Khóa huấn luyện Quản lý chất lượng trái cây và rau quả tươi xuất khẩu – Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Khóa huấn luyện Quản lý chất lượng trái cây và rau quả tươi xuất khẩu – Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu trái cây và rau quả tươi Việt Nam sang các thị trường mục tiêu, Ban Quản lý Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã tổ chức Khóa huấn luyện “Quản lý chất lượng trái cây và rau quả tươi xuất khẩu” tại thành phố Hồ Chí Minh.Tham dự Khóa huấn luyện gồm đại diện Lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của một số Trung tâm Xúc tiến thương mại khu vực Tây Nam Bộ, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trái cây và rau quả tươi.
Phát biểu khai mạc khóa huấn luyện, Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình cho biết mục tiêu của Khóa huấn luyện lần này là tập trung vào bốn nội dung chính (1) Hướng dẫn tiếp cận một số thị trường cao cấp; (2) Quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giấy chứng nhận và an toàn thực phẩm khi xuất khẩu; (3) Tư vấn về quản lý cây trồng và duy trì giấy chứng nhận; và (4) tư vấn và rà soát lại bản kế hoạch phát triển xuất khẩu.
Ngoài nhóm chuyên gia cho trái cây tươi gồm chuyên gia quốc tế ông Jos Leeters, chuyên gia quốc tế người Hà Lan và bà Nguyễn Thị Nhật Minh, chuyên gia trong nước, BQL Chương trình đã mời Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT và ông Richard de Boer, Giám đốc Marketing Cơ quan Giám định và chứng nhận quốc tế Control Union đến tham gia và chia sẻ kinh nghiệm cho các học viên.
Nhằm giúp các học viên hiểu rõ hơn về yêu cầu thâm nhập của một số thị trường khó tính cụ thể là thị trường EU, Ông Jos Leeters đã có bài trình bày chi tiết về xu hướng nhập khẩu trái cây và rau quả tươi. Theo ông, nổi lên trong thời gian tới là một số xu hướng sau: người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR), hệ thống quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng chặt chẽ, sự phát triển của một số thị trường ngách và sản phẩm hữu cơ….
Ông cũng cho biết yêu cầu người mua hàng tại châu Âu có thể chia thành 3 nhóm: (1) yêu cầu bắt buộc (ví dụ yêu cầu pháp lý) để hàng hóa được phép thâm nhập vào thị trường; (2) yêu cầu thông thường, những yêu cầu mà các đối thủ cạnh tranh nhất đã thực hiện hày nói cách khác là những yêu cầu cần tuân thủ để cạnh tranh trên thị trường; và (3) yêu cầu thị trường ngách cho những phân khúc cụ thể. Để có thể đáp ứng những yêu cầu này, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây và rau quả tươi Việt Nam cần cải thiện danh tiếng và thương hiệu sản phẩm của mình thông qua việc xây dựng lòng tin với khách hàng,đảm bảo rằng sản phẩm cung cấp đáp ứng được những chất lượng như đã thoả thuận, kiểm tra với một số tổ chức được chứng nhận tại EU hoặc nhà nhập khẩu EU về những yêu cầu được áp dụng đối với sản phẩm.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đạt cho biết hiện nay chiếu xạ và hơi nước nóng là hai phương pháp được nhiều thị trường khó tính chấp nhận đối với trái cây và rau quả tươi nhập khẩu. Trong đó, chiếu xạ được chấp nhận tại thị trường Hoa Kỳ (thanh long ruột trắng và ruột đỏ – năm 2008, chôm chôm – 2011 và quả vải – 9/2014), Chi Lê (thanh long ruột trắng và ruột đỏ – 2012), New Zealand (xoài –2012, chôm chôm – 2015) và Úc (quả vải – 2015); còn hơi nước nóng được chấp nhận tại thị trường Nhật Bản (thanh long ruột trắng – năm 2009), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng và ruột đỏ – 2010), New Zealand (thanh long ruột trắng, đỏ, hồng, tím – 2014) và Úc (2015).
Ông Đạt cũng cho biết, hiện tại Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 đang triển khai hai chương trình nhằm hỗ trợ xuất khẩu trái cây tươi vào một số thị trường khó tính. Đó là (1) Chương trình tiền chứng nhận (áp dụng với thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc); và (2) Chương trình chứng nhận an toàn (áp dụng với thị trường New Zealand, Chile). Theo đó, nội dung chính của hai nhóm Chương trình này đều có chuẩn kỹ thuật và có hệ thống truy nguyên nguồn gốc như mã số vùng trồng (vùng trồng đạt chuẩn), mã số cơ sở đóng gói (nhà đóng gói đạt chuẩn) và mã số nhà máy xử lý (nhà máy xử lý đạt chuẩn).
Để xuất khẩu trái cây và rau quả tươi thành công sang các thị trường khó tính, Tiến sỹ Đạt cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần (1) tích cực chủ động tìm kiếm các đối tác để ký hợp đồng lâu dài; (2) liên kết lâu dài, chặt chẽ với nhà vườn và chỉ thu mua các sản phẩm tại các vườn đã được cấp mã số; (3) Phối hợp với Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài để tìm tiếp tục xác đinh nhu cầu và mở cửa thêm thị trường khác cũng như thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm trái cây Việt Nam để phát triển thêm thị trường; và (4) Cập nhật các thông tin xuất khẩu nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, trên cơ sở này điều hòa sản xuất trong nước, ổn định giá cả…
Ông Richard de Boer, Giám đốc Marketing Cơ quan Giám định và chứng nhận quốc tế Control Union đã giới thiệu tới các học viên về các giấy chứng nhận đối với mặt hàng trái cây và rau quả tươi như Glogbal G.A.P, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận an toàn thực phẩm (ISO22000, FSSC 22000, BRC, HACCP…) và một số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Control Union như dịch vụ hàng hóa và giám đinh, dịch vụ về môi trường, dịch vụ đăng ký chứng nhận GlobalG.A.P cây trồng…
Buổi chiều cùng ngày các học viên cùng nhóm chuyên gia làm việc về một số cách thức xúc tiến xuất khẩu, chuẩn bị tham gia hội chợ triển lãm thành công như cách thức triển khai các quảng bá/quảng cáo, chuẩn bị tham gia hội chợ. Đặc biệt, các chuyên gia tư vấn đã tiến hành thảo luận, rà soát kế hoạch phát triển xuất khẩu (EDP) với từng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trong Chương trình quyết tâm hoàn thiện bản kế hoạch phát triển xuất khẩu (EDP) vào tháng 2/2016 và thống nhất các bước chuẩn bị để tham gia các sự kiện thực tế triển khai trong năm thứ hai thuộc giai đoạn chính của Chương trình.
http://www.vietrade.gov.vn/tin-tuc-su-kien/5354-khoa-huan-luyen-quan-ly-chat-luong-trai-cay-va-rau-qua-tuoi-xuat-khau-chuong-trinh-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam.html