NGÀNH DỊCH VỤ GIAO NHẬN, LOGISTICS VN ĐÃ THỰC SỰ TRƯỞNG THÀNH!

So với thời kỳ trước khi gia nhập WTO, ngành dịch vụ giao nhận, logistics VN đã có bước trưởng thành đáng kể về số lượng các DN tham gia cũng như tính chuyên nghiệp của những nhà cung cấp dịch vụ. Với số lượng phát triển hàng năm trung bình cả nước 200-300 DN mới ra đời, từ đó có trên 1.000 DN đang hoạt động trong ngành dịch vụ giao nhận, logistics là một thực tế có thể dự đoán được!

Họ phần lớn là các DN vừa và nhỏ, trẻ và năng động được trang bị kiến thức và kinh nghiệm của ngành khá vững vàng, hầu hết bước ra từ những DN Nhà nước hoặc các liên doanh, vốn nước ngoài. Đã có những lĩnh vực mới mẻ, thí dụ như phân phối hàng trực tuyến trên mạng, có nhiều DN được gọi là “làm logistics”, đảm nhiệm việc giao hàng, phát hóa đơn thu tiền với một đội ngũ nhân viên sử dụng xe gắn máy và kỹ năng phục vụ khá chuyên nghiệp của họ hàng ngày xử lý đến vài trăm đơn hàng.! Hay như Co-op Mart, một DN phân phối có sức cạnh tranh lớn tại thị trường bán lẻ VN, đã tổ chức hệ thống logistics của mình không hề thua kém so với các DN cung cấp dịch vụ nước ngoài… Và còn rất nhiều DN là đại lý giao nhận, đại lý vận tải, giao nhận… đã tiến hành các hoạt động đa dạng, trọn gói cho khách hàng hoặc đầu tư phương tiện kho tàng bến bãi, CNTT… tiến  hành các hoạt động dịch vụ 3PL với lợi thế am hiểu địa phương của mình.

Nếu sử dụng hệ thống đánh giá năng lực thực hiện logistics (LPI) của một quốc gia do WB tiến hành nhiều năm qua, thay cho “tư duy chiếc bánh” (như nói trên), ngành dịch vụ logistics VN đang bước vào thời kỳ phát triển với thứ bậc 53/155 quốc gia (năm 2011) ở mức trung bình-khá, ngay trong khu vực cũng như trên thế giới!

Đã có ý kiến cho rằng sức cạnh tranh của các DN cung cấp dịch vụ logistics VN qua hội nhập ngày càng được nâng lên, lý do dễ hiểu không đợi đến thời kỳ mở cửa, thực tế các “đại gia logistics” trên thế giới đã xuất hiện đông đủ, thậm chí trước cả khi VN gia nhập WTO(!) bằng cách này hay cách khác! Còn nói rằng các DN giao nhận, logistics VN chỉ là người làm công, nhường sân chơi chọ bạn, điều này cũng chưa thật sự đầy đủ và công bằng vì như chúng ta biết chuỗi dịch vụ logistics (đặc biệt logistics toàn cầu) sẽ không thể do một DN có thể tiến hành mà phải thông qua việc phân công và hợp tác tùy năng lực và lợi thế của các thành viên trong chuỗi. Đành rằng so với các ưu thế về năng lực, vốn, mạng lưới, tính chuyên nghiệp… của các DN nước ngoài, các DN VN còn nhiều khoảng cách và thách thức, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Thực tế qua 6 năm gia nhập WTO, đặc biệt trong những thời kỳ khó khăn như năm 2012 vừa qua, đại đa số các DN trong ngành (trừ một số DN vận tải biển do đặc thù của ngành) đã năng động, linh hoạt ứng phó với tình hình và trụ vững; theo số liệu khảo sát trong hội viên của VLA số DN ngưng hoạt động, giải thể với tỉ lệ  2-3%thấp hơn so với các ngành khác!

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta bằng lòng với địa vị, năng lực, điều kiện kinh doanh của mình trong hiện tại với chiếc áo bảo hộ từ phía Nhà nước. Thời kỳ mở cửa 2014 chắc chắn sẽ còn gay gắt hơn, khi mà cơ hội và thách thức đan xen thì việc tìm ra một gải pháp khôn ngoan nhất cần phải tính toán.

SỰ CHUẨN BỊ TRƯỚC NGƯỠNG CỬA 2014

Qua 6 năm gia nhập WTO, tuy còn nhiều bất cập về thể chế, quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics, nhưng cũng có thể nhìn thấy sự chuẩn bị của Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã tạo được một diện mạo mới cho ngành logistics VN. Vai trò và tác dụng ngành logistics trong việc phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ tới đã được nhận thức đầy đủ và nhắc tới trong các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Về hành lang pháp lý, các quy định, chính sách thực hiện cam kết WTO đồng thời tạo các thuận lợi thương mại cho các DN trong nước hoạt động và phát triển ngành nghề, Chính phủ đã ban hành các Nghị định mở đường cho ngành logistics VN như NĐ 140/2007/NĐ-CP chi tiết Luật Thương mại 2005 về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, NĐ 115/2007/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển. Năm 2009 có NĐ 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức. Cũng trong năm 2009 và các năm tiếp theo, Chính phủ ban hành hàng loạt các quyết định về qui hoạch giao thông vận tải, cảng biển, đường sắt, đường thủy, hàng không… đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Năm 2011 có QĐ 175/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của VN đến năm 2020 trong đó lần đầu tiên VN có chiến lược dịch vụ logistics. Hàng năm các bộ ngành ban hành nhiều văn bản nhằm hướng dẫn, điều chỉnh, giảm bớt các thủ tục phiền hà, thúc đẩy các hoạt động ngành logistics và dịch vụ logistics. Gần đâycó NĐ 87/2012/NĐ-CP về thủ tục hải quan điện tử với nhiều cải cách trong thủ tục hải quan. Cũng trong năm 2012, Thủ tướng có QĐ số 950/QĐ/TTg về chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030 trong đó đề cập đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ logistics, đầu tư kho bãi tại cảng biển lớn, các địạ điểm thông quan, quy hoạch hệ thống logistics trên cả nước, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa các DN VN. Hiện nay, Luật Hải quan cũng đang trong quá trình sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi thương mại và logistics cũng như phù hợp thông lệ quốc tế và khu vực.

