặng tại Việt Nam.

đ) Tiêu huỷ tại Việt Nam.

 

Câu hỏi 48: Thủ tục xử lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài kết thúc hoặc hết hiệu lực được thực hiện như thế nào?

Theo Khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thủ tục xử lý như sau:

1. Thủ tục hải quan bán, biếu tặng nguyên liệu, vật tư dư thừa ngoài định mức, máy móc, thiết bị thuê, mượn tại thị trường Việt Nam:

a) Trường hợp người mua, người được biếu tặng là bên nhận gia công thì làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng theo quy định tại Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

b) Trường hợp người mua, người được biếu tặng là tổ chức, cá nhận khác tại Việt Nam thì làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Thủ tục xuất trả nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tạm nhập gia công ra nước ngoài trong thời gian thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực thực hiện như thủ tục xuất trả ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

3. Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác cùng hoặc khác đối tác nhận, đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực, thực hiện theo thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

4. Tiêu huỷ nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam:

a) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu huỷ. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

b) Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

c) Trường hợp người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm tổ chức việc tiêu hủy, cơ quan hải quan không thực hiện giám sát.

5. Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa do tổ chức, cá nhân tự cung ứng bằng hình thức nhập khẩu từ nước ngoài theo loại hình gia công, sau khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực:

a) Trường hợp bên đặt gia công đã thanh toán tiền mua nguyên liệu, vật tư thì thời hạn, hình thức xử lý thực hiện theo quy định trên.

b) Trường hợp bên đặt gia công chưa thanh toán tiền mua nguyên liệu, vật tư thì đăng ký tờ khai mới và làm thủ tục theo quy định tại Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC.

6. Đối với các hợp đồng gia công có cùng đối tác đặt gia công và cùng đối tác nhận gia công, tổ chức, cá nhân được bù trừ nguyên liệu cùng chủng loại, cùng quy cách, phẩm chất.

7. Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng phải kê khai nộp thuế với cơ quan thuế nội địa theo quy định của pháp luật về thuế.

 

Câu hỏi 49: Nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, phế thải; máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công sau khi kết thúc hợp đồng gia công được xử lý theo những hình thức nào?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 69 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, căn cứ theo thoả thuận trong hợp đồng gia công và quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được xử lý theo các hình thức sau:

1. Bán, biếu tặng, tiêu huỷ tại thị trường nước ngoài.

2. Nhập khẩu về Việt Nam.

3. Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại nước ngoài.

 

Câu hỏi 50: Thủ tục xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, phế thải; máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công sau khi kết thúc hợp đồng gia công được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 69 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thủ tục xử lý như sau:

1. Việc bán, biếu tặng, tiêu huỷ nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị đưa ra nuớc ngoài để thực hiện hợp đồng gia công thực hiện theo quy định tại nước nhận gia công. Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc thiết bị, người khai hải quan đăng ký tờ khai hải quan mới và thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Thủ tục hải quan nhập khẩu về Việt Nam:

a) Trường hợp nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị được xuất khẩu từ Việt Nam; phế liệu, phế phẩm phát sinh từ nguyên liệu, vật tư xuất khẩu từ Việt Nam thì thực hiện thủ tục tái nhập.

b) Trường hợp nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị mua ở nước ngoài; phế liệu, phế phẩm phát sinh từ nguyên liệu, vật tư mua từ nước ngoài thì thủ tục hải quan thực hiện như đối với lô hàng nhập khẩu thương mại.

c) Đối với lô hàng máy móc, thiết bị thuộc diện phải kiểm tra thực tế hàng hóa, khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan thực hiện đối chiếu chủng loại, ký, mã hiệu của máy móc, thiết bị ghi trên tờ khai tạm xuất với máy móc, thiết bị tái nhập trở lại.

3. Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn sang hợp đồng gia công khác:

Tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quyết toán, nội dung thông báo gồm: tên, quy cách, phẩm chất nguyên liệu, vật tư; lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn thuộc hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công số, ngày tháng năm được chuyển sang hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công số, ngày tháng năm ký với đối tác nước ngoài (ghi rõ tên bên nhận gia công ở nước ngoài).

 

Câu hỏi 51: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam và đã có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam muốn nhập khẩu tài sản là xe ô tô đã sử dụng ở nước ngoài về Việt Nam thì cần làm những thủ tục gì?

Trả lời:

Theo Điều 6 Thông tư số 20/2014/TT-BTC ngày 12/2/2014 của Bộ Tài chính quy định việc nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam, thủ tục nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô được quy định như sau:

1. Hồ sơ nhập khẩu:

a) Giấy phép NK xe ô tô, xe mô tô: 02 bản chính.

b) Vận tải đơn: 01 bản chính (có đóng dấu treo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép NK xe ô tô, xe mô tô).

c) Tờ khai hải quan XK/NK PMD(HQ/2011-PMD): 02 bản chính.

d) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới NK (đối với ô tô): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

đ) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe mô tô NK (đối với mô tô): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

2. Trình tự thủ tục nhập khẩu:

a) Địa điểm làm thủ tục

– Thủ tục nhập khẩu xe ô tô thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu (nơi xe ô tô được vận chuyển từ nước ngoài đến cửa khẩu) theo quy định hiện hành đối với xe ôtô đã qua sử dụng. Riêng đối với công dân Việt Nam định cư ở các nước có chung biên giới đất liền được phép hồi hương vận chuyển ô tô qua cửa khẩu đường bộ thì được làm thủ tục NK tại cửa khẩu quốc tế.

– Thủ tục tạm nhập khẩu xe mô tô thực hiện tại Chi cục Hải quan theo quy định của pháp luật.

b) Thủ tục nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô theo chế độ tài sản di chuyển thực hiện theo quy định hiện hành đối với hàng hóa NK không nhằm mục đích thương mại và các văn bản hướng dẫn liên quan.

c) Chi cục Hải quan cửa khẩu chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới NK (đối với xe ô tô), giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô, xe gắn máy (đối với xe mô tô) của cơ quan kiểm tra chất lượng.

d) Kết thúc thủ tục thông quan đối với xe ô tô, xe mô tô, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu xác nhận nội dung “xe ô tô, mô tô NK theo chế độ tài sản di chuyển” vào Tờ khai hải quan hàng hóa XK/NK PMD(HQ/2011-PMD), không cấp tờ khai nguồn gốc đối với xe ô tô, xe mô tô NK; trả cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hồi hương 01 giấy phép NK xe (có xác nhận kết quả làm thủ tục NK xe ô tô, xe mô tô của Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục nhập xe), 01 tờ khai HQ/2011- PMD (bản người khai lưu) để làm các thủ tục đăng ký lưu hành xe theo quy định hiện hành của pháp luật và 01 bản sao tờ khai HQ/2011-PMD (bản người khai hải quan lưu) có đóng dấu để làm thủ tục chuyển nhượng và xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập; sao gửi tờ khai hàng hóa XK, NK PMD có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép NK để theo dõi và cập nhật đầy đủ dữ liệu thông tin về tờ khai NK xe vào hệ thống quản lý thông tin của Tổng cục Hải quan để quản lý thông tin tập trung….”

 

Câu hỏi 52: Điều kiện để nhập khẩu tài sản di chuyển là xe ô-tô của đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam đã có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam là gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 20/2014/TT-BTC ngày 12/02/2014 của Bộ Tài Chính về điều kiện nhập khẩu đối với xe ô tô theo chế độ tài sản di chuyển:

1. Xe ô tô nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện: Đã đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) ít nhất là 6 (sáu) tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam.

2. Xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và quy định tại Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

 

Câu hỏi 53: Tôi có tài sản là xe ô-tô trong quá trình làm việc tại nước ngoài, hiện nay tôi hồi hương về Việt Nam đã có hộ khẩu thường trú tại Quận 3 TP Hồ Chí Minh, do điều kiện bận phải điều hành công ty tôi không đến được cơ quan hải quan để làm thủ tục cấp giấy phép và thủ tục hải quan để nhập xe tôi có thể ủy quyền cho người khác được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 20/2014/TT-BTC ngày 12/02/2014 của Bộ Tài Chính về đối tượng áp dụng:

1. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài cấp còn giá trị đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

2. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam và có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

3. Cơ quan Hải quan.

4. Đối tượng nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này trực tiếp thực hiện các thủ tục quy định tại Thông tư này; không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện

 

Câu hỏi 55: Tôi là du học sinh ở Mỹ, kết thúc khóa học tôi trở về nước có mang theo một xe ô tô đã qua sử dụng trong thời gian 03 năm thì có được phép hay không?

Trả lời

Ngày 10/8/2015 Cục Giám sát quản lý có công văn số 876/GSQL-GQ 3 trả lời báo cáo vướng mắc của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, nội dung:

Căn cứ Khoản 3, Điều 45 Nghị Định số 08/2015/NĐ-CP, ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan là hàng hóa là tài sản di chuyển của tổ chức, công Việt Nam khi hết thời hạn kinh doanh, làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam cư trú.

