4 công cụ chống buôn lậu và chống thất thu ngân sách trong năm 2021

(HQ Online) – Năm 2021, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu ngân sách tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tổng cục Hải quan đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm tra sau thông quan; thanh tra, kiểm tra; kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

Gần 50.000 bao thuốc lá trong container hàng vi phạm vừa được Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ.

Gần 50.000 bao thuốc lá trong container hàng vi phạm vừa được Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ.

Quản chặt hàng hóa có điều kiện

Về nhóm giải pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan xác định tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định… của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Năm 2020, toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.314 vụ vi phạm pháp luật hải quan, dù số vụ giảm 11,59 % so với năm 2019 nhưng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính lên đến 4.507 tỷ 139 triệu đồng, tăng 48,49%.Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 493 tỷ 684 triệu đồng (tăng 2,62% so với cùng kỳ 2019).

Cơ quan Hải quan đã khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 146 vụ.

Đáng chú ý, năm 2020, lực lượng Hải quan chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện 219 vụ án về ma túy, bắt giữ 188 đối tượng. Tang vật thu giữ lên đến gần 83 kg và 221 bánh heroin; hơn 23 kg và hơn 412 nghìn viên ma túy tổng hợp; gần 647 kg ma túy đá…

Với vai trò là cơ quan Thường trực công tác 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng kiểm soát toàn Ngành đẩy mạnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật hải quan.

Tăng cường nhân lực, năng lực cho bộ phận thu thập thông tin, giám sát qua các hệ thống điện tử của Ngành. Phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng phương tiện trong việc giám trực tuyến trên ba cấp đạt hiệu quả cao. Nghiên cứu, đầu tư Trung tâm giám sát trực tuyến tại các đơn vị có số thu lớn hoặc các đơn vị đã được đầu tư các hệ thống trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan.

Đáng chú ý, cơ quan Hải quan sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện như rượu ngoại, xăng dầu, phế liệu, đồ điện tử, một số thiết bị đã qua sử dụng, mặt hàng xơ sợi… Đồng thời, theo dõi, giám sát chặt chẽ các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan; đấu tranh ngăn chặn tình trạng xuất khẩu khống hàng hóa để được hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận xuất xứ hàng hóa để trốn thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng: Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, An ninh hàng không, các hiệp hội, doanh nghiệp… nâng cao công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực cho lực lượng kiểm soát Hải quan.

Gần 50.000 bao thuốc lá trong container hàng vi phạm vừa được Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ.

Gần 50.000 bao thuốc lá trong container hàng vi phạm vừa được Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ.

 

Tiếp tục chống gian lận xuất xứ

Đối với lĩnh vực kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 7180/CT-TCHQ ngày 19/11/2020 về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác kiểm KTSTQ trong toàn quốc. Tập trung xây dựng kế hoạch định hướng theo 4 lĩnh vực lớn: kiểm tra mã số đối với các mặt hàng có rủi ro cao; kiểm tra về trị giá đối với các mặt hàng có trị giá lớn như khoáng sản, hàng tiêu dùng; kiểm tra về chính sách thương mại bao gồm hàng miễn thuế và 17 Hiệp định Thương mại tự do; đổi mới công tác KTSTQ đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu và chế xuất.

Đặc biệt, lực lượng KTSTQ tiếp tục tập trung triển khai chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách và nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ KTSTQ, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và nợ thuế. Sửa đổi quy trình KTSTQ theo hướng cải cách, điều chỉnh những nội dung không phù hợp, cắt bỏ những nội dung rườm rà, đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; sơ đồ hóa, lượng hóa và chỉ rõ mục đích của từng bước thực hiện.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan giao Cục KTSTQ tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động KTSTQ đối với các cục hải quan địa phương. Tổ chức hội nghị tập huấn, trao đổi nghiệp vụ KTSTQ toàn quốc. Triển khai có hiệu quả công tác đào tạo, tự đào tạo về nghiệp vụ KTSTQ, nghiệp vụ xác minh, điều tra, khởi tố hình sự và các lĩnh vực có liên quan, hướng đến mục tiêu xây dựng lực lượng KTSTQ cải cách, kỷ cương, văn minh, chuyên nghiệp.

Đổi mới quản lý doanh nghiệp ưu tiên để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ưu tiên trong toàn quốc.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra

Liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung thực hiện kế hoạch công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ theo phê duyệt của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan theo định hướng của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo việc tuân thủ pháp luật.

Cơ quan Hải quan sẽ thực hiện ghép đoàn kiểm tra nhưng chỉ tập trung vào các nội dung: kiểm tra nội bộ, phòng chống tham nhũng, kiểm tra công vụ và theo nguyên tắc kiểm tra toàn diện các lĩnh vực 1 năm/1 lần/ đơn vị để tránh trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời kỳ, thời gian kiểm tra.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ thông qua hình thức kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm, kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành Hải quan và hệ thống camera giám sát công vụ để kịp thời phát hiện những sai phạm của doanh nghiệp, hạn chế, thiếu sót, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức….

Tập trung thực hiện Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”

Về công tác kiểm định hải quan, ngành Hải quan xác định công việc trọng tâm là chuẩn bị năng lực, nguồn lực để triển khai Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” như: xây dựng hành lang pháp lý cho công tác kiểm định tại các văn bản pháp quy; mở rộng, đăng ký các chỉ tiêu thử nghiệm vilas; bổ sung nguồn lực, nhân lực và đào đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng…

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác phân tích phân loại (PTPL) hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế mẫu yêu cầu PTPL từ các đơn vị Hải quan địa phương, việc gửi mẫu phải đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro và phục vụ quản lý nhà nước về hải quan. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm định phân tích phân loại để nâng cao hiệu quả quản lý….

 

 

Thái Bình  (Theo nguồn báo hải quan 08:25 | 17/01/2021)
Link: https://haiquanonline.com.vn/4-cong-cu-chong-buon-lau-va-chong-that-thu-ngan-sach-trong-nam-2021-140123-140123.html

Please contact with us:
PHAM LE TRADING & LOGISTICS COMPANY LIMITED
Kim Pham – Phone: 0917474043
Email: kim.pham@phamle.com.vn / binhvj@gmail.com

406 views