4 BƯỚC CẦN LÀM TRƯỚC KHI ỨNG TUYỂN

4 BƯỚC CẦN LÀM TRƯỚC KHI ỨNG TUYỂN

Dù là ứng tuyển vào một thông báo tuyển sinh hay tuyển dụng việc làm thêm thì bạn cũng nên tham khảo trình tự chuẩn bị dưới đây.

BƯỚC 1: ĐỌC KĨ YÊU CẦU TRƯỚC KHI APPLY

Trong kì tuyển dụng biên tập viên gần nhất của Hotcourses, tuy yêu cầu là viết CV bằng tiếng Việt thì có bạn lại gửi CV bằng tiếng Anh. Trong khi đó, thư nguyện vọng (cover letter) được yêu cầu viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh thì lại có bạn chỉ gửi một trong hai phiên bản. Điều này chứng tỏ rằng bạn không hề đọc kỹ thông tin yêu cầu của nhà tuyển dụng mà đã hấp tấp nộp đơn.

Thế nên, Hotcourses rất muốn lưu ý với bạn về vấn đề đọc kỹ thông tin trước khi “apply” dẫu cho đó chỉ là một công việc làm thêm hay là cả một chương trình học mà bạn sẽ gắn bó trong suốt 3,4 năm năm trời. Việc này không chỉ giúp bạn tăng thêm cơ hội thành công mà còn giúp bạn tiết kiệm được thời gian đầu tư trong trường hợp đó là một công việc không phù hợp.

BƯỚC 2: TÌM HIỂU THÔNG TIN, ĐỐI CHIẾU ĐIỀU KIỆN BẢN THÂN

 

Đối với mỗi một công việc lại có những tính chất và điều kiện riêng. Bạn không thể chỉ sau 2 phút đọc thông tin tuyển dụng mà đã biết ngay mình có hợp với nó hay không. Hãy cho “đối tác tiềm năng” một cơ hội bằng việc “google” thêm về họ và vị trí mà họ cần người. Nếu muốn kĩ hơn, bạn có thể vào trang linkedin, website hay cả các trang mạng xã hội của công ty hoặc thậm chí là hỏi han những người bạn đã từng làm việc cho công ty đó chẳng hạn.
Một khi đã biết kĩ hơn về nhà tuyển dụng và cảm thấy hứng thú với vị trí đó, bạn sẽ phải nhìn lại mình để xem bản thân có đáp ứng mọi điều kiện hay không. Trong trường hợp bạn chỉ “xuýt soát” các điều kiện đó, nhưng vẫn muốn thử sức, thì tại sao không liều một phen? Biết đâu nhà tuyển dụng lại là nhìn thấy ở bạn ý chí tiến thủ và nguyện vọng làm việc lớn lao mà những ứng viên mạnh hơn không có thì sao?
>> 13 lí do bạn nên mạnh dạn xin học bổng Fulbright 2016
Một mẹo nhỏ mà Hotcourses muốn nhắn bạn đó là hãy tạo cho mình một bản sơ yếu chi tiết để lưu trữ tất cả những sự kiện, khóa học, hoạt động ngoại khóa mà bạn có dịp tham gia. Từ đó, mỗi khi muốn soạn CV cho công việc nào đó, bạn chỉ cần “rà” lại những thành quả phù hợp – tránh tình trạng bị “lê thê” trong CV hoặc kể những thông tin không hề có lợi cho vị trí ứng tuyển.

BƯỚC 3: SOẠN HỒ SƠ

 

Một bản CV cho việc học tất nhiên không thể giống với CV xin đi làm thêm. Đơn giản vì CV phải được soạn sao cho phù hợp với nội dung lá thư nguyện vọng và bởi vì mỗi hồ sơ ứng tuyển lại có một mục đích riêng. Khi đi xin việc làm thêm, tất nhiên ông chủ quán ăn nhanh sẽ chẳng quan tâm xem bạn từng đạt giải nhất học sinh giỏi Văn thành phố rồi. Khi đó, thông tin có lợi hơn cho bạn chính là kinh nghiệm 3 tháng hè làm nhân viên bán hàng ở shop quần áo của gia đình chẳng hạn.
Ít nhất, hãy “sắm” cho bạn hai bộ CV riêng: CV cho việc học, CV xin việc làm thêm. Nhưng đến khi xin đi thực tập hoặc xin việc làm, hãy nghĩ đến việc soạn những bộ CV mới. Chẳng phải bạn đang tích lũy thêm những kiến thức và trải nghiệm dày dặn mỗi ngày, vậy thì tội gì không cập nhật cho hồ sơ của mình thê “long lanh” phải không?

BƯỚC 4: THEO DÕI CẬP NHẬT

 

Sau khi đã ứng tuyển, đừng chỉ thụ động ngồi một chỗ ngồi chờ nhà tuyển dụng liên lạc. Bạn cần vào ra các kênh thông tin của công ty/nhà trường để nắm bắt thông tin thông báo. Nếu quá 2 tuần mà vẫn không thấy tăm hơi nhà tuyển dụng, bạn có thể gửi mail để hỏi thăm về “số phận” của mình.
Tất nhiên là khi liên hệ cũng cần viết email sao cho chuyên nghiệp nhé, vì biết đâu đấy họ trả lời chậm vì vẫn đang trong quá trình tuyển chọn (và nếu viết tin nhắn quá thiếu chuyên nghiệp thì bạn sẽ vô tình tạo ấn tượng xấu thì sao).

1661 views