24 dòng sản phẩm dệt may xuất sang Hàn Quốc có thuế 0%

AsemconnectVietnam – Khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, nhóm hàng dệt may (24 dòng sản phẩm) từ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ được đưa về thuế suất 0% thay vì từ 8 đến 13% như hiện nay.

VKFTA chính thức được ký kết từ đầu tháng 5-2015 sau hơn 2 năm đàm phán. Theo đó, Hàn Quốc cam kết tự do hóa 97,2% tổng giá trị hàng nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), tức 95,4% số dòng thuế. Đổi lại, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế.

Chia sẻ cụ thể hơn về VKFTA, tại hội thảo “VKFTA cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 14-7, ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng Phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, Hàn Quốc dành ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và các mặt hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí…

Đặc biệt, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… vốn có thuế suất rất cao từ 241 đến 420% do đây là những mặt hàng đặc biệt nhạy cảm với nước này.

Trong số các mặt hàng Hàn Quốc dành ưu đãi thuế quan cho Việt Nam, dệt may là mặt hàng duy nhất có mức thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Theo đó, nhóm hàng dệt may sẽ có 24 dòng sản phẩm từ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ được đưa về thuế suất 0%, thay vì từ 8 đến 13% như hiện nay (Dệt may đang là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc). Đây là một trong những cam kết cắt giảm thuế khá có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Một mặt hàng khác mà Việt Nam hiện cũng xuất khẩu khá mạnh vào thị trường Hàn Quốc là thủy sản, đặc biệt là tôm. Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thuế cho mặt hàng tôm (thuế suất 0%) nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng chỉ áp dụng trong hạn ngạch. Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, mức hạn ngạch được áp dụng là 10.000 tấn/năm, và tăng thêm 10% qua mỗi năm và lên mức 15.000 tấn/năm vào năm thứ 6, và sau đó giữ ở mức này.

Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng là nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc và nhận được nhiều ưu đãi từ hiệp định này với 64 mặt hàng. Hiện thuế suất cơ sở của nhóm hàng này là 0-10%, khi hiệp định có hiệu lực thì thuế suất một số ít nhóm hàng sẽ về 0%, còn lại hầu hết các mặt hàng đều có lộ trình giảm thuế từ 5 đến 10 năm.

Cơ hội được nêu ra là rất lớn nhưng điều quan trọng là doanh nghiệp tận dụng như thế nào? Theo khuyến cáo của bà Bùi Kim Thùy, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong cam kết để tận dụng cơ hội này.

Bên cạnh đó, ông Tuyên cho rằng, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường và hiểu biết tập quán kinh doanh của người Hàn Quốc như: Chuẩn bị các thông tin khách hàng trước khi tham dự hội chợ ngành hàng tại Hàn Quốc, sử dụng danh thiếp, catalogue công ty, đúng hẹn… là những yếu tố không thể thiếu trong tạo lòng tin từ lần đàu gặp gỡ với đối tác; tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Hàn Quốc, hiểu biết các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại Hàn Quốc sẽ giúp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng, hạn chế bị trả lại hàng, rút ngắn thời gian kiểm dịch…

Nguồn: Báo Hải Quan

3831 views