Khai mạc Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 6 tại Hà Nội
Tham gia Triển lãm lần này có 57 công ty Nhật Bản trưng bày những sản phẩm muốn mua tại Việt Nam và 43công ty Việt Nam trưng bày những sản phẩm muốn bán cho đối tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Triển lãm được tổ chức đồng thời gian và địa điểm với 2 triển lãm khác là Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp và Triển lãm sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tổng hợp 3 triển lãm gồm 300 doanh nghiệp của các nền kinh tế Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện sôi động nhất và có thể coi là lớn nhất trong năm của ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, gia công chế tạo của Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng hiện nay của việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của Ban tổ chức trong việc xúc tiến tổ chức các triển lãm chuyên ngành có quy mô và tầm vóc khu vực, góp phần đẩy mạnh hợp tác và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Triển lãm năm 2015 được tổ chức trong bối cảnh mối quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển sâu rộng và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2013. Riêng các sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ như phương tiện vận tải và phụ tùng xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2013; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 1,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 18,5% so với năm 2013.
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ ra đời. Việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa của Việt Nam, giúp Việt Nam tăng mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực công nghiệp, thu hút được nhiều FDI hơn, sản xuất công nghiệp nội địa tốt hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng tích cực. Nhờ đó, Việt Nam gia nhập AEC sẽ thuận lợi và có nhiều yếu tố cạnh tranh hơn trong khu vực, trở thành điểm đến cung cấp phụ tùng, thiết bị công nghiệp có nhiều triển vọng ở ASEAN cho các đối tác Nhật Bản và trong khu vực./.
Nguồn PROMOCEN