5 nhóm nhiệm vụ về cải cách hiện đại hóa hải quan trong năm 2021

(HQ Online) – Năm 2021, Tổng cục Hải quan đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, gồm: Hoàn thiện chính sách; cải cách hành chính; hiện đại hóa hải quan; thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW); tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

 

Thủ tục hành chính của Tổng cục Hải quan được kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Thủ tục hành chính của Tổng cục Hải quan được kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia

 

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Tổng cục Hải quan tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật hải quan để xác định các văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đáp ứng yêu cầu quản lý Ngành và hoàn thiện quản lý hệ thống pháp luật hải quan. Trong đó, tập trung hoàn thiện các Nghị định trình Chính phủ như: Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua NSW; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử….

Tập trung nguồn lực triển khai các đề án, công tác trọng tâm, đảm bảo hoàn thành 100% đề án, chương trình công tác trọng tâm đúng tiến độ đồng thời đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đăng ký trong năm 2021.

Công tác cải cách hành chính

Ban hành kế hoạch công tác cải cách hành chính (CCHC), kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lĩnh vực hải quan năm 2021. Chú trọng thực hiện đồng bộ các lĩnh vực CCHC trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng công chức, viên chức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Về thực hiện NSW, năm 2020, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thống nhất quy trình nghiệp vụ, xây dựng hệ thống CNTT để mở rộng thực hiện các thủ tục mới thông qua NSW. Tính đến ngày 15/12/2020, có 207 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai, với hơn 3,5 triệu hồ sơ của hơn 43.460 doanh nghiệp.Đối với ASW, Việt Nam đã trao đổi chính thức thông tin C/O mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines thông qua ASW.Tính đến ngày 15/12/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 247.858 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 313.859 C/O.Đồng thời, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan xác định cần tăng cường vai trò của thủ trưởng đơn vị trong công tác CCHC; gắn kết quả công tác CCHC với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền công tác CCHC; thực hiện có hiệu quả Chỉ số CCHC của Tổng cục Hải quan. Tiếp tục đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC, đặc biệt là việc đánh giá tác động của TTHC và công bố TTHC.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam trong năm 2021, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Công tác hiện đại hoá hải quan

Trong công tác hiện đại hóa các nhiệm vụ quan trọng đặt ra là: xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030; xây dựng Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2021-2025; khảo sát thời gian và mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW; khảo sát chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới.

Đồng thời, tổng hợp kết quả ghi nhận chỉ số chính đánh giá hiệu quả hoạt động thuộc các lĩnh vực của ngành Hải quan năm 2020.

Xây dựng: kế hoạch thực hiện khung tiêu chuẩn về bảo đảm an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu (SAFE) giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đổi mới một số hoạt động Quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm năm 2021, định hướng 2022.

Tổ chức đánh giá năng lực lãnh đạo cấp phòng, cấp đội và tương đương thuộc 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng kết quả đánh giá năng lực trong công tác đánh giá, phân loại, điều động, luân chuyển cán bộ công chức.

Đẩy mạnh triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại

Năm 2021 cần tiếp tục hoàn thành triển khai theo Kế hoạch tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg; Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg và kết luận của Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo 1899 tại phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban 1899 ngày 22/9/2020.

Thực hiện tốt vai trò điều phối trong việc triển khai NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin thông qua NSW; tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống CNTT và hoàn thiện Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống CNTT phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung.

Tổ chức triển khai Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi được phê duyệt. Đánh giá, đo lường chỉ số hoạt động của các thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành triển khai NSW, ASW.

Ứng dụng CNTT và cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Liên quan đến công tác ứng dụng CNTT, trên cơ sở phê duyệt của Bộ Tài chính về chủ trương đầu tư thuê dịch vụ Hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ ngành Hải quan hướng tới Hải quan số, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai các nội dung công việc liên quan. Đồng thời triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan; tổ chức, triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2021, Kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục rà soát, cập nhật cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đối với các TTHC trong lĩnh vực hải quan được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Tiếp tục phối hợp cùng các bên liên quan để tích hợp các DVCTT đang được cung cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nghiên cứu và từng bước ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Chuỗi khối (Blockchain)…

Kết quả về cải cách TTHC, hiện đại hóa của ngành Hải quan năm 2020Về cải cách TTHC, Tổng cục Hải quan luôn gắn chặt hoạt động rà soát, đơn giản hóa TTHC trong triển khai công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các TTHC được rà soát, đề xuất điều chỉnh theo hướng trình tự, thủ tục rõ ràng; thành phần hồ sơ đơn giản, chỉ yêu cầu các chứng từ, giấy tờ thật sự cần thiết; cách thức thực hiện hầu hết được điện tử hóa; đơn giản hóa các yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC qua đó giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp.Tổng số chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC ước tính khoảng 15 tỷ đồng/năm, tương đương 62.500 ngày công lao động phổ thông (240.000 đồng/ngày công).

 

Thái Bình ( Theo nguồn báo hải quan 08:47 | 13/01/2021)
Link: https://haiquanonline.com.vn/5-nhom-nhiem-vu-ve-cai-cach-hien-dai-hoa-hai-quan-trong-nam-2021-139939.html

Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

 

291 views