Như vậy, việc cấp phép xe ô tô nhập khẩu phi mậu dịch theo diện tài sản di chuyển chỉ áp dụng đối với cá nhân hết thời hạn kinh doanh, làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam cư trú; trường hợp du học sinh hoàn thành khóa học trở về nước thì không thuộc đối tượng trên.

 

Câu hỏi 55: Tôi có người thân ở bên Mỹ tặng cho 01 chiếc xe ô tô mới 100% hiệu Ven Za đời 2015, loại 2,7 L , 5 chỗ ngồi; xin hỏi có được phép nhập khẩu theo hình thức quà biếu phi mậu dịch hay không?

Trả lời:

Ngày 22/7/2015 Cục Giám sát quản lý có công văn số 794/GSQL-GQ 3 trả lời báo cáo vướng mắc của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, nội dung:

Căn cứ công văn số 11275/BCT-XNK ngày 05/12/2011 của Bộ Công thương về việc nhập khẩu xe ô tô là quà biếu, quà tặng theo đó: “Quà biếu tặng gửi cho cá nhân tại Việt Nam không thuộc các đối tượng nêu tại công văn số 4640/BCT-XNK và công văn số 7470/BCT-XNK nêu trên, vì vậy khi nhập khẩu phải tuân thủ quy định tại Thông tư số 20/2011/TT-BCT, ngày 12/5/2011 của Bộ Công thương quy định bổ sung thủ tụcj nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống”

Như vậy, trường hợp người thân ở bên Mỹ tặng cho 01 chiếc xe ô tô mới 100% hiệu Ven Za đời 2015, loại 2,7 L , 5 chỗ ngồi thì không được phép nhập khẩu theo hình thức quà biếu phi mậu dịch.

 

Câu hỏi 56: Tôi có người thân bên Úc tặng 01 xe mô tô phân khối lớn Honda RC213V-S, động cơ 4 xi-lanh, dung tích 1.000 cc, thì có phải xin giấy phép của Bộ Công thương hay không?

Trả lời:

Ngày 19/5/2015 Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương có công văn hướng dẫn về nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn không nhằm mục đích thương mại:“Theo quy định của Thông tư số 06/2007/TT-BTM ngày 30/5/2007 của Bộ Thương mại hướng dẫn việc nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn 175 cm3 trở lên, giấy phép nhập khẩu tự dộng chỉ áp dụng đối với trường hợp nhập khẩu nhằm mục đích thương mại; các trường hợp nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, thủ tục nhập khẩu theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan”.

Như vậy; trường hợp quý Ông Bà được người thân bên Úc tặng 01 xe mô tô phân khối lớn Honda RC213V-S được trang bị động cơ 4 xi-lanh, dung tích 1.000 cc, thì không phải xin giấy phép nhập khẩu tự động của Bộ Công thương.

 

Câu hỏi 57: Xin cho biết việc nhập khẩu ô tô theo hình thức quà biếu tặng có quy định định lượng hay không ?

Trả lời:

Ngày 14/7/2015, Cục Giám sát quản lý về hải quan có công văn số 734/GSQL-GQ3, hướng dẫn về nội dung định lượng nhập khẩu xe ô tô theo hình thức quà biếu tặng như sau:

“ Căn cứ quy định hiện hành thì không có quy định hạn chế số lượng hàng hóa (bao gồm cả xe ô tô) nhập khẩu theo hình thức quà biếu, tặng.

Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép nhập khẩu, Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố chỉ đạo Chi cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với trường hợp nêu trên để xem xét có thực sự là quà biếu tặng hay không, hay có mối quan hệ mua bán nhưng không thể hiện hình thức thanh toán và có văn bản thông báo việc cấp giấy phép nhập khẩu gửi cho Cục Thuế địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký thuế thu nhập để Cục Thuế địa phương theo dõi, tính thuế theo quy định.”

Như vậy, căn cứ quy định hiện hành thì không có quy định hạn chế số lượng xe ô tô nhập khẩu theo hình thức quà biếu, tặng.

 

Câu hỏi 58: Tôi là nhân viên Tổng Lãnh sự quán, tôi được tạm nhập 01 xe ô tô miễn thuế theo tiêu chuẩn ngoại giao. Đề nghị Quý cơ quan cho biết hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô ?

Trả lời

Để được cấp giấy tạm nhập xe ô tô, miễn thuế theo tiêu chuẩn ngoại giao,Quý Ông/ Bà phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 19/2014/TT-BTC, ngày 11/02/2014 của Bộ Tài chính:

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy tạm nhập khẩu xe ôtô, xe gắn máy bao gồm:

a) Văn bản đề nghị tạm nhập khẩu xe: 01 bản chính.

b) Chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp (đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và 3 Điều 2 Thông tư này): 01 bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu.

c) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chính và 01 bản copy của hãng tàu (trừ trường hợp tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy qua cửa khẩu đường bộ).

d) Giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy hủy đăng ký lưu hành xe ô tô do cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển đi cấp: 01 bản dịch tiếng Việt có chứng thực từ bản chính, kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu (đối với trường hợp tạm nhập khẩu xe ô tô đang sử dụng là tài sản di chuyển).

e) Giấy xác nhận của cơ quan nơi đối tượng công tác tại Việt Nam (đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và 3 Điều 2 Thông tư này) về việc di chuyển tài sản hoặc thuyên chuyển nơi công tác từ nước khác đến Việt Nam: 01 bản chính.

f) Xuất trình Sổ định mức xe ô tô, xe gắn máy miễn thuế do Bộ Ngoại giao cấp để cơ quan Hải quan kiểm tra, đối chiếu.

g) Văn bản đồng ý tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy vượt định lượng của Bộ Ngoại giao (đối với trường hợp vượt tạm nhập khẩu vượt tiêu chuẩn định lượng): 01 bản chính.

2. Thủ tục cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy của cơ quan hải quan.

a) Trách nhiệm của đối tượng nêu tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này:

– Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

– Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy quy định tại khoản 1 Điều này cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở (đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này) hoặc nơi Cơ quan của đối tượng công tác đặt trụ sở (đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và 3 Điều 2 Thông tư này).

b) Trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy:

– Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và kiểm tra, đối chiếu tiêu chuẩn định lượng xe ô tô, xe gắn máy tại sổ định mức xe ô tô, xe gắn máy miễn thuế, nếu phù hợp thì lập phiếu tiếp nhận trả lời cho đối tượng đề nghị cấp giấy tạm nhập khẩu xe và thực hiện cấp giấy tạm nhập khẩu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn đối tượng đề nghị cấp giấy tạm nhập khẩu xe hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

– Mỗi xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu được cấp 01 bộ giấy tạm nhập khẩu gồm 03 bản (theo Mẫu số 01: G/2014/TNK OTO/XEMAY-NG ban hành kèm theo Thông tư này), giấy tạm nhập khẩu xe phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, chức danh người tạm nhập khẩu xe, nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe (xe chưa qua sử dụng/xe đã qua sử dụng) và thời hạn tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu xe theo thời gian công tác tại Việt Nam ghi trên chứng minh do Bộ Ngoại giao cấp (đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và 3 Điều 2 Thông tư này). Giấy tạm nhập khẩu xe có giá trị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp.

– Sau khi cấp giấy tạm nhập khẩu xe, cơ quan Hải quan nơi cấp giấy thực hiện ghi nội dung đã cấp giấy nhập khẩu vào Sổ định mức xe ô tô, xe gắn máy miễn thuế (ô dành cho xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu) do Bộ Ngoại giao cấp, đóng dấu xác nhận và giao cho đối tượng đề nghị cấp giấy cùng với 02 bản giấy tạm nhập (kèm 01 vận tải đơn đóng dấu treo của Cục Hải quan nơi cấp) để nộp cho Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập khẩu.

– Cập nhật thông tin liên hệ thống quản lý thông tin của Tổng cục Hải quan đối với xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu của đối tượng ưu đãi miễn trừ ngoại giao tại Việt Nam.

 

Câu hỏi 59: Tôi là nhân viên Tổng Lãnh sự quán, tôi đã hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Quý cơ quan cho biết hồ sơ, thủ tục để tái xuất xe ô tô như thế nào?

Trả lời:

Hồ sơ, thủ tục tái xuất khẩu xe ô tô khi hết nhiệm kỳ công tác thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 19/2014/TT-BTC, ngày 11/02/2014 của Bộ Tài Chính:

1. Hồ sơ tái xuất khẩu xe ô tô, xe gắn máy:

a) Văn bản đề nghị tái xuất khẩu xe: 01 bản chính có xác nhận của cơ quan nơi đối tượng công tác tại Việt Nam.

b) Văn bản của Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ địa phương nơi có cơ quan Lãnh sự đóng) về việc tái xuất khẩu xe: 01 bản chính.

c) Tờ khai hải quan tạm nhập khẩu xe (bản người khai lưu) có đóng dấu dùng cho “tái xuất hoặc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật”: 01 bản sao có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập.

d) Giấy thu hồi đăng ký, biển số xe ô tô, xe gắn máy do cơ quan Công an cấp: 01 bản chính.

e) Biên bản xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc xe ô tô, xe gắn máy bị tai nạn, thiên tai hoặc do nguyên nhân khách quan về kỹ thuật không tiếp tục sử dụng được: 01 bản chính (đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg).

