Rộng cửa xuất khẩu sang Mỹ
Với sức nóng từ TPP và sự hồi phục của nền kinh tế đứng đầu thế giới, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi gặp gỡ báo chí ở TP HCM mới đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để thu lợi lớn từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Mỹ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 ở nước ta trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt hiện mở rộng chi nhánh, tăng đầu tư vào sản xuất để tranh thủ xuất khẩu sang Mỹ.
Đón cơ hội
Công ty CP May Garmex Sài Gòn đang đẩy mạnh tìm kiếm thêm đơn hàng xuất khẩu cho chi nhánh tại Mỹ. Chi nhánh Blue Saigon LLC đặt tại California dù mới hoạt động chính thức từ tháng 9-2013 nhưng đã có doanh thu 2 triệu USD – tính đến cuối năm ngoái. Riêng quý I/2015, chi nhánh đã có đơn hàng 1 triệu USD.
Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn, thị trường Mỹ chiếm 40% thị phần của DN. Theo cam kết với khách hàng, đến năm 2017, Garmex Sài Gòn phải tăng 50% năng lực xuất khẩu cho họ. Để đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng, năm 2015, Garmex Sài Gòn sẽ mở thêm 15-20 chuyền may (hiện có 52 chuyền may).
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành và nếu TPP được ký kết sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ. Gần đây, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam mở nhà máy sợi, dệt nhuộm và cả xưởng may để tận dụng lợi thế khi TPP được ký kết, giúp thuế xuất khẩu mặt hàng này giảm dần về 0% (hiện nay là 17%-20%).
Với ngành thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường lớn nhất của ngành, chiếm 22% tổng kim ngạch. Châu Âu và Nhật là 2 thị trường lớn kế tiếp của thủy sản Việt Nam nhưng được dự báo sẽ có một năm “ảm đạm” do tăng trưởng chậm.
Chủ động ứng phó
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường Mỹ tăng khá cao trong năm qua: dệt may tăng 13,9%, giày dép tăng 26,1%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 12,8%, đặc biệt hàng điện tử máy tính và linh kiện tăng đến 45%… Tổng cục Hải quan cho biết kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã cán mốc 28,65 tỉ USD trong năm 2014 và có đến 8 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị 1 tỉ USD trở lên.
Nhiều năm làm ăn với Mỹ, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu gỗ Minh Phát 2 (Mifaco), cho biết DN Mỹ thường không chấp nhận thanh toán bằng L/C (thư tín dụng) vì chi phí mở L/C ở Mỹ rất cao và rắc rối do khi đã ký sẽ khó thay đổi ngày xuất hàng linh hoạt.
“Làm ăn với DN Mỹ, chúng tôi chấp nhận xuất hàng đi mà tiền chưa về. DN Việt thường có thói quen “ăn chắc”, có tiền mới giao hàng nên sẽ gặp rào cản nếu mới vào Mỹ. Muốn làm ăn ở đây phải tin tưởng tuyệt đối khách hàng. Điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ đối tác trước khi quyết định làm ăn” – ông Hiệp nói.
Với ngành thủy sản, theo VASEP, khi nhu cầu nhập khẩu tăng, lập tức các hàng rào kỹ thuật sẽ được siết chặt hơn. Ngành thủy sản luôn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sản phẩm tôm và cá tra từ thị trường Mỹ. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố thuế chống bán phá giá trong đợt rà soát lần thứ 10 (POR10) và áp dụng mức thuế tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam.
“VASEP sẽ kiện DOC lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) để phản đối mức thuế chống bán phá giá cá tra. Song song đó, DN xuất khẩu cần đầu tư phát triển và tiếp thị các mặt hàng giá trị gia tăng hoặc sản phẩm chế biến khác không bị áp thuế chống bán phá giá; chuẩn bị tốt để chủ động tham gia các đợt xem xét hành chính tiếp theo nhằm chứng minh DN Việt không bán phá giá để có cơ hội được hưởng mức thuế tốt hơn” – đại diện VASEP cho biết.
Nguồn: Báo Người Lao Động