Điều kiện về hạ tầng cơ sở giao thông vận tải, đường sá, cảng biển, sân bay… sau gia nhập WTO đến nay đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp với nhiều hình thức hợp tác linh hoạt, đáp ứng việc lưu thông hàng hóa, phương tiện, tạo thuận lợi phát triển ngành logistics và thương mại xuất nhập khẩu.

Các Hiệp hội có liên quan của ngành logistics trong thời gian qua đã kết nối hoạt động mình với hội viên nhằm truyền thông, cập nhật các kiến thức ngành nghề, đặc biệt trong công tác đào tạo huấn luyện, xây dựng đội ngũ nhân lực có  trình độ chuyên môn ngang tầm khu vực và quốc tế. Các hiệp hội cũng đã vận động Nhà nước đề ra các chính sách nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics VN, tạo thuận lợi thương mại, thể chế phù hợp nhằm xây dựng thị trường dịch vụ logistis minh bạch, thúc đẩy cạnh tranh phát triển. Năm 2010 Hiệp hội Chủ hàng VN được thành lập, thêm một tổ chức của các DN hàng hóa có liên quan trực tiếp ngành logistics VN.

Nằm trong các động thái này, Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt nam (VIFFAS) đầu năm 2013 đã được chấp thuận đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt nam (VLA) với một nhiệm vụ rộng lớn hơn đón đầu thời kỳ mới!

Như trên đã nói, tuy vẫn còn nhiều bất cập trong việc phối hợp quản lý ngành logistics thiếu một đầu mối thống nhất, chưa kiến tạo thị trường dịch vụ logistics minh bạch, thể chế hóa và phát triển thị trường 3PL ngang tầm khu vực và quốc tế, nhưng những gì mà Nhà nước, các bộ và hiệp hội ngành làm được trong thời gian qua đã là những cố gắng đáng ghi nhận.

Tại thời điểm này chúng ta đề xuất Chính phủ, đặc biệt Bộ Công thương trong chương trình xây dựng các đề án hoạt động của mình trong năm 2013 hoặc  2014, cần thiết bổ sung việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 140/2007 CP do đã không còn phù hợp với sự phát triển ngành dịch vụ logistics tại VN.

DN LOGISTICS VN TRƯỚC NGƯỠNG CỬA 2014

Thông điệp tại Hội nghi thượng đỉnh về hàng không thế giới (WCS) lần thứ 7, tổ chức tại Doha1 (1.3.2013) vừa qua, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ vận tải hàng không đã chọn hai điểm nhấn: điện tử hóa giao nhận hàng không (e-freight) và cách tiếp cận dựa trên rủi ro để đảm bảo an ninh chuyền cung ứng. Điều này cũng đặt ra với cả dịch vụ vận tải đường biển và các phương thức khác.

Khuyến cáo của UNESCAP gần đây tại các Diễn đàn các nhà giao nhận, vận tải đa phương thức và các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các quốc gia cần Bộ quy tắc ứng xử chuyên nghiệp (Code of Professional Conduct) cho các nhà giao nhận, Các nhà vận tải không điều hành tàu (N.V.O.C.C). và các nhà cung cấp dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh phục vụ khách hàng.

Từ những ý tưởng đó, giải pháp khôn ngoan cho các DN logistics VN trước ngưỡng cửa 2014, cần có những nội dung sau đây:

– Chủ động và tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư CNTT, phương tiện, nhân lực chuyên nghiệp phù hợp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và quốc tế.

– Phát triển dịch vụ logistics theo hướng 3PL (dịch vụ trọn gói, tích hợp); thêm nhiều giá trị gia tăng phục vụ khách hàng.

– Có giải pháp linh hoạt, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Tận dụng lợi thế địa phương khi hợp tác với các DN nước ngoài.

– Tiếp cận khách hàng theo hướng giảm thiểu rủi ro và phục vụ toàn chuỗi cung ứng.

– Cuối cùng, đừng quên và bỏ qua yếu tố “hàng VN” khi tiếp cận chủ hàng VN, thuyết phục chủ hàng từ bỏ tập quán mua bán truyền thống để sử dụng các phương thức hiện thời (INCOTERM 2010).

Trước ngưỡng cửa 2014, một bước ngoặt mới cho các DN logistics VN, thời kỳ mà sự sàng lọc thị trường sẽ nghiệt ngã hơn; chắc chắn ngoài sự nỗ lực và chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân các DN dịch vụ logistics, Nhà nước, các bộ quản lý và hiệp hội ngành hàng không thể đứng ngoài cuộc.

Ngay trong năm 2013, Bộ Công thương, với tư cách quản lý ngành, cần phối hợp các Bộ liên quan, các hiệp hội tổ chức các diễn đàn, hội thảo về kế hoạch chuẩn bị mở cửa ngành dịch vụ logistics để các DN chủ động ứng phó nếu không sẽ là quá muộn.

Nguyễn Hùng
5811 views