2. Thủ tục tái xuất khẩu xe ô tô, xe gắn máy

a) Thủ tục tái xuất khẩu xe ô tô, xe gắn máy được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

b) Căn cứ vào hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thủ tục tái xuất khẩu theo quy định hiện hành đối với hàng hóa xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại. Trường hợp, nghi ngờ về tờ khai tạm nhập khẩu quy định tại điểm c, khoản 1 Điều này thì yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập khẩu xe cung cấp thông tin về tờ khai tạm nhập khẩu. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất có văn bản đề nghị, Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập khẩu xe có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất xe.

c) Kết thúc thủ tục tái xuất khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tái xuất khẩu xe ô tô, xe gắn máy có văn bản thông báo và sao gửi tờ khai tái xuất xe đã hoàn thành thủ tục hải quan cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu xe để thực hiện thanh khoản giấy tạm nhập khẩu xe theo quy định.

 

Câu hỏi 60: Tôi là nhân viên Tổng Lãnh sự quán, tôi đã hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, tôi muốn chuyển nhượng xe ô tô cho một người Việt Nam, đề nghị Quý cơ quan cho biết hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng xe ô tô như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 7 Thông tư số 19/2014/TT-BTC, ngày 11/02/2014 của Bộ Tài Chính, hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng xe ô tô, khi hết nhiệm kỳ công tác được quy định như sau:

1. Địa điểm làm thủ tục: Thủ tục cấp giấy chuyển nhượng và thủ tục chuyển nhượng thực hiện tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu xe.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển nhượng:

a) Đối với xe cơ quan

Văn bản đề nghị được chuyển nhượng xe: 01 bản chính.

b) Đối với xe cá nhân

– Văn bản đề nghị chuyển nhượng xe: 01 bản chính có xác nhận của cơ quan nơi đối tượng công tác tại Việt Nam; hoặc Văn bản đề nghị chuyển nhượng của cơ quan (đối với trường hợp được đối tượng quy định tại khoản 2 và 3 Điều 2 Thông tư này ủy quyền cho cơ quan nơi công tác thực hiện thủ tục chuyển nhượng xe).

– Chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp (đối với đối tượng quy định, tại khoản 2 và 3 Điều 2 Thông tư này): 01 bản chụp có xác nhận của cơ quan nơi đối tượng công tác và xuất trình bản chính để đối chiếu.

– Văn bản của Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ địa phương nơi có cơ quan Lãnh sự đóng) về việc chuyển nhượng xe: 01 bản chính.

– Giấy ủy quyền cho cơ quan nơi đối tượng công tác làm thủ tục chuyển nhượng xe: 01 bản chính.

– Giấy thu hồi đăng ký, biển số xe ô tô do cơ quan Công an cấp: 01 bản chính.

– Tờ khai hải quan tạm nhập khẩu xe (bản người khai lưu) có đóng dấu dùng cho “tái xuất hoặc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật”: 01 bản sao có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập.

– Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu phi mậu dịch (HQ/2011- PMD): 02 bản chính.

3. Thủ tục cấp giấy chuyển nhượng:

a) Trách nhiệm của đối tượng nêu tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này:

– Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

– Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển nhượng xe quy định tại khoản 2 Điều này cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu xe.

b) Trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chuyển nhượng xe:

– Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và kiểm tra, đối chiếu với điều kiện chuyển nhượng quy định tại Điều 9 Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg nếu phù hợp thì lập phiếu tiếp nhận trả lời cho đối tượng đề nghị cấp giấy chuyển nhượng và thực hiện cấp giấy chuyển nhượng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn đối tượng đề nghị cấp giấy chuyển nhượng để hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp, nghi ngờ về tờ khai tạm nhập khẩu quy định tại điểm d, khoản 2 Điều này thì yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập khẩu xe cung cấp thông tin về tờ khai tạm nhập khẩu. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất có văn bản đề nghị, Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập khẩu xe có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất xe.

– Mỗi xe ô tô tạm nhập khẩu được cấp 01 bộ giấy chuyển nhượng gồm 03 bản (theo Mẫu số 02: G/2014/CN- OTO – NG ban hành kèm theo Thông tư này), giấy chuyển nhượng phải ghi rõ: Tên cơ quan, địa chỉ (đối với xe cơ quan); họ tên, địa chỉ (đối với xe cá nhân) của đối tượng chuyển nhượng và đối tượng nhận chuyển nhượng; số, ngày tháng của giấy tạm nhập khẩu, tờ khai tạm nhập khẩu, nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ.

– Sau khi cấp giấy chuyển nhượng xe, giao cho đối tượng đề nghị cấp giấy chuyển nhượng 02 bản để đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 lưu 01 bản và giao cho đối tượng nhận chuyển nhượng 01 bản để làm thủ tục chuyển nhượng.

– Cập nhật thông tin lên hệ thống phần mềm quản lý của Tổng cục Hải quan đối với xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu của đối tượng ưu đãi miễn trừ ngoại giao.

4. Thủ tục chuyển nhượng:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này khai 02 tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu phi mậu dịch (HQ/2011-PMD).

b) Trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy chuyển nhượng xe ô tô:

– Căn cứ giấy chuyển nhượng xe, tờ khai hải quan quy định tại điểm … khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này và đối chiếu với thực tế xe để thực hiện thủ tục chuyển nhượng (bao gồm việc tính thuế, thu thuế theo quy định tại khoản 5 Điều này, trừ trường hợp đối tượng mua xe; nhận cho biếu, tặng là đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này). Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép chuyển nhượng xe, Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

– Trả 01 tờ khai HQ/2011-PMD (bản người khai lưu) và biên lai thu thuế cho đối tượng làm thủ tục chuyển nhượng hoặc người được ủy quyền làm thủ tục chuyển nhượng xe theo quy định của pháp luật để làm các thủ tục đăng ký lưu hành xe; hoặc thu bản sao giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc séc qua kho bạc nhà nước (có xác nhận của kho bạc nhà nước đã nhận tiền) hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng từ đối tượng làm thủ tục chuyển nhượng xe hoặc người được ủy quyền làm thủ tục chuyển nhượng xe theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện thanh khoản giấy tạm nhập khẩu xe theo quy định.

 

Câu hỏi 61: Tôi là nhân viên của Tổng Lãnh sự quán được tạm nhập 01 xe gắn máy đã qua sử dụng 04 năm, hết nhiệm kỳ công tác tôi muốn chuyển nhượng chiếc xe trên cho cá nhân là người Việt Nam có được không?

Trả lời:

Theo Khoản đ Điểm 4 Điều 9 Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg ngày 13/9/2013 của Chính Phủ về việc quy định điều kiện chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy có quy định: Đối với xe gắn máy: Không được chuyển nhượng tại Việt Nam.

Như vậy, đối với trường hợp xe gắn máy đã qua sử dụng 04 năm, hết nhiệm kỳ công tác, chuyển nhượng cho cá nhân là người Việt Nam thì không được phép chuyển nhượng.

 

Câu hỏi 62: Cơ quan tôi là Tổng Lãnh sự quán có 01 xe gắn máy đã 20 năm không thể sử dụng và chuyển nhượng, đề nghị Quý cơ quan cho biết các quy định về tiêu hủy để chúng tôi thực hiện tiêu hủy chiếc xe trên?

Trả lời:

Theo Điều 8 Thông tư số 19/2014/TT-BTC, ngày 11/02/2014 của Bộ Tài Chính, thủ tục tiêu hủy xe gắn máy trên được thực hiện như sau:

1. Trước khi thực hiện tiêu hủy xe, đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Thông tư này có văn bản thông báo Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy, văn bản phải ghi rõ tên, địa chỉ người tạm nhập xe, số, ngày tháng, năm giấy tạm nhập khẩu và tờ khai tạm nhập khẩu xe.

2. Thủ tục tiêu hủy xe thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường.

3. Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập xe ô tô/xe gắn máy căn cứ Biên bản tiêu hủy (bản chính) theo quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường đối chiếu với các thông tin liên quan đến xe (giấy tạm nhập, tờ khai tạm nhập và điều kiện quy định tại Điều 8 Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg) để thực hiện thanh khoản giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo quy định.

 

Câu hỏi 63: Xin cho hỏi định mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt khi xuất cảnh, nhập cảnh hiện nay?

Trả lời:

Theo Điều 2 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN quy định mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh như sau:

1. Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:

a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).

2. Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.

3. Mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam tiền mặt quy định phải khai báo Hải quan cửa khẩu quy định trên không áp dụng đối với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.

4. Việc gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN nêu trên.

 

Câu hỏi 64: Công ty chúng tôi đề nghị hướng dẫn thủ tục nhập khẩu rượu mẫu?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ có doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu mới được nhập trực tiếp rượu và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phảm của rượu nhập khẩu. Rượu nhập khẩu phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi thông quan và phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng theo các quy định hiện hành.

Trong trường hợp doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu thì liên hệ Bộ Công thương để được xem xét giải quyết. Nếu có vướng mắc về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với rượu làm hàng mẫu thì đề nghị doanh nghiệp liên hệ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để được xem xét giải quyết.

Hồ sơ, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

 

Câu hỏi 65: Tôi được người thân ở nước ngoài gửi biếu 10 hộp thuốc lá điếu xì gà, tôi có được phép nhập khẩu mặt hàng này không?

Trả lời:

Theo hướng dẫn tại công văn số 11075/BCT-XNK, ngày 29/11/2011 của Bộ Công Thương:

Thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần quản lý chặt chẽ và yêu cầu này ngày một cao hơn. Việc cho phép nhập khẩu thuốc lá là quà biếu, quà tặng theo loại hình phi mậu dịch, thậm chí còn được miễn thuế sẽ tạo kẽ hở trong việc nhập khẩu thuốc lá, rất khó kiểm soát đối tượng gửi, nhận, tần suất nhận và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, ngoài việc nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà theo định mức quà biếu, quà tặng nhập khẩu được miễn thuế (quy định tại Nghị định số 65/2002/NĐ-CP) không cho phép nhập khẩu thuốc lá điếu xì gà dưới dạng quà biếu, tặng theo loại hình phi nhậu dịch.

Như vậy, trường hợp người thân ở nước ngoài gửi biếu 10 hộp thuốc lá điếu xì gà thì không được phép nhập khẩu dưới dạng quà biếu, tặng theo loại hình phi mậu dịch.

 

Câu hỏi 66: Tôi được người em bên Mỹ gửi tặng 01 điện thoại Iphone 6 mới 100%. Trường hợp này tôi có phải xin giấy phép của Bộ Thông tin Truyền thông hay không?

Trả lời:

Mặt hàng của Ông/Bà không phải xin phép Bộ Thông tin Truyền thông vì: Căn cứ Điều 3 Thông tư 18/2014/TT-BTTT ngày 26/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các trường hợp được miễn giấy phép nhập khẩu, theo đó: Điện thoại di động mặt đất phục vụ cho mục đích cá nhân thuộc đối tượng được miễn giấy phép nhập khẩu.

 

Câu hỏi 67: Tôi có người thân ở nước ngoài gửi tặng 05 bộ quần áo trẻ em dưới 04 tuổi mới 100% qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Xin hỏi mặt hàng này có phải kiểm tra hàm lượng FORMALDEHYT hay không?

Trả lời:

Mặt hàng quần áo trẻ dưới 04 tuổi mới 100% là quà biếu với số lượng 05 bộ như nêu trên không phải kiểm tra hàm lượng FORMALDEHYT theo hướng dẫn tại công văn số 1793/BCT-KHCN, ngày 11/02/2010 và công văn số 9688/BCT-KHCN, ngày 27/9/2010 của Bộ Công Thương.

 

Câu hỏi 68: Công ty tôi nhập khẩu xe ô tô cứu thương mới 100% theo loại hình viện trợ phi mậu dịch thì cần những giấy tờ gì? có phải xin giấy phép nhập khẩu phi mậu dịch tại Cục Hải quan không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 17 Chương 4 Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định nguyên tắc cụ thể trong việc thực hiện các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài: “Các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (ngoại trừ cứu trợ khẩn cấp) chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền quy định tại điều 15 quy chế này phê duyệt và được cơ quan chủ quản thông báo chính thức bằng văn bản cho bên tài trợ”; “Cơ quan chủ quản chỉ thông báo cho bên tài trợ gửi hàng khi được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt tiếp nhận.”

Căn cứ Mục I thông tư 109/2007/TT-BTC, ngày 10/09/2007 của Bộ Tài Chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ phi Chính Phủ nước ngoài không thuộc nguồn thu ngân sách Nhà Nước.

Hồ sơ, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính; trong đó phải có tờ khai xác nhận viện trợ nhân đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp NK hàng viện trợ nhân đạo: 1 bản chính”

Đối với ô tô NK phải có giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới NK, chỉ được thông quan khi có giấy chứng nhận chất lượng theo quy định Thông tư 31/2011/TT-BGTVT, ngày 15/04/2011 của Bộ Giao thông Vận tải.

Đối với loại hình này không có quy định về việc Cục phải cấp phép để quản lý.

 

II. CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

 

Câu 69: Thủ tục nhập khẩu máy biến tần cũ và máy móc đã qua sử dụng từ Trung Quốc và các văn bản quy định dán nhãn năng lượng, kiểm soát năng lượng tối thiểu được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo thông báo số 2527/TB-BKHCN ngày 06/9/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trường hợp máy móc thiết bị đã qua sử dụng của doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế khi nhập khẩu phải xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu máy móc thiết bị đã qua sử dụng không thuộc trường hợp trên thì: Lô hàng nhập khẩu có hợp đồng ký trước ngày 09/8/2013 và máy móc thiết bị đã qua sử dụng mua từ các khu chế xuất hoặc thiết bị gia công được biếu tặng thì thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành. Lô hàng nhập khẩu có hợp đồng mua bán ký sau ngày 09/8/2013 việc nhập khẩu thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp có công văn cam kết máy móc thiết bị đã qua sử dụng đảm bảo các yêu cầu về an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Việc dán nhãn năng lượng và hiệu suất năng lượng tối thiểu thực hiện theo quy định tại Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011, Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013, Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểi và lộ trình thực hiện.

 

Câu 70: Thủ tục nhập khẩu máy cưa, máy tiện đã qua sử dụng thực hiện như thế nào?

          Trả lời:

1. Về chính sách xuất nhập khẩu:

Mặt hàng máy cưa, máy tiện đã qua sử dụng không thuộc danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện hoặc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.

2. Về thủ tục hải quan:

Thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, đồng thời có văn bản cam kết máy móc thiết bị đã qua sử dụng đảm bảo các yêu cầu an toàn và đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định tại công văn 3016/BKHCN-ĐTG ngày 13/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Câu 71: Thủ tục nhập khẩu máy cày tay cũ nhập khẩu từ nhật bản, có mã lực nhỏ hơn 50 sức ngựa thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Mặt hàng Máy cày tay cũ không thuộc danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện hoặc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.

Thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, đồng thời có văn bản cam kết máy móc thiết bị đã qua sử dụng đảm bảo các yêu cầu an toàn và đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định tại công văn 3016/BKHCN-ĐTG ngày 13/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Câu 72: Thủ tục nhập khẩu tàu đánh cá cũ từ Hàn Quốc về Việt Nam thực hiện ra sao?

Trả lời:

Căn cứ Điều 5 Nghị định 52/2010/NĐ-CP ngày 17/5/2010 của Chính phủ quy định tàu cá nhập khẩu. Theo đó: Điều kiện nhập khẩu tàu cá đã qua sử dụng:

Đảm bảo các điều kiện quy định là có nguồn gốc hợp pháp, có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Có trang bị công cụ khai thác, thiết bị bảo quản thủy sản tiên tiến (đối với tàu khai thác và dịch vụ khai thác thủy sản). Tuổi của tàu (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu). Không quá 5 tuổi đối với tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ gỗ. Không quá 8 tuổi đối với tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ thép. Máy chính của tàu (tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu) không nhiều hơn 2 năm so với tuổi của tàu. Được cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam kiểm tra và xác nhận tình trạng kỹ thuật và trang thiết bị phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu cá.

 

Câu 73: Thủ tục nhập khẩu xe ôtô 7 chỗ ngồi mới 100% từ Mỹ về để kinh doanh thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Ngoài hồ sơ thủ tục hải quan tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, phải nộp bổ sung những giấy tờ theo quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công thương: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân. Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

Xe ôtô nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng theo quy định hiện hành.

 

Câu 74: Thủ tục nhập khẩu xe ô tô qua sử dụng thực hiện theo quy định nào?

Trả lời:

Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ tại khoản 1a, Điều 9 quy định: Ô tô các loại đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu nếu bảo đảm đủ điều kiện loại đã qua sử dụng không quá 5 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

Ô tô đã qua sử dụng được đăng ký thời gian tối thiểu là 6 tháng và được chạy quãng đường tối thiểu là 10.000km tính đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam và phải kiểm tra chất lượng nhà nước theo quy định.

Thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính; Công ty còn phải nộp giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận lưu hành, giấy hủy giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy hủy giấy chứng nhận lưu hành do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi ô tô được đăng ký lưu hành cấp.

Trị giá và căn cứ tính thuế: Ô tô đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải nộp thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế giá trị gia tăng; Luật Hải quan và Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

 

Câu 75: Thủ tục nhập khẩu máy X – Quang di động dùng trong thú y như thế nào?

Trả lời:

Mặt hàng thiết bị X-quang thú y nhập khẩu không sử dụng trực tiếp cho người nên không thuộc danh mục được cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Do đó, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đề nghị Công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập để làm thủ tục nhập khẩu.

 

Câu 76: Thủ tục nhập khẩu thiết bị dùng trong nuôi trồng thủy sản thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Đối với thiết bị dùng trong nuôi trồng thủy sản không thuộc danh mục cấm nhập hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.

Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Câu 77: Thủ tục nhập khẩu mua lại hàng hóa có xuất xứ Việt nam đã xuất khẩu thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Hàng nhập khẩu là của Công ty xuất khẩu, có xuất xứ Việt Nam đã xuất khẩu và đã thanh toán đầy đủ theo hợp đồng thương mại. Nay Công ty mua lại lô hàng đã xuất khẩu thì được xem như hàng hóa mua bán bình thường theo Luật Thương mại. Như vậy, khi nhập khẩu Công ty thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu kinh doanh thương mại.

Cá tra Fille đông lạnh là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kiểm dịch theo quy định.

 

Câu 78: Thủ tục nhập khẩu tôm hùm giống thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Do Doanh nghiệp không nêu rõ tên khoa học (Latin) của mặt hàng tôm hùm nên chúng tôi không có cơ sở tư vấn chính xác mặt hàng có thuộc diện phải xin phép hay không. Đề nghị Công ty đối chiếu tên khoa học (latin) của mặt hàng tôm giống với quy định tại Phụ lục 3 ban hành danh mục giống thủy sản nhập khẩu có điều kiện kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục nhập khẩu thông thường. Doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng cục Thủy sản theo địa chỉ số Nguyễn Công Hoan, Ba Đình Hà Nội, điện thoại: 0437245370 để được biết thêm chi tiết.

Thủ tục nhập khẩu giống thủy sản thực hiện hiện theo Điều 32 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch động vật theo quy định hiện hành.

Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính.

 

Câu 79: Thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vi sinh thực hiện theo quy định nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi được được quy định cụ thể tại Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015, Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT ngày 10/10/2011 và Thông tư 26/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/6/2012 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, theo đó:

1/ Đối với thức ăn chăn nuôi đã có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân làm thủ tục tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Chương III Thông tư này. Thủ tục hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính.

2/ Đối với thức ăn chăn nuôi chưa có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam khi nhập khẩu phải có quyết định công nhận thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc được phép lưu hành tại Việt Nam của Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Chương III Thông 66/2011/BNNPTNT.

 

Câu 80: Thủ tục nhập khẩu phân bón PK thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu phân bón thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón; khi nhập khẩu phân bón phải thực hiện chứng nhận, công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác theo quy định. Thông tư 29/2014/TT-bct ngày 30/9/2014 của Bộ Công thương, Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn Nghị định 202/2013/NĐ-CP, quy định: Trường hợp nhập khẩu phân bón để sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp phải nộp: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp, chỉ xuất trình khi nhập khẩu lần đầu. Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy lô phân bón nhập khẩu do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp.

Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định phân bón có tên trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam; phân bón có tên trong danh sách phân bón đã công bố hợp quy khi nhập khẩu không cần giấy phép

Phân bón NPK nhập khẩu phải xin giấy phép nhập khẩu tự động theo Thông tư 35/2014/TT-BCT ngày 15/10/2014 của Bộ Công thương quy định chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón.

 

Câu 81: Thủ tục về việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu có hiệu lực thực hiện từ ngày 15/6/2015 quy định:

Tại khoản 1 Điều 59 quy định : Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc. Số tiền ký quỹ được quy định tại Điều 58 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

Tại khoản 2 Điều 59 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quy định: Sau khi nhận ký quỹ, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại xác nhận việc ký quỹ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu. Bản sao chứng thực của giấy xác nhận ký quỹ phải được nộp kèm theo hồ sơ thông quan đối với phế liệu nhập khẩu, chấp nhận bản sao của ngân hàng ký quỹ.

Tại khoản 6 Điều 64 Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trước khi Nghị định này có hiệu lực, được phép tiếp tục nhập khẩu phế liệu đến hết thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.                                        Như vậy, ngoài Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu còn hiệu lực, Công ty còn phải nộp Bản sao chứng thực của giấy xác nhận ký quỹ phải được nộp kèm theo hồ sơ thông quan đối với phế liệu nhập khẩu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 59 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

 

Câu 82: Đề nghị hướng dẫn thủ tục hải quan trong giai đoạn đổi tên công ty cũ thành tên mới đối với giấy phép nhập khẩu?

          Trả lời:

Mặt hàng thuốc, nguyên liệu thuốc khi nhập khẩu thuộc diện phải xin giấy phép theo quy định tại Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc, về nguyên tắc khi nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép thì hàng hóa đó và hồ sơ hải quan phải phù hợp nội dung giấy phép được cấp. Do đó, đề nghị VPĐD Jebsen & Jessen Chemicals Holding PTe. Ltd liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế để được điều chỉnh giấy phép hoặc có xác nhận từ tên công ty cũ sang tên công ty mới trước khi làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thuốc.

 

Câu 83: Thủ tục nhập khẩu trang thiết bị y tế như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Thông tư 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2014 của Bộ Y tế thì:

– Tại Điều 2 quy định: Trang thiết bị y tế là các loại thiết bị, dụng cụ, vật tư, hoá chất, kể cả phần mềm cần thiết, được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau phục vụ cho con người nhằm mục đích: Ngăn ngừa, kiểm tra, chẩn đoán, điều trị, làm giảm nhẹ bệnh tật hoặc bù đắp tổn thương; Kiểm tra, thay thế, sửa đổi, hỗ trợ phẫu thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Hỗ trợ hoặc duy trì sự sống; Kiểm soát sự thụ thai; Khử trùng trong y tế (không bao gồm hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế); Vận chuyển chuyên dụng phục vụ cho hoạt động y tế.

– Tại khoản 3 Điều 4 quy định: Đơn vị nhập khẩu không phải xin giấy phép nhập khẩu đối với các trang thiết bị y tế không nằm trong danh mục quy định tại Phụ lục 1 trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

– Tại khoản 3a Điều 5 quy định: Đối với trang thiết bị y tế ngoài danh mục quy định tại Phụ lục 1 nhưng thiết bị đó ứng dụng các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới và lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam: Ngoài các điều kiện, hồ sơ thủ tục xin giấy phép nhập khẩu như quy định tại khoản 1, Điều 5, trang thiết bị y tế xin nhập khẩu phải có kết quả đánh giá thử nghiệm lâm sàng và được Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Bộ Y tế thẩm định, cho phép thì mới được phép nhập khẩu.

 

Câu 84: Thủ tục nhập khẩu mặt hàng mỹ phẩm như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu mỹ phẩm được thực hiện theo Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm. Theo đó: Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.

 

Câu 85: Thủ tục nhập khẩu mặt hàng thuốc chữa bệnh và vỏ nang rỗng dùng trong dược phẩm như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh và vỏ nang rỗng dùng trong dược phẩm được thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 hướng dẫn XNK thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc của Bộ Y tế và Thông tư 38/2013/TT-BYT ngày 15/11/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn bổ sung thông tư 47/2010/TT-BYT. Theo đó:

1/Thuốc có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực, được nhập khẩu theo nhu cầu không phải đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu hoặc xác nhận đơn hàng nhập khẩu.

Thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý dược- Bộ Y tế bao gồm:

Thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế chưa có số đăng ký;

Bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.

Khi làm thủ tục thông quan, doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc phải xuất trình Hải quan cửa khẩu bản chính phiếu kiểm nghiệm của cơ sở sản xuất chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho từng lô thuốc nhập khẩu của nhà sản xuất

Thương nhân nhập khẩu thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của thuốc nhập khẩu theo quy định của Luật Dược, Luật Thương mại và các quy định khác về quản lý chất lượng thuốc hiện hành.

2. Hạn dùng của thuốc nhập khẩu:

Thuốc thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam có hạn dùng trên 24 tháng thì hạn dùng còn lại tối thiểu phải là 18 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Đối với thuốc có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thì hạn dùng phải còn tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam;

 

          Câu 86: Về việc tên hàng khai báo và giấy phép lưu hành sản phẩm có sự khác biệt với tên hàng trên giấy chứng nhận của nhà sản xuất và đề nghị được mang hàng về bảo quản công ty phải thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 10 Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế quy định nhập khẩu thuốc có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực, Danh nghiệp nhập khẩu phải nộp Giấy phép lưu hành sản phẩm hoặc Quyết định cấp số đăng ký lưu hành; các văn bản cho phép thay đổi, bổ sung, đính chính khác (nếu có); theo đó: Mặt hàng nhập khẩu tân dược Exelon Patch của Công ty đã được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép lưu hành ngày 04/3/2014, thực tế mặt hàng nhập khẩu là Exelon Patch 10 là chưa phù hợp với giấy phép lưu hành. Do vậy, đề nghị Công ty liên hệ với Cục Quản lý Dược để được xác nhận nội dung thay đổi của giấy phép với hàng hóa thực nhập.

Về việc đề nghị mang hàng về bảo quản thuộc thẩm quyền của Chi cục, đề nghị Công ty liên hệ với Chi cục nơi làm thủ tục hải quan cho lô hàng để được giải quyết.

 

          Câu 87: Thủ tục nhập khẩu kính áp tròng thời trang không độ thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Mặt hàng kính áp tròng thời trang không độ không nằm trong danh mục trang thiết bị y tế được nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2011 thì không phải xin giấy phép nhập khẩu. tuy nhiện, quá trình làm thủ tục hải quan nếu có nghi vấn, cơ quan hải quan trưng cầu giám định để xác định hàng hóa nhập khẩu nếu không đúng khai báo thì DN sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Câu 88: Thủ tục nhập khẩu chế phẩm diệt khuẩn dùng sát khẩn tay trong cơ sở y tế và gia dụng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Thông tư số 29/2011/TT-BYT ngày 30/6/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, theo đó: những chế phẩm đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành thì doanh nghiệp được làm thủ tục nhập khẩu trực tiếp tại chi cục Hải quan cửa khẩu nhập, chế phẩm nào chưa cấp số đăng ký lưu hành thì đề nghị doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế để được xem xét, hướng dẫn cụ thể.

 

Câu 89: Về việc đề nghị thông quan hóa chất phục vụ nghiên cứu công ty phải thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu hóa chất thực hiện theo quy định tại Nghị định 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 và Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một một số điều của Luật Hóa chất, theo đó: Đối tượng áp dụng là đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ví dụ: Cồn etylic và rượu mạnh khác, đã biến tính, ở mọi nồng độ thuộc danh mục hóa chất phải khai báo theo quy định tại phụ lục V Nghị định 26/2011/NĐ-CP thì: Trước khi thông quan hóa chất, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện việc khai báo hóa chất với Bộ Công thương.

 

          Câu 90: Thủ tục nhập khẩu hóa chất xét nghiệm thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 7 Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế quy định các trường hợp nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế gồm: Thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế chưa có số đăng ký.

Căn cứ Điều 4 Thông tư 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2011 của Bộ Y tế thì: vật tư, hóa chất (được xếp vào trang thiết bị y tế) không nằm trong phụ lục 1 ban hành kèm theo theo thông này không phải xin phép nhập khẩu.

Đề nghị doanh nghiệp xem lại hàng hóa mình nhập khẩu là sinh phẩm y tế hay hóa chất xét nghiệm để thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

 

          Câu 91: Thủ tục nhập khẩu hóa chất là các chất thử chẩn đoán sử dụng trên máy xét nghiệm thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Thông tư 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2014 của Bộ Y tế thì:

– Tại Điều 2 quy định: Trang thiết bị y tế là các loại thiết bị, dụng cụ, vật tư, hoá chất, kể cả phần mềm cần thiết, được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau phục vụ cho con người nhằm mục đích: Ngăn ngừa, kiểm tra, chẩn đoán, điều trị, làm giảm nhẹ bệnh tật hoặc bù đắp tổn thương; Kiểm tra, thay thế, sửa đổi, hỗ trợ phẫu thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Hỗ trợ hoặc duy trì sự sống; Kiểm soát sự thụ thai; Khử trùng trong y tế (không bao gồm hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế); Vận chuyển chuyên dụng phục vụ cho hoạt động y tế.

– Tại khoản 3 Điều 4 quy định: Đơn vị nhập khẩu không phải xin giấy phép nhập khẩu đối với các trang thiết bị y tế không nằm trong danh mục quy định tại Phụ lục 1 trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

– Tại khoản 3a Điều 5 quy định: Đối với trang thiết bị y tế ngoài danh mục quy định tại Phụ lục 1 nhưng thiết bị đó ứng dụng các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới và lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam: Ngoài các điều kiện, hồ sơ thủ tục xin giấy phép nhập khẩu như quy định tại khoản 1, Điều 5, trang thiết bị y tế xin nhập khẩu phải có kết quả đánh giá thử nghiệm lâm sàng và được Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Bộ Y tế thẩm định, cho phép thì mới được phép nhập khẩu.

 

Câu 92: Thủ tục nhập khẩu hệ thống báo cháy tự động thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 31/03/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy và Thông tư số 11/2014/TT-BCA ngày 12/3/2014 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ thì việc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy không yêu cầu phải có giấy phép. Tuy nhiên, những mặt hàng này thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an theo Thông tư số 14/TT-BCA ngày 20/3/2012 khi nhập khẩu cần phải kiểm định chất lượng theo quy định. Do đó, đề nghị Doanh nghiệp liên hệ với Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Bộ Công an) để được hướng dẫn cụ thể.

 

Câu 93: Thủ tục nhập khẩu camera quan sát thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì mặt hàng Doanh nghiệp hỏi không thuộc danh mục hàng cấm nhập hay hàng nhập khẩu có điều kiện. Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và hàng không thuộc danh mục kiểm tra chất lượng nhà nước theo quy định hiện hành.

 

Câu 94: Thủ tục nhập khẩu điện thoại di động thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Mặt hàng điện thoại di động thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải xin giấy phép theo quy định tại Thông tư số 18/2014/TT-BTTTT ngày 26/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Thông tư này: Các trường hợp được miễn giấy phép nhập khẩu đối với trường hợp điện thoại di động mặt đất (không miễn giấy phép nhập khẩu đối với điện thoại di động vệ tinh) ký gửi cùng chuyến hoặc không cùng chuyến của người nhập cảnh hoặc được nhập khẩu theo đường bưu chính, dịch vụ chuyển phát quốc tế để phục vụ cho mục đích cá nhân; điện thoại di động mặt đất tạm xuất, tái nhập để phục vụ mục đích bảo hành, sửa chữa, thay thế với điều kiện còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu.

 

Câu 95: Thủ tục nhập khẩu mặt hàng máy in công nghiệp loại sử dụng công nghệ kỹ thuật số, loại offset, flexo, ống đồng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 27 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ quy định nhập khẩu thiết bị in và Thông tư 16/2015/TT-BTTTT ngày 17/6/2015 của Bộ thông tin và truyền thông. Theo đó, Máy in sử dụng công nghệ kỹ thuật số, ốp-xét (offset), flexo, ống đồng; máy in lưới (lụa) khi nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

          Câu 96: Thủ tục nhập khẩu thiết bị định tuyến, điểm truy cập không dây thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, mặt hàng thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến thuộc diện thiết bị định tuyến, điểm truy cập không dây thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải xin giấy phép theo quy định tại Thông tư số 18/2014/TT-BTTTT ngày 26/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính.

 

Câu 97: Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu về phục vụ sản xuất thực phẩm chức năng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì: “Tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định…”. Như vậy, đối với mặt hàng nhập khẩu của Doanh nghiệp, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu về phục vụ sản xuất thực phẩm chức năng chiết xuất từ mào gà là sản phẩm động vật thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 45/2005/QĐ-BNNPTNT ngày 25/7/2005 của Bộ Nông nghiệp phát triển và Nông thôn.

 

Câu 98: Thủ tục nhập khẩu than hoạt tính và cát để lọc nước có phải xin giấy phép hay không?

Trả lời:

Mặt hàng than hoạt tính, cát dùng để lọc nước không thuộc diện hàng cấm và hàng nhập khẩu theo giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành đã được quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. Thủ tục hải quan được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập. Đề nghị liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai để được hướng dẫn chi tiết.
Câu 99: Thủ tục nhập khẩu bóng đèn sợi đốt công xuất trên 60W cho tàu biển thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo tại Quyết định 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 của Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện thì đối với các sản phẩm đèn tròn (đèn sợi đốt) từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn có công suất lớn hơn 60W. Các sản phẩm đèn sợi đốt có đặc tính kỹ thuật đặc biệt sử dụng trong một số mục đích chuyên dụng vẫn được nhập khẩu, tuy nhiên việc phân biệt chủng loại sản phẩm này phức tạp cần được kiểm tra xác minh thông số kỹ thuật cụ thể.

 

Câu 100: Về việc giải quyết vướng mắc về giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng khi làm thủ tục thông quan công ty phải thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Quyết định số 51/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì: Đối với các nhóm thiết bị công nghiệp, thiết bị văn phòng và thương mại từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục và tiêu chuẩn áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu phải thực hiện theo quy định hiện hành.

 

Câu 101: Thủ tục hải quan đối với hàng hóa phải làm thủ tục dán nhãn năng lượng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 2, Điều 3 Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 của Chính phủ thì: Đối với các nhóm thiết bị công nghiệp, thiết bị văn phòng và thương mại từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc; từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục và tiêu chuẩn áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Theo hướng dẫn tại công văn 4142/TCHQ-GSQL ngày 07/5/2015 của Tổng cục Hải quan, đối với phương tiện thiết bị thuộc danh mục dán nhãn năng lượng theo Quyết định 51/2011/QĐ-TTg cơ quan Hải quan tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6772/TCHQ-GSQL ngày 13/11/2013 của Tổng cục Hải quan. Cơ quan Hải quan không kiểm tra nội dung dán nhãn năng lượng.

Thực hiện công văn số 3854/BCT-TCNL ngày 21/4/2015 của Bộ Công thương, đối với phương tiện thiết bị kiểm soát hiệu suất năng lượng theo Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Chính phủ thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ chứng từ về phù hợp mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (Phiếu thử nghiệm trên mức hiệu suất tối thiểu do Phòng thử nghiệm được Bộ Công thương chỉ định cấp hoặc Quyết định chứng nhận dán nhãn năng lượng) để tiến hành thông quan hàng hóa.

 

Câu 102: Thủ tục xuất khẩu rác thải điện tử thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Mặt hàng rác thải điện tử xuất khẩu có mã EC 160215 thuộc danh mục chi tiết của các CTNH và chất thải có khả năng là CTNH theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại. Khi xuất khẩu chất thải nguy hại (CTNH) phải có giấy phép của Tổng cục Môi trường theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ tài nguyên và Môi trường

 

Câu 103: Thủ tục xuất khẩu bao bì hộp giấy thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì mặt hàng Doanh nghiệp hỏi không thuộc danh mục hàng cấm xuất hay hàng xuất khẩu có điều kiện. Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính. Tuy nhiên, nếu mặt hàng của doanh nghiệp chứa, mang những yếy tố thuộc đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp phải tuân thủ theo pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành.

 

Câu 104: Thủ tục xuất khẩu đá ốp lát thực hiện như thế nào?

Trả lời:

1/ Mặt hàng đá ốp lát: Khi xuất khẩu phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Phụ lục I về danh mục, tiêu chuẩn và điều kiện xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo Thông số 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ Xây dựng.

2/ Giấy tờ về khoáng sản: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông số 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ Xây dựng.

 

Câu 105: Thủ tục xuất khẩu nhôm thỏi thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Về chính sách mặt hàng:

Mặt hàng nhôm thỏi không nằm trong Danh mục hàng hàng hóa cấm xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Do vậy, thủ tục Hải quan được được thực hiện bình thường như những hàng hóa xuất khẩu thương mại khác.

 

          Câu 106: Thủ tục xuất khẩu tượng đá và bàn ghế đá thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì mặt hàng sản phẩm bằng đá không thuộc danh mục cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện. Mặt hàng này Doanh nghiệp được xuất khẩu không cần có ngành nghề, điều kiện kinh doanh phù hợp.

Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Câu 107: Thủ tục xuất khẩu thức ăn thủy sản (dành cho cá) thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì mặt hàng thức ăn thủy sản không thuộc danh mục cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện. Mặt hàng này Doanh nghiệp được xuất khẩu không cần có ngành nghề, điều kiện kinh doanh phù hợp.

Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Câu 108: Về việc xuất khẩu cát màu thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Mặt hàng cát xây dựng (cát tự nhiên) không được phép xuất khẩu theo quy định tại Phụ lục 2 Danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng không được phép xuất khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ Xây dựng. Trường hợp đặc biệt cần thiết có nhu cầu xuất khẩu thì Bộ Xây dựng báo cáo thủ tướng Chính phủ để quyết định.

Đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Xây dựng để được xem xét.

 

Câu 109: Thủ tục xuất khẩu phấn viết bảng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

1/ Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì mặt hàng phấn viết bảng không thuộc danh mục cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện.

2/ Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Câu 110: Vướng mắc hồ sơ nguồn gốc trong làm thủ tục xuất khẩu đá xây dựng xử lý như thế nào?

Trả lời:

Ngoài hồ sơ xuất khẩu hàng hóa theo quy định hiện hành, thì các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc khoáng sản mà doanh nghiệp mua để xuất khẩu, khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan thực hiện theo Thông tư Số 04/2012/TT- BXD ngày 20 tháng 9 năm 2012 của Bộ Xây dựng hư­ớng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng, theo đó tại khoản 3c Điều 5 quy định: Đối với doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hoạt động xuất khẩu khoáng sản mua khoáng sản đã qua chế biến để xuất khẩu: Doanh nghiệp phải có hợp đồng mua bán, bản sao công chứng các giấy phép khai thác khoáng sản, hoá đơn thuế giá trị gia tăng và giấy chứng nhận đầu tư dự án chế biến khoáng sản của bên bán.

 

Câu 111: Thủ tục xuất khẩu sản phẩm thuốc lá ủy thác thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ khoản 3a Điều 30 Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, theo đó: Thương nhân được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá được xuất khẩu sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Trường hợp thương nhân nhận ủy thác xuất khẩu sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc hợp pháp từ thương nhân có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá thì thương nhân nhận ủy thác xuất khẩu phải có một trong ba loại giấy phép trên.

Việc giấy ủy quyền sử dụng nhãn hiệu nếu mang những yếu tố thuộc đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp phải tuân thủ theo pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành.

 

Câu 112: Thủ tục tạm xuất khẩu tàu mới theo hợp đồng cho thuê thực hiện như thế nào?

Trả lời:

1/ Thủ tục xuất khẩu:

Hồ sơ hải quan xuất khẩu tàu thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển và hướng dẫn tại Điều 53 Thông tư 128/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.

2/ Loại hình xuất khẩu:

Căn cứ Điều 13 Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thương nhân được tạm xuất, tái nhập các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải để sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê theo các hợp đồng sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê với nước ngoài. Như vậy, doanh nghiệp mở tờ khai theo loại hình tạm xuất – tái nhập, doanh nghiệp làm thủ tục tạm xuất, tái nhập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu. Thời hạn tạm xuất, tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Chi cục Hải quan cửa khẩu.

 

Câu 113: Về việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ khoản 3 Điều 17 Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, theo đó: Thương nhân phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin nội dung hợp đồng đã đăng ký; chỉ được thực hiện giao hàng sau khi hợp đồng đã được đăng ký theo quy định; xuất trình hợp đồng xuất khẩu đã được đăng ký với cơ quan hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu.

Căn cứ khoản 4 Điều 5 Thông tư 44/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 của bộ Công thương thì: Trường hợp có sự điều chỉnh nội dung hợp đồng đã đăng ký, thương nhân phải ký phụ lục hợp đồng và đăng ký phụ lục đó tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày phụ lục hợp đồng được ký kết.

Khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, Cơ quan Hải quan chỉ tiếp nhận hợp đồng xuất khẩu khi có xác nhận của Hiệp hội Lương thực.

 

III. ĐẠI LÝ HẢI QUAN

 

Câu hỏi 114: Xin cho biết Đại lý làm thủ tục hải quan được thay mặt chủ hàng thực hiện những nội dung gì?

Trả lời:

Theo Điều 5 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính:

1. Đại lý làm thủ tục hải quan là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan, thay mặt người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi chung là chủ hàng) thực hiện việc khai hải quan; nộp, xuất trình bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định và thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công việc liên quan đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hợp đồng ký với chủ hàng, gồm:

a) Xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật.

b) Vận chuyển, làm thủ tục hải quan đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Cung cấp dịch vụ tư vấn về thủ tục hải quan và quản lý thuế cho chủ hàng.

d) Nộp các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

e) Thực hiện thủ tục miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, xét hoàn thuế, giảm thuế, xét giảm thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

f) Thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan.

g) Thực hiện các thủ tục hành chính khác với cơ quan hải quan.

2. Đại lý làm thủ tục hải quan (giám đốc hoặc người được giám đốc ủy quyền theo quy định của pháp luật) phải ký hợp đồng đại lý với chủ hàng; người được cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện việc khai và làm thủ tục hải quan trên cơ sở hợp đồng đại lý đã ký với chủ hàng; đại lý làm thủ tục hải quan chỉ xuất trình hợp đồng đại lý cho cơ quan hải quan khi xác định hành vi vi phạm pháp luật hải quan về hải quan. Giám đốc đại lý hoặc người được giám đốc ủy quyền theo quy định của pháp luật thực hiện việc ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan khi thực hiện các công trên.

 

Câu hỏi 115: Xin cho biết hồ sơ để công nhận đại lý làm thủ tục hải quan và thẩm quyền cơ quan công nhận?

Trả lời:

Theo Điều 6 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, hồ sơ để công nhận đại lý làm thủ tục hải quan và thẩm quyền công nhận quy định như sau:

1. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan lập hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện làm đại lý làm thủ tục hải quan gửi Tổng cục Hải quan. Hồ sơ gồm:

a) Thông báo đủ điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 04 ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 bản chụp;

c) Hồ sơ đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

Các chứng từ bản chụp do Giám đốc đại lý làm thủ tục hải quan ký tên, đóng dấu xác nhận.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 05 ban hành kèm Thông tư này, cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này và cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Trường hợp không đủ điều kiện thì có văn bản trả lời doanh nghiệp.

3. Trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan có Chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác nếu Chi nhánh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan thì được công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan. Thủ tục công nhận thực hiện theo quy định tại Điều này.

4. Khi thay đổi tên, địa chỉ, đại lý làm thủ tục hải quan có công văn đề nghị kèm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư gửi Tổng cục Hải quan để sửa đổi trên Quyết định công nhận đại lý làm thủ tục hải quan và cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

 

Câu hỏi 116: Xin cho biết khi nào cơ quan hải quan tạm dừng hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan, thẩm quyền ra quyết định tạm dừng thuộc cơ quan nào ?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài Chính, việc tạm dừng hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan và thẩm quyền ra quyết định tạm dừng quy định như sau:

1. Khi phát hiện đại lý làm thủ tục hải quan hoạt động không đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan hoặc không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để ra quyết định tạm dừng hoạt động theo mẫu số 06 ban hành kèm Thông tư này.

2. Sau khi bị tạm dừng làm thủ tục hải quan, nếu đại lý làm thủ tục hải quan có công văn đề nghị, Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra, xác minh đáp ứng đủ điều kiện thì báo cáo Tổng cục Hải quan có văn bản xác nhận để đại lý làm thủ tục hải quan được tiếp tục hoạt động.

3. Trong thời hạn 06 tháng, nếu đại lý làm thủ tục hải quan không khắc phục và không có văn bản đề nghị, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan ra quyết định chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Câu hỏi 117: Xin cho biết khi nào cơ quan hải quan chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan, thẩm quyền ra quyết định chấm dứt thuộc cơ quan nào?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, các trường hợp chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan và thẩm quyền ra quyết định chấm dứt được quy định như sau:

1. Đại lý làm thủ tục hải quan bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế hoặc thông đồng với chủ hàng để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế;

b) Đại lý làm thủ tục hải quan không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chế độ báo cáo với cơ quan hải quan trong 03 lần liên tiếp theo quy định tại Điều 13 Thông tư này;

c) Sử dụng bộ chứng từ không phải do chủ hàng cung cấp để làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;

d) Thuộc trường hợp nêu tại điểm c khoản 1 Điều này;

e) Đại lý làm thủ tục hải quan có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động.

2. Khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để ra quyết định chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 06 ban hành kèm Thông tư này.

3. Đại lý làm thủ tục hải quan bị chấm dứt hoạt động không được công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan trong thời hạn 02 năm kể từ ngày ra quyết định chấm dứt hoạt động.

4. Trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan đề nghị chấm dứt hoạt động thì có công văn gửi Tổng cục Hải quan ra quyết định chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan.

5. Khi đại lý làm thủ tục hải quan bị chấm dứt hoạt động thì mã số của nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan sẽ bị thu hồi và hết giá trị sử dụng.

 

Câu hỏi 118: Xin cho biết quy định về mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan? Thủ tục cấp và gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan ?

Trả lời :

Theo Điều 8 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan được quy định như sau:

1. Những người làm việc tại đại lý làm thủ tục hải quan đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Hải quan và được đại lý làm thủ tục hải quan đề nghị thì được cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.

Mã số nhân viên được ghi trên Thẻ nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan và được sử dụng trong thời gian hành nghề khai hải quan của nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Các đối tượng không được cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan:

a) Người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù;

c) Người có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hải quan, kiểm toán bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thuế hoặc Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có quyết định xử phạt;

d) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

đ) Cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ nhưng đang trong thời gian quy định không được kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 102/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về việc quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực trách nhiệm quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ;

e) Các trường hợp bị thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 12/2015/TT-BTC.

2. Thủ tục cấp và gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan:

Theo Điều 9 Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài Chính, thủ tục cấp và gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan quy định như sau:

1. Đại lý làm thủ tục hải quan lập hồ sơ đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan, gồm:

a) Đơn đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 07 ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính;

b) Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng thuộc các chuyên ngành luật, kinh tế, kỹ thuật: 01 bản chụp;

c) Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan: 01 bản chụp;

d) Chứng minh thư nhân dân: 01 bản chụp;

đ) Một (01) ảnh 2×3.

Các chứng từ bản chụp do giám đốc đại lý làm thủ tục hải quan ký tên, đóng dấu xác nhận.

2. Hồ sơ đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan được gửi đến Tổng cục Hải quan. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 08 ban hành kèm Thông tư này.

Mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan trùng với số chứng minh thư nhân dân của người được cấp và có giá trị trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp.

3. Gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan

a) Nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan được gia hạn thời gian sử dụng mã số nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Không thuộc các trường hợp bị thu hồi mã số theo quy định tại Điều 10 Thông tư này;

– Tham gia tối thiểu 2/3 hoặc thời lượng tương đương 03 ngày các khóa đào tạo, cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật hải quan do cơ quan hải quan (Tổng cục Hải quan và hải quan các cấp) và đơn vị được cơ quan hải quan cử cán bộ tham gia giới thiệu trong thời gian mã số nhân viên có hiệu lực.

b) Đại lý làm thủ tục hải quan có văn bản đề nghị.

c) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Tổng cục Hải quan thực hiện việc gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan. Thời gian gia hạn là 03 năm kể từ ngày gia hạn.

4. Trường hợp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan bị mất, nếu đại lý làm thủ tục hải quan có văn bản xác nhận và đề nghị, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Tổng cục Hải quan xem xét cấp lại mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan trên cơ sở sử dụng mã số đã được cấp trước đây.

 

Câu hỏi 119: Công ty chúng tôi thực hiện đại lý làm thủ tục hải quan, xin cho biết quyền và trách nhiệm của đại lý làm thủ tục hải quan.

Trả lời:

Theo Điều 13 Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, quyền và trách nhiệm của đại lý làm thủ tục hải quan được quy định như sau:

1. Quản lý, sử dụng mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan để tiến hành các công việc khai báo và làm thủ tục tại cơ quan hải quan trong phạm vi được chủ hàng ủy quyền; Chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề nghị Tổng cục Hải quan cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan cho người đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

2. Yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng đại lý.

3. Yêu cầu cơ quan hải quan hướng dẫn về thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kỹ thuật trong việc kết nối mạng giữa với cơ quan hải quan và cung cấp các quy định mới của pháp luật về hải quan và tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về hải quan.

4. Chịu trách nhiệm về các nội dung khai trên tờ khai hải quan trên cơ sở bộ chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do chủ hàng cung cấp và thực hiện đúng phạm vi được ủy quyền theo hợp đồng đại lý.

5. Thông báo cho Tổng cục Hải quan để thực hiện việc thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này do đại lý làm thủ tục hải quan phát hiện hoặc trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động.

6. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến chủ hàng hoặc các lô hàng do đại lý làm thủ tục hải quan đứng tên khai hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

7. Chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan.

8. Trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan thay mặt chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thực hiện quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thì đại lý làm thủ tục hải quan phải chịu trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế và các pháp luật khác có liên quan.

9. Đại lý làm thủ tục hải quan có trách nhiệm:

a) Định kỳ vào ngày 05 của tháng đầu quý sau, báo cáo tình hình hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 10 ban hành kèm Thông tư này gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc các thông tin cần thiết khác phục vụ cho hoạt động quản lý hải quan khi được cơ quan hải quan yêu cầu bằng văn bản.

b) Báo cáo, đề nghị Tổng cục Hải quan thực hiện việc thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày phát sinh.

 

Câu hỏi 120: Cho tôi xin hỏi quyền và trách nhiệm của Chủ hàng khi thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua đại lý làm thủ tục hải quan:

Trả lời:

Theo Điều 14 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, quyền, trách nhiệm của chủ hàng khi thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua đại lý làm thủ tục hải quan được quy định như sau:

1. Cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu cho đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan cung cấp cho đại lý làm thủ tục hải quan.

3. Giám sát, khiếu nại việc thực hiện các nghĩa vụ của Đại lý làm thủ tục hải quan trong phạm vi được ủy quyền và chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử lý của cơ quan hải quan trong trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan vi phạm các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế.

4. Đề nghị cơ quan hải quan chấm dứt làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp phát hiện Đại lý làm thủ tục hải quan không thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng.

(Nguồn: Cục Hải Quan HCM)

4837 views